Bà Cao Thị Ngọc Dung: Anh Bình làm sai, anh Bình phải chịu trách nhiệm!

Thứ hai, 23/04/2018, 10:43 AM

“Anh Bình làm sai, anh Bình phải chịu trách nhiệm”, đó là khẳng định của bà Cao Thị Ngọc Dung - vợ ông Trần Phương Bình - trước cổ đông PNJ khi nói về mối quan hệ gia đình bà, PNJ và Ngân hàng TMCP Đông Á.

PNJ không phải là “sân sau” của DongA Bank

Gia đình ông Trần Phương Bình - bà Cao Thị Ngọc Dung có mối quan hệ khắng khít với Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) về quyền lợi kinh tế và điều hành.

Gia đình ông Bình - bà Dung sở hữu 16,24% vốn điều lệ của PNJ và 9,62% vốn điều lệ của DongA Bank, PNJ lại sở hữu 7,7% vốn của DongA Bank. Ông Bình giữ chức thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DongA Bank còn bà Dung giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ.

Ngày 14/8/2015, DongA Bank bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Ngày 20/8/2015, ông Bình bị đình chỉ mọi hoạt động tại ngân hàng này. Ngày 12/12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Bình về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và Điều 179 Bộ luật Hình sự.

Đến nay, Cơ quan điều tra xác định các hành vi vi phạm của ông Bình đã gây thiệt hại cho DongA Bank với số tiền 3.405 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến 31.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.

Bà Dung khẳng định: Ông Bình không có công ty riêng còn PNJ không phải là công ty sân sau của DongA Bank. Nếu PNJ có liên quan thì PNJ không thể đứng vững và phát triển cho đến ngày hôm nay. Anh Bình sai, anh Bình chịu trách nhiệm.

Sau 29 năm hình thành phát triển, PNJ chỉ duy nhất bà Dung ở ghế Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nhưng từ ngày 21/4, công ty đã bổ nhiệm ông Lê Trí Thông giữ chức Tổng Giám đốc.

Sau 29 năm hình thành phát triển, PNJ chỉ duy nhất bà Dung ở ghế Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nhưng từ ngày 21/4, công ty đã bổ nhiệm ông Lê Trí Thông giữ chức Tổng Giám đốc.

Vượt qua nỗi sợ hãi

Trước cổ đông, bà Dung cho biết: Khi DongA Bank bị thanh tra thì thanh tra vào soi PNJ và quan hệ gia đình đến tận cùng ngõ ngách. Những tháng ngày đó, PNJ sống trong khắc khoải. Ngày đầu tiên Đông Á bị kiểm soát đặc biệt, gia đình bị đóng băng hết cả mọi hoạt động, tất cả các ngân hàng đều ngưng cho PNJ vay vì các khoản vay của PNJ đều là tín chấp.

Trong tháng 8 - 9 năm 2015, PNJ sống khắc khoải bằng tiền vay mượn từ cán bộ công nhân viên. Bà Dung kể: “cán bộ nhân viên gửi 10 triệu đồng, chúng tôi cũng lôi về để cho công ty mượn để vượt qua giai đoạn đó”. Tính đến ngày 31/12/2017, PNJ còn vay 206 tỷ đồng từ các cá nhân theo hình thức tín chấp, lãi suất tối đa 7,6%/năm.

Đối với các chủ nợ là ngân hàng, bà Dung bảo họ xuống kho kiểm tra chứ không thể nghi ngờ không có chứng cứ. Một số ngân hàng hiểu được điều này và cho PNJ vay lại trong 2 tuần sau đó.

Tại thời điểm đó, cổ phiếu PNJ xuống chỉ còn 28.000 đồng/cổ phiếu vì khi DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt, khoản đầu tư trị giá 395 tỷ đồng của PNJ vào ngân hàng này coi như mất sạch. Bà Dung phải trấn an nhà đầu tư đừng bán tháo vì rất nhiều thế lực muốn thâu tóm vì chỉ cần bỏ ra hơn một ngàn tỷ là có thể sở hữu 51% vốn điều lệ của PNJ. Bà Dung còn khuyên cán bộ nhân viên, bạn bè, người thân hãy mua cổ phiếu PNJ. Đến nay, cổ phiếu PNJ tăng hơn 5 lần giúp cổ đông hái quả ngọt.

Công ty tăng trưởng gấp 3 lần

“Sau khi mọi người hiểu PNJ không dính dáng lợi ích gì tại DongA Bank, nhân viên góp vốn, ngân hàng cho vay trở lại, đến nay công ty đã phát triển gấp 2-3 lần. Số cửa hàng của PNJ đạt trên 283 cửa hàng và con số này sẽ vượt 300 vào cuối năm nay”, bà Dung chia sẻ.

Như vậy, chỉ trong hơn 2 năm sau “biến cố” DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt, số cửa hàng của PNJ đã tăng hơn 50%. Công ty thoái vốn khỏi các mảng bất động sản, đầu tư tài chính và chỉ còn giữ lại hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Năm 2017, PNJ đạt 10.977 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 725 tỷ đồng. Lợi nhuận đã tăng 3 lần so với năm 2014. Với kết quả đạt được, PNJ chi trả cổ tức 20%. Ngoài ra, công ty phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 2:1 với tổng khối lượng phát hành hơn 54 triệu cổ phiếu. Sau đợt tăng vốn này, vốn điều lệ công ty tăng lên 1.621 tỷ đồng.

Năm 2018 được PNJ xác định là năm đầu tiên của giai đoạn chiến lược 5 năm 2018-2022, công ty chuẩn bị các ngành hàng mới, dòng hàng mới, tinh chỉnh cho từng phân khúc hàng hóa và khách hàng.

Một trong các ngành hàng mới được ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ nhắc tới là mở 100 điểm bán lẻ đồng hồ trong hệ thống cửa hàng PNJ và từ 4-6 cửa hàng flagship đồng hồ (cửa hàng to nhất và ấn tượng nhất so với các cửa hàng còn lại) tại các trung tâm lớn trên cả nước. PNJ phát triển start-up Công ty Người Bạn Vàng hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ mặt hàng trang sức trong vai trò đối tác “bà đỡ”.

Ngoài việc bán hàng truyền thống tại cửa hàng như hiện nay, PNJ sẽ tập trung bán hàng online để khai thác lợi thế hệ thống hiện hữu. Công ty định hướng xây dựng kênh omni channel – là hệ thống O2O kết nối kênh bán lẻ và bán hàng online, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp xúc các sản phẩm thông qua mạng xã hội nhằm tăng tính tương tác, trung thành và mối quan hệ tiếp xúc với người tiêu dùng trong môi trường online và offline.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 đã thông qua doanh thu tăng trưởng 25%, lợi nhuận sau thuế tăng 22% so với năm 2017 với con số cụ thể là doanh thu đạt 13.727 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 882 tỷ đồng.

Nguyễn Như

Theo NTD

largeer