Bản quyền phim truyền hình: văn hóa xem phim "nhỏ nhen" của người Việt

Thứ năm, 21/06/2018, 18:54 PM

Khi cả Thế giới đang đấu tranh để loại bỏ những kẻ ăn cắp chất xám, trục lợi từ sản phẩm trí tuệ của người khác thì đáng tiếc thay phần lớn cộng đồng xem phim tại Việt Nam lại cổ vũ cho việc vi phạm bản quyền chỉ vì những lợi ích vụn vặt mà các web phim lậu mang đến cho người xem.

Sai phạm đã trở thành điều hiển nhiên

Tại Việt Nam, song song cùng sự phát triển của mạng viễn thông và các thiết bị điện tử, việc xem phim tại các trang web đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, có đến hơn 70% các trang web xem phim là những trang web chưa được cấp phép, vi phạm luật bản quyền nghiêm trọng. Điển hình những cái tên quen thuộc như Bilutv.com, Phimbathu.com, Phimmoi.net, Banhtv.com, Phim14.net…

Chủ các website “lậu” trên đều tự ý thu lại và đăng tải nội dung các tác phẩm điện ảnh lên website. Tuy nhiên, theo đúng quy định pháp luật, khi đăng tải nội dung phim của chủ thể khác trên Internet để người khác xem tức là đang thực hiện hành vi phân phối, truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Hành vi này nếu không có được sự cho phép của chủ sở hữu và không thực hiện nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu thì đó chính là hành vi xâm phạm đến quyền tác giả theo quy định tại khoản 3 và khoản 8 điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Đây còn là hành vi bị cấm theo khoản 3 điều Luật Công nghệ thông tin. Ngoài ra, việc chủ sở hữu các Website này có thể thu tiền trực tiếp từ người dùng hoặc thu tiền từ hoạt động quảng cáo mà không hề xin phép hay trả tiền cho chủ sở hữu còn là hành vi ăn cắp chất xám và xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả.

Phimmoi.net là trang phim lậu có số lượt truy cập lớn nhất Việt Nam, cao hơn hẳn những trang phim hợp pháp khác. Thậm chí các nhãn hàng còn quảng cáo trên trang phim lậu này.

Phimmoi.net là trang phim lậu có số lượt truy cập lớn nhất Việt Nam, cao hơn hẳn những trang phim hợp pháp khác. Thậm chí các nhãn hàng còn quảng cáo trên trang phim lậu này.

Tại Hội thảo về bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet được tổ chức vào tháng 8/2017, Ông Micheal Kwan, Giám đốc Công nghệ Khu vực của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) cho biết, ở Việt Nam, số tiền thiệt hại mà tội phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ gây ra mỗi năm là 461 tỷ USD. Trong đó, xem phim vi phạm bản quyền truyền hình chiếm 76,5% toàn bộ các loại hình vi phạm phim và chương trình truyền hình. Con số so sánh lượt truy cập vào web phim bản quyền chính thống và các trang lậu cũng có sự chênh lệnh rất lớn. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượt truy cập vào 5 trang vi phạm bản quyền như phimmoi.net, bilutv.com, phimbathu.com… là 292 triệu lượt, cao hơn lượt truy cập vào 5 trang chính thống 29 lần. Trong khi con số chênh lệch giữa phim lậu và bản quyền ở các quốc gia khác như Thái Lan chỉ khoảng 14,3 lần, Malaysia là 3,85 lần.

Những con số trên cho thấy việc xem phim lậu tại Việt Nam đã trở thành một điều quen thuộc, thậm chí người xem còn không biết mình đang phạm pháp khi xem và lan truyền những sản phẩm “bị đánh cắp”. 

Những hệ lụy tiêu cực cho một nền giải trí chưa kịp phát triển

Lỗi ngụy biện là lỗi điển hình trong trường hợp xem phim tại các trang phim lậu. Người xem thường lấy số đông để biện minh cho hành vi của mình dù biết rằng hành vi mình thực hiện không hề đúng. Việc các trang phim lậu được chia sẻ công khai, không có chế tài xử phạt cũng như việc giáo dục về tầm quan trọng của bản quyền, tôn trọng chất xám bị xem nhẹ đã hình thành một lỗi sai được chấp nhận trong đám đông.

Chính vì lối tư duy sai lầm như vậy mà những phim điện ảnh được trình chiếu tại các rạp phim Việt Nam thường xuyên phải đối diện với nguy cơ bị quay lén tung lên mạng, gây ảnh hưởng tới doanh thu của phim, thiệt hại cho nhà sản xuất. Điển hình như việc bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” của Ngô Thanh Vân sản xuất và ra mắt vào tháng 12/2017, chỉ sau hai ngày công chiếu đã bị quay lén thậm chí quay chiếu trực tiếp trên mạng, “đả nữ” của làng phim Việt đã phải thốt lên đầy tức tối “Có lẽ đây sẽ là phim cuối cùng tôi sản xuất! Tôi quá thất vọng”. Thất vọng có lẽ không đủ để nói lên những uất ức, những phẫn nộ mà những người làm phim tâm huyết phải chịu đựng khi chất xám và sự cố gắng của mình bị chính khán giả xem nhẹ, thậm chí là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi. Nhà làm phim sinh ra tâm lý chán nản và thậm chí phải chịu lỗ khi đến 70% lợi nhuận từ tác phẩm của mình roi vào tay các trang phim lậu. 

Việc đài truyền hình HTV2 bắt đầu mua lại mua lại bản quyền độc quyền các bộ phim bom tấn của Hàn Quốc từ giữa năm 2017 đã dấy nên tranh cãi trong cộng đồng người xem phim. Những phản ứng gay gắt khi cho rằng việc độc quyền là xâm phạm quyền lợi người xem, người xem phải có quyền lựa chọn trang xem phim đã khiến cho bức tranh về ý thức của cộng đồng thêm ảm đạm. Một nhà đài chi tiền, thực hiện hợp đồng hợp pháp đem phim ngoại về cho người Việt được xem phim có bản quyền lại bị lên án gay gắt. Còn những trang phim lậu lại được bảo vệ và ngang nhiên hoạt động sai phạm.

Việc nhà đài HTV2 mua lại bản quyền phát sóng hai bộ phim đình đám

Việc nhà đài HTV2 mua lại bản quyền phát sóng hai bộ phim đình đám "Mây họa ánh trăng" và "Người tình ánh trăng" vào tháng 8/2017 đã vấp phải sự phản đối, tranh cãi gay gắt từ cộng đồng mạng.

Thói quen xấu được duy trì mà không được phản tỉnh là một điều cực kì nguy hiểm cho ý thức của con người. Dẫn đến sự thụt lùi trong tư duy của con người, khi cả thế giới ngày càng khắt khe hơn với bản quyền tác giả thì dường như khái niệm xem phim có bản quyền lại còn đang rất xa lạ với người Việt. Những đất nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ chưa thể biết đến cái tên Việt Nam, nơi có số lượng người xem, người hâm mộ đông đảo nhưng trong danh sách nước có hợp đồng bản quyền phim lại không hề có tên. Những buổi họp mặt giữa những ngôi sao và người hâm mộ cũng ít ỏi và hiếm hoi bởi nguyên nhân đáng buồn rằng chúng ta không hề tôn trọng tác quyền và chất xám của họ.

Văn hóa “trả tiền cho chất xám” tuy đã bắt đầu được chú tâm xây dựng từ khi những bộ phim trên sóng truyền hình quốc gia đều có hợp đồng về bản quyền với nhà sản xuất, các nhà đài bắt đầu mua bản quyền những phim bom tấn của nước ngoài để phát sóng. Thế nhưng văn hóa này chỉ như một làn sóng nhỏ giữa cơn bão trang phim lậu ồ ạt tại Việt Nam, nơi mà người xem mặc dù yêu thích nhưng lại không muốn chi trả cho nhu cầu giải trí của bản thân. Liệu rằng giữa tâm bão, tránh nhiệm của cơ quan chức năng, của pháp luật ở đâu? Khi cả một cộng đồng đang phạm pháp tập thể mà không hề có sự ngăn chặn của pháp luật để thức tỉnh trước khi gây ra những hậu quả đáng tiếc trước bạn bè trên Thế giới, và để không lan truyền, hình thành lối mòn sai lầm về việc ăn cắp bản quyền trong một xã hội đang từng bước hòa nhập với sự phát triển văn minh của nhân loại.

Hoài Viễn

Theo NTD

largeer