Bộ Công thương tổ chức hội thảo về phòng vệ thương mại tại TP.HCM

Thứ năm, 26/07/2018, 20:50 PM

Ngày 26/7/2018, Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM phối hợp Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công thương tổ chức hội thảo “Xu thế điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay – kinh nghiệm xử lý dành cho các bên liên quan”.

Phòng vệ thương mại được hiểu là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu những mặt hàng này tăng nhanh, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

Bộ Công thương tổ chức hội thảo về phòng vệ thương mại tại TP.HCM

Bộ Công thương tổ chức hội thảo về phòng vệ thương mại tại TP.HCM

Hiện nay, hầu hết các quốc gia khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đều cam kết dỡ bỏ hoặc cắt giảm các chính sách bảo hộ trong nước. Tuy nhiên, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay trong các FTA, các quốc gia vẫn được phép sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước các hành vi thương mại không lành mạnh hoặc sự gia tăng đột biến hàng nhập khẩu gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.

Tại hội thảo, ngoài việc cung cấp các thông tin văn bản pháp luật, các chuyên gia tham dự hội thảo đã tập trung phân tích thực tiễn các vụ kiện về phòng vệ thương mại liên quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước trên thế giới như Hoa Kỳ, EU… như đưa ra những lưu ý, khuyến nghị dành cho các bên liên quan (các cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp…) trong việc ứng phó hiệu quả các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Trả lời phóng viên báo Người Tiêu Dùng, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ: “Hiện nay, theo luật quản lý ngoại thương, khi nước ngoài áp dụng biện pháp phóng vệ thương mại với Việt Nam, trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam có xuất khẩu hoặc có quan tâm đến sự việc này thì Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương là đơn vị luôn hỗ trợ các doanh nghiệp. Từ việc thông báo các diễn biến vụ việc đến việc liên lạc với các cơ quan điều tra ở nước ngoài, chúng tôi sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ, tư vấn về chiến lược phù hợp cho ngành sản xuất của Việt Nam. Những sự kết hợp này giúp chúng ta đạt được những mức thuế tương đối thấp so với các nước khác cùng bị kiện”.

Tại hội thảo, các chuyên gia tham dự hội thảo đã phân tích thực tiễn các vụ kiện về phòng vệ thương mại liên quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Tại hội thảo, các chuyên gia tham dự hội thảo đã phân tích thực tiễn các vụ kiện về phòng vệ thương mại liên quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Trong thời gian qua, quá trình tự do hoá thương mại toàn cầu diễn ra rất mạnh mẽ, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Hiện trạng này dẫn đến các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được các nước sử dụng nhiều như một công cụ hợp pháp để tăng thuế nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước.

Hội thảo “Xu thế điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay – kinh nghiệm xử lý dành cho các bên liên quan” chỉ là một trong các hoạt động được triển khai theo kế hoạch truyền thông về hội nhập quốc tế trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017/2020. Trong năm 2018, Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông và hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế.

Thế Anh

Theo NTD

largeer