Bất an với nạn rao bán tiền giả công khai

Thứ hai, 23/11/2020, 11:21 AM

Khi phát hiện việc quảng cáo, mua bán, trao đổi tiền giả, người dân lập tức báo tin hoặc cung cấp địa chỉ các trang Zalo, Facebook, web ấy cho cơ quan công an gần nhất

Bà Trần Thị Kiều An, cán bộ hưu trí ngụ ở Q.12, gọi vào Đường dây khẩn (0913 159 315) Báo Phụ Nữ TPHCM khẩn thiết đề nghị lên tiếng về vấn nạn rao bán tiền giả công khai trên mạng. Bà cho biết hiện các cháu bà ở tuổi thiếu niên rất tò mò vì sao có nhiều trang Facebook, Zalo giới thiệu về tiền giả công khai.

“Hiện các cháu tôi và bạn bè chúng chỉ tò mò, chuyền nhau xem thông tin thôi. Nhưng lỡ đâu, khi chúng cần tiền để mua sắm, chơi bời, những đứa trẻ dại dột không cầm lòng được, đi mua tiền giả để tiêu thì vô cùng nguy hại” - bà Kiều An lo lắng.

Anh Nguyễn Thành Tín, ngụ đường Ngô Gia Tự, Q.10, cũng băn khoăn về việc công khai rao bán tiền giả sẽ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội. Nhiều người nghèo khổ, khó khăn, bán hàng rong, chạy xe ôm, bán vé số, đi phụ hồ, làm công nhân… kiếm đồng tiền không phải dễ, lỡ đâu trong mua bán lại cầm phải tiền giả thì đau đớn biết chừng nào.

18

Theo những địa chỉ bà An và anh Tín cung cấp, chúng tôi đã thử nhấp vào các đường dẫn mua bán tiền giả nhanh, giống thật 98-99% và luôn được hotline của các trang mạng mời gọi giao dịch 1 đồng tiền thật đổi lấy 10 đồng tiền giả, thậm chí 12 đồng giả. Tiền giả có đủ loại mệnh giá, từ 50.000-500.000 đồng. Trước khi mua có nơi còn yêu cầu khách đặt cọc qua tài khoản bằng card điện thoại, mức cọc từ 30-40%, mua 1 triệu thì sẽ phải đặt cọc từ 300.000-400.000 đồng và cho địa chỉ nhận tiền giả. Sau hai ngày sẽ có người đem tiền giả đến chỗ hẹn và gọi khách ra nhận.

Nhưng cũng có nhiều trang giới thiệu mua bán tiền giả không cần cọc với đầy đủ số điện thoại liên lạc.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết thời gian qua, cơ quan công an các tỉnh, thành đã bắt nhiều đối tượng rao và mua bán tiền giả, xử lý các hành vi này nghiêm khắc theo quy định pháp luật. Đau lòng cho nhiều bạn trẻ, chỉ vì lòng tham vài tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng mà vướng vào vòng lao lý. Tuy nhiên, qua tin báo của người dân, cơ quan công an cũng phát hiện nhiều trang Facebook, Zalo hoàn toàn không có tiền giả mà chỉ mang tiền giả ra để lừa con mồi, đánh vào lòng tham để dụ dỗ, chiếm đoạt tiền cọc. Nhiều nạn nhân đã mất tiền triệu…

“Người dân đừng cả tin, dại dột mà gọi điện hay nhắn tin mua bán tiền giả với bất kỳ số điện thoại, Facebook hay trang web nào. Vì bạn chỉ cần kết nối thông tin, tìm hiểu về tiền giả, chưa mua, thì số điện thoại của bạn, trang Facebook của bạn đã được cơ quan an ninh nắm bắt, theo dõi. Bởi hành vi mua bán tiền giả, quảng cáo về tiền giả, đều là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm” - luật sư Hậu cảnh báo.  

Theo luật sư Hậu, qua các vụ án về mua - bán - trao đổi - sử dụng, lưu hành tiền giả gần đây cho thấy hầu hết đều liên quan đến các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Cho nên hầu như những vụ án về lưu hành trái phép tiền giả chỉ có người mua, người tàng trữ, sử dụng tiền giả bị bắt và truy cứu trách nhiệm hình sự, còn người bán thường ẩn danh, các trang web giả, không “chính chủ”… rất khó truy tận gốc. “Chính vì thế, theo khuyến cáo của ngành công an, khi phát hiện việc quảng cáo, mua bán, trao đổi tiền giả, người dân lập tức báo tin hoặc cung cấp địa chỉ các trang Zalo, Facebook, web ấy cho cơ quan công an gần nhất”, luật sư Hậu nói thêm. 

Theo phunuonline

 

Hạnh Chi

largeer