An cung ngưu hoàng hoàn: cứu hay hại người?

Thứ hai, 07/12/2020, 10:18 AM

"Thần dược" An cung ngưu hoàng hoàn khiến nhiều bệnh nhân phải vào viện cấp cứu vì uống loại thuốc này .

Trang Facebook và loại thuốc mà bà Nguyễn Thị L. mua uống và phải nhập viện

Trang Facebook và loại thuốc mà bà Nguyễn Thị L. mua uống và phải nhập viện

Dịp cuối năm, thị trường An cung ngưu hoàng hoàn sôi động nhất, dù giá thuốc tính bằng bạc triệu. Do được đồn thổi là giúp phòng ngừa, điều trị bệnh tai biến, đột quỵ nên nhiều người càng truy lùng “thần dược” này. Tuy nhiên, tại nhiều bệnh viện, bệnh nhân vào cấp cứu vì uống loại thuốc này cũng không ít.

Nhiều người nhập viện vì uống An cung ngưu hoàng hoàn

Mới đây, bà Nguyễn Thị L. (62 tuổi, ở Q.8, TP.HCM) phải vào cấp cứu ở Bệnh viện (BV) An Bình do rối loạn tiền đình sau khi uống sáu viên An cung ngưu hoàng hoàn (ACN).

Trước đó, tình cờ trong lúc đi tập thể dục, bà Nguyễn Thị L. được một người bạn khoe đang uống ACN vì sợ đột quỵ, tai biến nên dùng để phòng ngừa. Bà L. được bạn giới thiệu vào nhóm “Huong Ngoi…” để tham khảo. Bà thấy ai cũng khen ACN là thần dược và người tư vấn nói chuyên trị triệu chứng giống của bà: hoa mắt, chóng mặt, ngồi xuống đứng dậy xây xẩm. Dù bệnh rối loạn tiền đình đã ổn hơn một năm nay, nhưng bà muốn trị dứt hẳn nên mua ngay một hộp 60 viên ACN của Hàn Quốc với giá 1.500.000 đồng. Theo hướng dẫn, bà uống mỗi ngày một viên vào buổi sáng trước khi ăn 15 phút. Uống đến viên thứ sáu, bà thấy khó chịu, đau đầu và quay cuồng, không ngồi dậy được. Con bà đo huyết áp thì thấy huyết áp tăng nên nhanh chóng đưa bà vào BV An Bình.

Không chỉ có trường hợp bà L., BV Hữu Nghị cũng đã tiếp nhận cấp cứu ông Lê Văn L. (70 tuổi, ở Hoàng Mai, TP.Hà Nội) trong tình trạng bị hôn mê sau khi uống thuốc ACN ngừa tai biến não. Người thân ông L. cho biết, một tuần trước, ông bị ngã và xuất hiện tình trạng đau đầu, chóng mặt. Người nhà sợ ông bị tai biến mạch máu não nên cho ông uống bốn viên ACN. Thế nhưng sau đó, ông L. không khỏi, mà rơi vào hôn mê. Tại BV, các bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp CT và phát hiện ông L. bị xuất huyết não. Ông được bác sĩ can thiệp ngay và nay sức khỏe đã ổn định. Cũng tại Hà Nội, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Dược Hà Nội, chia sẻ có một bà cụ bị chảy máu não, gia đình không đưa đến BV, mà để ở nhà cho uống gấp đôi liều ACN. Khi bà cụ được đưa vào BV thì tình trạng xuất huyết đã rất nặng.

Tại Cần Thơ, tiến sĩ - bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc BV đa khoa quốc tế Cần Thơ, cho hay đã tiếp nhận cấp cứu nhiều bệnh nhân do đột quỵ, trong số đó có không ít người đã từng uống ACN để phòng bệnh.

Nhộn nhịp thị trường “thần dược, tiên dược”

Dù không ít người sử dụng ACN phải nhập viện nhưng vì sao vẫn có người “dính bẫy”? Tìm hiểu thị trường loại thuốc này, chúng tôi rất bất ngờ vì những người bán ACN đều thổi phồng công dụng như ngăn ngừa và điều trị đột quỵ, tai biến mạch máu não, xuất huyết não, rối loạn tiền đình… chứ hầu như không có cảnh báo tác dụng phụ, hay nhắc nhở thận trọng khi dùng.

Gõ cụm từ “An cung ngưu hoàng hoàn”, trong vòng 0,52 giây cho ra 1.270.000 kết quả. Trong đó, cả trăm trang web, trang cá nhân rao bán ACN của Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên... Vào thử trang “thuốc tim mạch” thấy giới thiệu hàng chục loại thuốc ACN, chỉ riêng thương hiệu Đồng Nhân đường của Trung Quốc đã có hơn chục loại. Có loại được rao bán với giá 10 triệu đồng/hộp/4 viên, có loại 7 triệu đồng, loại 4 triệu đồng hoặc chỉ hơn 1 triệu đồng. Hầu như người bán nào cũng khẳng định thuốc này đặc trị và phòng ngừa đột quỵ, tai biến mạch máu não, dùng cả trong các trường hợp có cục máu đông và xuất huyết não.

Trong vai người mua hàng, tôi gọi điện thoại số 09377979… rao bán ACN trên mạng, nói có ông ngoại bị xuất huyết não bốn ngày, có uống được ACN không? Người bán khẳng định “uống được hết chị nhé, cực tốt cho người bị xuất huyết não, giúp phục hồi di chứng yếu liệt, khó nói”. Trong khi theo các bác sĩ, các hoạt chất của ACN có đặc tính làm hỗ trợ tan máu, nên những trường hợp bị xuất huyết thì uống thuốc này sẽ làm trầm trọng bệnh hơn. Còn hai nơi bán ACN là trang Alo…, An… thì nói nước đôi: “Chị muốn cho người nhà dùng cũng được, nhưng uống trước khi bệnh thì hiệu quả hơn”.  Trên mạng xã hội Facebook, người mua kẻ bán tấp nập, có người livestream bán ACN rất xôm tụ.

Ngày 26/11, trang Facebook Phong D… đã livestream bán ACN Hàn Quốc hộp gỗ 60 viên với giá 1.490.000 đồng, mua hai hộp giảm 10% và tặng một hộp mật ong chanh. Người bán liên tục khẳng định: “Thuốc đặc biệt để phòng và điều trị đột quỵ, tai biến mạch máu não, xuất huyết não, đặc biệt tốt cho rối loạn tiền đình, uống sẽ hết triệu chứng hoa mắt, chóng mặt… có hiệu quả ngay và luôn”. Với kiểu giới thiệu này, chỉ trong 1 tiếng 27 phút livestream, chủ shop đã bán gần 50 hộp thuốc ACN.

An cung ngưu hoàng hoàn công dụng với bệnh nào?

“Tôi băn khoăn mãi, không hiểu sao người dân vẫn sử dụng viên thuốc này. Thậm chí, vài người thân trong gia đình tôi, những giáo sư, tiến sĩ, chính trị gia đáng kính vẫn luôn để trong nhà vài hộp... “phòng khi có biến”, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, chia sẻ.

Như vậy, thực chất ACN có công dụng chữa bệnh hay không và chữa những bệnh gì? Theo tiến sĩ - dược sĩ Nguyễn Thành Triết, bộ môn dược học cổ truyền Khoa Y học cổ truyền Trường đại học Y Dược TP.HCM, ACN là phương thuốc đã được sử dụng từ rất lâu trong y học cổ truyền Trung Quốc. Bài thuốc ACN chứa tất cả 11 thảo dược và khoáng vật, gồm: ngưu hoàng, chu sa, hùng hoàng, băng phiến, sừng tê giác, hoàng cầm, hoàng liên, chi tử, uất kim, xạ hương, trân châu. Tất cả được tán bột, luyện mật để tạo viên hoàn. Tác dụng chung của bài thuốc theo Đông y là thanh nhiệt giải độc, tả hỏa, hoạt huyết, bình can, hóa đờm khai khiếu dùng để trị bệnh chứng do nhiệt độc xâm nhập vào tâm và huyết phận gây ra sốt cao phiền táo, co giật, động kinh, hôn mê, bế khiếu... Theo các nghiên cứu lâm sàng của nhiều nhóm tác giả ở Trung Quốc đăng tải trên các tạp chí, ACN có một số lợi ích cho bệnh nhân đột quỵ như: phục hồi nhận thức, giảm sốt cao co giật, cải thiện tuần hoàn máu não, chống đông máu, hôn mê do nhiễm trùng… Tuy nhiên, các kết quả vẫn chưa rõ ràng, thuyết phục, và cần có sự chỉ định của bác sĩ, người bệnh không được tự ý sử dụng.

Dựa trên 11 dược liệu là thành phần của ACN, dược sĩ Nguyễn Thành Triết phân tích: “Hoàng cầm, hoàng liên, chi tử theo y học cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt giải độc; theo y học hiện đại có tác dụng kháng khuẩn, làm bền thành mạch, hạ huyết áp, chống ô-xy hóa, góp phần hạn chế tác động gây xuất huyết, điều trị viêm nhiễm. Uất kim có tác dụng khử ứ, hoạt huyết, làm giảm cholesterol. Vì vậy, về phương diện nào đó, các vị thuốc này góp phần giảm nguy cơ huyết khối, một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến đột quỵ, thiếu máu não”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y học cổ truyền và y học hiện đại: không dùng bài thuốc này để phòng ngừa đột quỵ, tai biến, vì vừa không có tác dụng, vừa có thể tích tụ độc tố trong người. Dược sĩ Nguyễn Thành Triết phân tích: trong ACN có hai vị thuốc chu sa và hùng hoàng đều là muối của các kim loại rất độc (muối của asen và thủy ngân), có thể gây độc cho gan, thận. Còn vị thuốc hoàng cầm, hoàng liên, chi tử sử dụng lâu ngày có thể gây chán ăn, tiêu chảy, đặc biệt đối với người có tỳ vị hư hàn. 

Bên cạnh đó, vị uất kim có tác dụng phá huyết, chống đông máu có thể ảnh hưởng không tốt đến phụ nữ mang thai. “Chưa kể, do ACN khá đắt, vì vậy các loại thuốc giả với nhiều thành phần khác nhau không thể kiểm soát cũng có thể gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà ta không lường trước được. Do đó, tuyệt đối không nên sử dụng bài thuốc này trong dự phòng đột quỵ”, dược sĩ Nguyễn Thành Triết cảnh báo.

Còn về ACN điều trị đột quỵ, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, nguyên Trưởng khoa Y học cổ truyền BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng: đến nay cũng không có công trình nghiên cứu nào chứng minh ACN có tác dụng trong điều trị đột quỵ. Có những nghiên cứu ở Trung Quốc, nhưng kết quả còn gây tranh cãi. Có chăng, thuốc này chứa những vị thuốc có tác dụng chống đông máu nên cho rằng có thể dùng chữa đột quỵ. Nhưng ngược lại, thuốc có những vị có độc tố. Do vậy, việc dùng thuốc này vẫn không được khuyến khích, phải có sự chỉ định của bác sĩ. Hơn nữa, nếu ACN có kết quả trong điều trị đột quỵ, làm tan cục máu đông, thì bệnh nhân bị xuất huyết não uống vào sẽ rất nguy hiểm, làm tình trạng xuất huyết nặng hơn.

“Dùng ACN một, hai lần không sao, nhưng dùng lâu dài chẳng khác nào đầu độc cơ thể dần dần”, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cảnh báo.

 Thùy Dương

Theo phunuonline

largeer