Ca sĩ thần tượng: Hào quang và nỗi cô đơn

Thứ ba, 03/12/2019, 10:30 AM

Tang lễ của nữ ca sĩ Goo Hara diễn ra trong không khí tĩnh lặng. Nhiều người hâm mộ đã gửi lời chia buồn tới gia đình nữ thần tượng bạc mệnh. Sau khi Goo Hara bị phát hiện chết tại nhà, bạn trai cũ Choi Jong-bum tuyên bố vẫn kháng cáo vụ cô này kiện anh ta.

Theo cảnh sát, ca sĩ, diễn viên Goo Hara bị phát hiện đã chết tại nhà riêng ở Seoul hôm 24/11. Cô gái 28 tuổi này được biết đến nhiều nhất như thành viên của nhóm K-pop KARA, ban nhạc mà cô gia nhập hồi năm 2008, có nhiều thành tích đáng nể trên con đường âm nhạc, chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản năm 2010, là nhóm nhạc nữ đầu tiên của xứ sở Kim Chi được biểu diễn tại Tokyo Dome, đến 2016 thì nhóm tự giải thể.

Nổi tiếng và thành công sớm nhưng cuộc sống riêng của Goo Hara cũng gặp nhiều lận đận và đầy cô độc. (Ảnh: Internet).

Nổi tiếng và thành công sớm nhưng cuộc sống riêng của Goo Hara cũng gặp nhiều lận đận và đầy cô độc. (Ảnh: Internet).

Nổi tiếng trong cô đơn

Goo Hara lớn lên cùng bà nội, lúc sinh thời, cô tránh nhắc đến mẹ trong các bài phỏng vấn. Tại lễ tang, chỉ có anh trai cô túc trực. Lễ viếng diễn ra lặng lẽ từ chiều 25/11.

Goo Hara lớn lên trong hoàn cảnh bố mẹ ly hôn khi còn nhỏ, cô sống cùng bà nội Gwangju, trước khi đến thủ đô Seoul lập nghiệp. Trong show truyền hình On/Off, khách mời được gọi điện cho người thân, Goo Hara chỉ gọi cho bà khi cần thiết.

Trong cuộc sống thường ngày, Goo Hara sống một mình trong căn biệt thự lớn, hầu hết thời gian rảnh rỗi bầu bạn với con mèo cưng, thuê người giúp việc theo giờ. Gia cảnh của Goo Hara cũng giống như Sulli - người bạn thân cũng đã tự tử trước cô hơn 1 tháng. Cả hai chơi với nhau rất thân, đã có những khoảnh khắc đáng yêu, thân thiết, sống cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn.

Sau khi Goo Hara qua đời, cảnh sát Hàn Quốc cho hay họ đã tìm thấy một bản ghi chép, cho rằng đó là di thư của người bạc mệnh. Phía cơ quan điều tra cho hay một phần của bản di thư được viết khá mơ hồ, không rõ ràng.

Trước khi Goo Hara chết, bạn trai cũ của cô là Choi Jong-bum đã có vụ lùm xùm không đẹp với cô. Theo AFP, hồi cuối năm 2018, Choi Jong-bum lên tiếng tố cáo Goo Hara đơn phương tấn công, khiến anh chịu nhiều thương tích. Sau đó, nữ ca sĩ thông qua Dispatch cho biết cô bị bạn trai cũ uy hiếp bằng một video nhạy cảm dài 30 giây. Sau nhiều lần xét xử, tại phiên tòa diễn ra vào tháng 8 vừa qua, Choi Jong-bum bị kết án một năm sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì tội hủy hoại tài sản, tấn công, đe dọa tống tiền. Ngay sau đó, Choi Jong-bum kháng cáo.

Thời điểm đó, Goo Hara bức xúc trước hành động của bạn trai, cho rằng cần có hình phạt nặng hơn để trừng trị Choi Jong-bum.

Trước khi qua đời, Goo Hara gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hồi tháng 5, nữ ca sĩ từng tự tử và được cứu kịp thời. Cô chia sẻ: “Phải giả bộ vui vẻ trong khi bản thân mệt mỏi. Giả bộ như không có gì trong khi bản thân lại đau đớn. Sau khi sống với từng đó áp bức, bên trong tôi như đã vỡ vụn thành trăm mảnh”.

12

“Hiệu ứng cái chết”

Ngày 14/10, Sulli mất tại nhà riêng. Hơn 1 tháng sau, Goo Hara - người bạn thân thiết của Sulli, qua đời. Hai nữ ca sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ 2 Kpop cùng ra đi ở tuổi đôi mươi. Hình ảnh của họ xuất hiện khắp các mặt báo, trang mạng xã hội và nối tiếp sau đó là vô vàn chia sẻ thương tiếc, xót xa của fan.

Tự tử mang tính lây lan. Khả năng sao chép các vụ tự tử tăng cao sau khi khán giả hay tin ngôi sao nào đó đã chọn cách tự đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Tại Nhật, hiện tượng này được gọi là “Hội chứng Yukiko”. Vào năm 1986, sau khi ca sĩ nhạc pop nổi tiếng Yukiko Okada tự vẫn, những vụ tự tử bắt chước đã gia tăng mạnh mẽ trên khắp Nhật Bản.

Còn ở châu Âu, cuốn sách “Nỗi đau chàng Werther” phát hành năm 1974 đã làm bùng phát “đại dịch” tự sát học theo nhân vật chính trong truyện. Từ đó khái niệm “hiệu ứng Werther” được dùng để chỉ những cái chết bắt chước theo người nổi tiếng.

Khi thông tin về sự mất mát, đau khổ của người nổi tiếng cứ lặp đi lặp lại, nhiều người lo sợ nó sẽ tạo ra hội chứng lây lan suy nghĩ tiêu cực trong cộng đồng fan. Taeyeon thất thần, buồn bã tại sân bay sau khi Goo Hara qua đời. Tâm trạng tại sân bay của Taeyeon khiến nhiều fan lo lắng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tự tử và các vụ nhập viện cấp cứu vì có ý định quyên sinh gia tăng đáng kể sau những cái chết của người nổi tiếng. Cuối năm 2017, Kim Jong-hyun, 27 tuổi, thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc SHINee, tự tử vì trầm cảm. Trong một khoảng thời gian dài sau đó, truyền thông liên tục lật giở lại các mốc sự nghiệp của nam idol và cũng nói rất nhiều về trầm cảm, tự tử.

Vài ngày sau cái chết của Jong-hyun, trên mạng xã hội, cộng đồng Shawol (tên fanclub của SHINee) lan truyền thông tin 8 người hâm mộ đã cố tự sát. Một số được đưa đi cấp cứu và một số mất tích, không liên lạc được.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vấn đề tâm lý sẵn có như trầm cảm có thể tiếp tay cho việc tự sát. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học cho rằng “học tập xã hội” mới là tác nhân chính khiến một vụ tự sát của người nổi tiếng châm ngòi cho hiện tượng bắt chước.

Theo nhà tâm lý học Albert Bandura, hành vi của chúng ta thường bị tác động bởi khát khao muốn bắt chước theo cách hành xử của thần tượng. Những vụ tự tử của người nổi tiếng còn có thể dẫn đến cái mà các nhà nghiên cứu gọi là khả năng tiếp cận suy nghĩ về cái chết (death thought accessibility - DTA).

Sự gia tăng số ca tự tử tỷ lệ thuận với mức độ phủ sóng thông tin trên truyền thông, mạng xã hội. Những thông tin tiêu cực được nhắc đi nhắc lại vô tình ăn sâu vào tiềm thức của công chúng và ảnh hưởng không nhỏ đến những người nổi tiếng khác.

Cái chết của một ngôi sao nào đó luôn là tin tức nóng hổi, giật gân, là DTA và tất yếu chuyện miêu tả quá chi tiết đến phương thức, nguyên nhân tự tử tạo nên tác động xấu đến cộng đồng.

13

Do đặc trưng của thị trường showbiz Hàn Quốc, vòng xoay của “cỗ máy” Kpop tạo ra áp lực khủng khiếp đối với các ngôi sao. Từ thời điểm trở thành thực tập sinh tại công ty giải trí, các thanh thiếu niên rời xa gia đình, bị tịch thu điện thoại, nói không với các mối quan hệ tình cảm yêu đương. So với bạn bè đồng trang lứa, họ được dạy để thể hiện sự khác biệt bằng hai hình ảnh đối lập là gợi cảm hay ngây thơ.

Và điều quan trọng nhất, một khi trở thành idol, họ không được phép mắc sai lầm. Bởi những người hâm mộ, đặc biệt là sasaeng (fan cuồng) sẽ quay lưng, thậm chí còn tấn công thần tượng nếu cảm thấy bị phản bội.

Sulli và Goo Hara là hai ví dụ điển hình, sống động. Họ đã từng phải chống chọi với sự chỉ trích nặng nề khi vướng vào scandal đời tư. Vài tháng trước khi mất, Sulli bị dân mạng “ném đá” vì livestream tiệc rượu với bạn bè trên trang cá nhân, còn Goo Hara bị tấn công sau scandal bạn trai cũ dọa tung clip nóng.

Bên cạnh đó, người hâm mộ cũng có một phần trách nhiệm trong các vụ tự tử của thần tượng Kpop. Trước khi mất, Sulli và Goo Hara từng nhiều lần cầu cứu trên mạng. Nhưng không ai thèm nghe những lời khẩn khiết đó cho đến khi họ đã xuôi tay từ giã cõi đời.

Thủy Tiên

Theo NTD

largeer