Bí ẩn nào sau những tờ giấy khám sức khỏe bán tràn lan trên mạng?

Thứ sáu, 24/05/2019, 14:03 PM

Sợ mất thời gian chờ đợi khi qua bệnh viện, phòng khám, nhiều người sống và làm việc tại khu vực TP.HCM đã chọn phương án tìm mua giấy khám sức khỏe trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, các con dấu và chữ ký trên giấy khám sức khỏe được lãnh đạo bệnh viện xác nhận đều là giả mạo.

 

Một số đối tượng làm giả con dấu, giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TPHCM).

Một số đối tượng làm giả con dấu, giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TPHCM).

Sắc nét như thật

Trước đó, Báo Lao Động đã đưa thông tin bài viết “Mua bán giấy khám sức khỏe siêu tốc qua mạng”, phản ánh việc các đối tượng công khai rao bán theo kiểu từ A-Z, bao kiểm tra, tràn ngập trên các mạng xã hội.

Trong vai người cần mua giấy khám sức khỏe đi làm, chúng tôi nhấc máy liên lạc với một đầu mối, ngay lập tức một phụ nữ nghe máy và nhẹ nhàng nói:

"Nếu em mua giấy khám sức khỏe đi làm ở các công ty thì chị lấy 80 ngàn/tờ, còn mua giấy khám để thi bằng lái xe ôtô thì 150 ngàn/tờ, giấy khám có đủ dấu của bệnh viện trên địa bàn thành phố". 

Thông tin rao bán giấy khám sức khỏe được rao bán trên các trang mạng xã hội.

Thông tin rao bán giấy khám sức khỏe được rao bán trên các trang mạng xã hội.

Nhằm cận cảnh thực tế, PV đã theo chân một người đàn ông có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe để học lái xe.

Sau khi hai bên đồng ý mua bán giấy khám sức khỏe với giá 180 ngàn/tờ (bao gồm phí vận chuyển) thì khoảng 3 tiếng sau, người mua nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0903.868.XXX thông báo đã mang "hàng" đến nơi. 

Hình ảnh người đàn ông chuyên giao giấy khám sức khỏe. Ảnh PV.

Hình ảnh người đàn ông chuyên giao giấy khám sức khỏe. Ảnh PV.

Tại đây, người đàn ông trung niên khoảng 40 tuổi móc từ trong chiếc cặp ra một túi nilông bên trong có sẵn giấy khám sức khỏe.

Cầm tờ giấy khám sức khỏe trên tay, chúng tôi vô cùng bất ngờ bởi không thể phân biệt được là thật hay giả. Bên cạnh đó, chữ ký, dấu chức danh và dấu tròn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương được đóng trên tờ giấy khám sức khỏe mua trên mạng. 

Nhìn tờ giấy khám sức khỏe này, khó có thể phân biệt được thật hay giả.

Nhìn tờ giấy khám sức khỏe này, khó có thể phân biệt được thật hay giả.

Để làm rõ hơn vấn đề này, sáng 15.5, PV Báo Lao Động đã tìm đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM) để tìm gặp những người có thẩm quyền.

Tại đây, bà Vũ Thị Yến Vinh – cán bộ Phòng Kế hoạch - Tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khẳng định tờ giấy khám sức khỏe PV cung cấp dù rất tinh vi, sắc nét nhưng là đồ giả mạo. Theo bà Vinh, do đặc thù công việc thường phải tiếp xúc với chữ ký của các bác sĩ nên chỉ cần nhìn thoáng qua, bà có thể phân biệt được đâu là thật giả.

Rồi bà Vinh cho biết, chữ ký của bác sĩ Lê Văn Tuyến trên tờ giấy khám là ký giả. Hiện tại, bác sĩ Tuyến đã về hưu không còn là Trưởng khoa nên không có quyền ký nhận trên giấy khám sức khỏe.

“Trước đây, các đối tượng bên ngoài thường xuyên làm giả dấu mộc, chữ ký của các bác sĩ bệnh viện. Ngoài ra, giấy chứng sanh, giấy khai sanh, giấy chứng tử cũng được làm giả nhưng đều bị bệnh viện phát hiện” – bà Vũ Thị Yến Vinh cho biết thêm.

Toàn là đồ giả

Còn bác sĩ Đỗ Tuấn Linh – Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp thì thậm chí còn thốt lên ngạc nhiên vì sự tinh vi của tờ giấy khám sức khỏe PV mang tới. Tuy nhiên, ông cũng nhanh chóng khẳng định đây là đồ giả bởi một số bác sĩ ký tên trên tờ giấy hoặc đã về hưu hoặc không có thực. 

Bác sĩ Đỗ Tuấn Linh (giữa) tỏ ra rất bất ngờ trước sự tinh vi của tờ giấy khám sức khỏe giả mạo.

Bác sĩ Đỗ Tuấn Linh (giữa) tỏ ra rất bất ngờ trước sự tinh vi của tờ giấy khám sức khỏe giả mạo.

Cụ thể hơn, vị này dẫn chúng tôi lên phòng văn thư, sau đó đóng một dấu tròn của bệnh viện vào tờ giấy trắng bên cạnh. So sánh giữa hai con dấu, bác sĩ Linh cho hay: “Dấu tròn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhỏ gọn, màu mực sắc nét hơn con dấu bị làm giả”.

Sau khi xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ Linh nói, việc làm giả giấy khám sức khỏe, bệnh viện đã hai lần nhận được phản ánh của báo chí, do đó rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.

Một vị bác sĩ bệnh viện chỉ bút xác nhận đây là dấu thật.

Một vị bác sĩ bệnh viện chỉ bút xác nhận đây là dấu thật.

Bên cạnh đó, trao đổi với PV Báo Lao Động về việc mua bán giấy khám sức khỏe trên mạng, lãnh đạo một bệnh viện trên địa bàn quận 4 (TP.HCM) cho biết, tình trạng này đã có từ nhiều năm, những tờ giấy khám đó đều là giả. Bệnh viện thường xuyên khuyến cáo người dùng vào trong khám, thủ tục nhanh chóng khoảng một tiếng là xong, giấy tờ lại hợp lệ, an toàn. 

Vị này cho biết thêm, lợi ích của việc đến bệnh viện khám là rất lớn, bởi qua các khâu kiểm tra, người khám sẽ biết được sức khỏe của mình ra sao, sớm có biện pháp chữa trị. Chỉ có những người không đảm bảo sức khỏe, dị tật, lười biếng nên mới tìm mua giấy khám sức khỏe bên ngoài.

Trao đổi với PV, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) khẳng định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Long Nguyễn - Trần Khanh

Theo laodong.vn

largeer