Bị phát hiện chứa chất cấm, Golean Detox vẫn 'đại náo' thị trường

Thứ năm, 21/02/2019, 09:16 AM

Theo đại diện một số doanh nghiệp, việc chỉ xử phạt hành vi sản xuất sản phẩm chứa chất cấm mà không xử phạt hành vi bán sản phẩm chứa chất cấm cũng khiến các sản phẩm này có điều kiện “phát tán” ra thị trường.

Sau khi bị Singapore thu giữ (tháng 7/2018), Đài Loan cấm nhập khẩu (tháng 11/2018), mới đây, trà thảo mộc giảm cân Golean Detox của Công ty Matxi S.G (trụ sở tại 129 Võ Thị Sáu, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tiếp tục bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo chứa hai chất cấm gây hại sức khỏe là sibutramine và phenolphthalein. Tuy nhiên, sau mỗi sự kiện đó, công ty này lại bày ra nhiều chiêu trò thanh minh, lôi kéo mở rộng đại lý. 

Chiêu trò mua bảo hiểm 1 triệu USD

Sau khi sản phẩm Golean Detox bị Singapore, Đài Loan thu giữ, cấm nhập vì chứa chất cấm, Công ty Matxi S.G cho rằng mình bị đối thủ cạnh tranh chơi xấu. Bên cạnh đó, công ty này còn yêu cầu hơn 5.000 nhà phân phối của mình cùng lên tiếng thanh minh trên mạng xã hội. Rất nhanh sau đó, thông tin chứa sản phẩm có chất cấm dường như tiêu tan, chị em vẫn ùn ùn mua sản phẩm này về dùng. 

25

Mới đây, khi FDA lên tiếng cảnh báo về chất cấm trong sản phẩm Golean Detox, trên các trang mạng xã hội của các nhà phân phối lại tràn ngập hình ảnh, video về việc Công ty Matxi S.G ký kết bảo hiểm trách nhiệm trị giá 1 triệu USD cho sản phẩm Golean Detox, trong đó, đơn vị ký kết là Công ty Bảo hiểm Bảo Minh. Lần này, Công ty Matxi S.G thanh minh rằng, Bảo Minh chỉ ký kết bảo hiểm giá trị cao với sản phẩm đạt chất lượng; sản phẩm Golean Detox bị làm giả, làm nhái rất nhiều và sản phẩm bị phát hiện chứa chất cấm là sản phẩm bị làm giả. Thậm chí, khi mẫu sản phẩm của đại lý nào bị cơ quan chức năng phát hiện chứa chất cấm, công ty này sẵn sàng đổ hết mọi vi phạm và thông báo rằng, đại lý đó bán hàng giả. 

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, đây chỉ là chiêu lòe thiên hạ, bởi điều kiện để mua loại bảo hiểm này dễ như… mua rau. Một nhân viên của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, người mua chỉ cần đem hợp đồng mua bán đến, đóng phí 5 triệu đồng là có tờ giấy bảo hiểm trị giá 1 triệu USD trong thời hạn một năm, hoàn toàn không cần giấy tờ thẩm định mẫu sản phẩm. Nghĩa là, bất kỳ sản phẩm nào - dù tốt hay kém chất lượng - cũng sẽ được ký bảo hiểm. 

Hơn 5.000 nhà phân phối, doanh thu 800 tỷ đồng/năm

Hiện mạng lưới nhà phân phối sản phẩm Golean Detox ngày càng mở rộng, quảng cáo ngày càng rầm rộ trên mạng xã hội. Được biết, sau 18 tháng hoạt động, Công ty Matxi S.G đã chiêu dụ được hơn 5.000 nhà phân phối trên khắp cả nước. Sự phát triển quá nhanh này khiến người tiêu dùng tin vào quảng cáo “chỉ có công ty làm ăn uy tín mới ngày càng phát triển”, từ đó tiếp tục sử dụng sản phẩm. 

Chính lợi nhuận kinh doanh sản phẩm Golean Detox quá lớn nên ngày càng có nhiều nhà phân phối tiếp tay bán sản phẩm chứa chất cấm này. Hiện sản phẩm Golean Detox được bán trên thị trường với giá 650.000 đồng/hộp; nếu nhà phân phối nhập 50 sản phẩm, sẽ có giá 420.000 đồng/sản phẩm, tức sẽ thu lời 230.000 đồng/sản phẩm. Còn nếu nhập số lượng lớn, giá chỉ còn 110.000 đồng/sản phẩm, bán ra sẽ lời 540.000 đồng/sản phẩm. Không ít nhà phân phối phải bán nhà, mượn tiền để nhập số lượng lớn hòng làm giàu nhanh.

Công ty Matxi S.G còn dùng xe sang, tiền thưởng để mở rộng mạng lưới nhà phân phối. Trong sự kiện Stars Of The Night do công ty này tổ chức hồi cuối tháng 1/2019, có 11 nhà phân phối được tặng xe Mazda, hàng trăm nhà phân phối khác được thưởng tiền, tổng giá trị lên đến 69 tỷ đồng. Phải có lợi nhuận “khủng”, công ty này mới chi thưởng mạnh tay như vậy. Theo công bố của công ty này tại các sự kiện để chiêu dụ nhà phân phối, doanh thu của công ty đạt 800 tỷ đồng/năm. 

Theo giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm chức năng, nếu sản phẩm được bào chế từ các chất cấm sibutramine và phenolphthalein, thêm một số loại cây cỏ, cộng với mạng lưới bán hàng rộng lớn thì doanh thu 800 tỷ đồng/năm là thật. 

Nên xử phạt hành vi bán sản phẩm chứa chất cấm

Hiện mức xử phạt hành vi sản xuất sản phẩm chứa chất cấm ở Việt Nam còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được. Cụ thể vào tháng 12/2018, khi kiểm nghiệm sản phẩm Golean Detox có chứa sibutramine, Cục An toàn thực phẩm chỉ ra quyết định thu hồi hai lô sản phẩm, trong khi trên thị trường có hàng chục ngàn lô. Mức xử phạt chỉ dừng lại ở việc thu hồi, không kèm xử phạt hành chính. Đến tháng 1/2019, qua kiểm tra, cơ quan chức năng kết luận, Công ty Matxi S.G có 5 hành vi vi phạm, gồm: không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất, không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong buôn bán trên thị trường, vi phạm về nội dung trên nhãn, sản xuất sản phẩm có chứa sibutramine, lưu thông sản phẩm có chứa sibutramine. Thế nhưng, số tiền phạt cũng chỉ 160 triệu đồng. 

26

Thậm chí, dù có đình chỉ lưu hành toàn quốc sản phẩm chứa hoạt chất sibutramine như trong công văn 5149 của Cục Quản lý dược, cũng khó thực hiện, bởi doanh nghiệp làm ăn bất chính sẽ đem sản phẩm đạt chất lượng đi kiểm nghiệm nhưng sau đó tiếp tục sản xuất sản phẩm kém chất lượng. Nếu cơ quan chức năng có làm căng, doanh nghiệp sẽ đóng cửa công ty này và mở công ty khác và thay đổi thương hiệu. 

Theo đại diện một số doanh nghiệp, việc chỉ xử phạt hành vi sản xuất sản phẩm chứa chất cấm mà không xử phạt hành vi bán sản phẩm chứa chất cấm cũng khiến các sản phẩm này có điều kiện “phát tán” ra thị trường. “Nên có thêm quy định xử phạt hành vi bán sản phẩm là thực phẩm chức năng chứa chất cấm để giảm số người bán. Việc bán sản phẩm loại này cũng là một hành vi tiếp tay giết người. Nhiều nhà phân phối biết sản phẩm mình bán chứa chất cấm nhưng vẫn hám lợi, nhập sản phẩm về bán, thậm chí còn quảng cáo sản phẩm dùng được cho phụ nữ đang cho con bú” - đại diện một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, đề nghị. 

Sibutramine là một hợp chất được sử dụng để giảm sự thèm ăn, thường được dùng trong điều trị bệnh béo phì. Sản phẩm chứa chất này gây nhiều tác hại như làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim cho người bình thường và nguy hiểm cho những người có tiền sử về bệnh động mạch vành, đau tim, loạn nhịp tim hoặc đột quỵ. Sản phẩm này cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác, có thể dẫn đến nguy hiểm chết người, bị Bộ Y tế cấm sử dụng vào năm 2011. Phenolphthalein đã từng được dùng trong điều trị táo bón nhưng do các nghiên cứu chỉ ra rằng, nó có khả năng là chất gây ung thư nên đã bị hạn chế sử dụng. Từ năm 1999, FDA cấm lưu hành các loại thuốc điều trị táo bón có chứa chất này.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức (Trường đại học Y Dược TP.HCM) phân tích: “Chất sibutramine khiến người uống chán ăn, ăn số lượng ít, từ đó giảm cân rất nhanh mà không cần vận động; còn chất phenolphthalein giúp người uống đi tiêu dễ dàng nên ngộ nhận là sản phẩm giúp thanh lọc cơ thể (detox). Tâm lý người tiêu dùng là lười vận động nhưng thích giảm cân nhanh, nghĩ rằng sản phẩm nào giảm cân nhanh là hiệu quả nên đổ xô sử dụng, dẫn đến sản phẩm bán chạy so với các sản phẩm giảm cân khác. Người tiêu dùng nên biết rằng, sản phẩm nào giúp giảm cân càng nhanh thì càng chứa nhiều chất gây hại. Các chất độc hại sẽ tích lũy từ từ, bào mòn các cơ quan mỗi ngày một ít, chẳng hạn như bào mòn ruột, gây tổn thương gan, thận, thần kinh, tim mạch; đến khi bệnh bộc phát, nhiều người cứ nghĩ bệnh do nguyên nhân khác mà không biết rằng, đó chính là hệ quả từ các sản phẩm giảm cân mà mình đã dùng trước đó”.

Thanh Hoa

Theo phunuonline.com.vn

largeer