Biển trong tâm thức và đời sống cộng đồng cư dân ven biển

Thứ ba, 07/01/2020, 14:23 PM

Hơn 2.260km bờ biển cùng trên 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm được tuyên bố chủ quyền cùng với hơn 20 triệu cư dân có cuộc sống gắn liền với biển, nước ta thực sự là một quốc gia giàu tiềm năng về biển.

Empty

Từ khai thác, chinh phục và sống chung với biển

Biển giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của bao nhiêu lớp thế hệ người Việt. Biển mang lại nguồn sống, ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử của dân tộc, đến đời sống, tín ngưỡng của người Việt vùng ven biển.

Dấu vết của biển thể hiện trong đời sống của tổ tiên người Việt từ thời tiền sử. Những di chỉ “đống vỏ sò” “cồn sò điệp” trong các di tích văn hóa khảo cổ như văn hóa Quỳnh Văn, văn hóa Bàu Chó, văn hóa Hạ Long... là dấu tích chứng tỏ biển cả là nguồn sống chủ yếu của người tiền sử cư trú trên vùng ven biển nước ta từ hàng ngàn năm trước. Những tàn tích, công cụ lao động được thu nhặt, chế tác từ sản phẩm của biển đã cho thấy từ hàng ngàn năm trước vai trò của kinh tế biển đã được định hình trong đời sống của người dân ven biển.

Cư dân vùng ven biển cũng đã biết dùng nước biển để làm muối từ hàng ngàn năm trước, nấu nước biển để lấy muối, những người làm nghề này được dân gian gọi là táo hộ, hay táo công. Các cách thức làm muối ấy đã được ghi chép trong văn tự và được lưu giữ trên thực tế và trong ký ức dân gian.

Những sản phẩm của biển còn được khai thác, chế biến thành những “đặc sản” phục vụ nhu cầu ẩm thực.

Vịnh Cam Ranh. (Ảnh: Giản Thanh Sơn).

Vịnh Cam Ranh. (Ảnh: Giản Thanh Sơn).

Xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Từ thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã cử những đội thương thuyền vượt biển đi giao lưu, buôn bán với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm La... Chúa Nguyễn Phúc Chu đã thành lập đội Hoàng Sa và bắc Hải (Trường Sa) để khai thác nguồn lợi hải sản, xác lập chủ quyền lãnh thổ.

Cư dân từ các làng quê ven biển đã vượt biển đến những hòn đảo giữa trùng dương vừa khai khẩn lập làng, vừa mưu sinh, tạo nên những phên giậu vững chắc để bảo vệ chủ quyền tổ quốc.

Sống chung với biển, với những chuyến ra khơi, vượt biển chính là tiền đề cho một ngành đóng thuyền phát triển. Thời các chúa Nguyễn (1558-1777), thời Tây Sơn (1771-1802) đã có những đội thuyền hùng hậu canh giữ biển đảo. Lực lượng thủy quân Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu có 200 chiến hạm, mỗi chiếc chở được từ 16-22 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ, 100 chiếc thuyền bè.

Biển đã đi vào đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt với những lễ hội cầu ngư, với tục thờ cúng cá Ông, với những vị thần có gốc gác từ biển khơi, hiện diện trong hệ thống thần linh của những cộng đồng cư dân ven biển. Biển cũng in đậm dấu vết trong kiến trúc nhà ở, trong việc chọn hướng nhà...

Tự hào về một truyền thống văn hóa biển, thành tựu về khai thác và chinh phục biển đã được tiền nhân khai mở và vun đắp, cư dân vùng ven biển nước ta cần tiếp tục được nuôi dưỡng và trao truyền cho các thế hệ sau. Ước vọng của hàng triệu cư dân ven biển về một Việt Nam giàu mạnh một phần từ nguồn tài nguyên khoáng sản vô tận của biển.

Thế Sơn - Văn Chung

Theo nguoitieudung.com.vn

largeer