Cấm xe máy vào trung tâm TP.HCM năm 2030: Đã lường trước sự không đồng thuận?

Thứ tư, 27/02/2019, 09:53 AM

Mục tiêu cấm xe máy vào khu trung tâm TP năm 2030 được Sở GTVT TP.HCM đưa ra trong đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM”.

Hiện xe máy là phương tiện của đại đa số người dân TP.HCM.

Hiện xe máy là phương tiện của đại đa số người dân TP.HCM.

Về sự cần thiết của đề án, Sở GTVT TP cho rằng, dù trong những năm qua thành phố đã mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường, đồng thời từng bước phát triển giao thông công cộng, trợ giá cho xe buýt… nhưng ùn tắc vẫn không giảm, ô nhiễm không khí tăng.

Trước khi đưa ra đề án, Sở đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để ghi nhận ý kiến của người dân, chuyên gia. Các cuộc điều tra xã hội học và số liệu quan trắc cũng được thu thập tại nhiều nơi để làm căn cứ.

Về mục tiêu cụ thể, Sở kỳ vọng năm 2020 thị phần vận tải hành khách công cộng sẽ đảm nhận 15-20% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên thành 20,5-26,6% và vào năm 2030 sẽ là 29,3-36,8%.

Theo Sở GTVT, khi phần đảm nhận của giao thông công cộng tăng lên thì tỷ lệ người dân dùng phương tiện cá nhân sẽ giảm xuống. Từ đó Sở đưa ra đề xuất hạn chế và tiến tới ngưng hoạt động mô tô, xe máy tại một số khu vực thuộc trung tâm thành phố (quận 1,3,5,10…) vào giai đoạn 2025-2030.

Cùng với đó, Sở sẽ tiến hành rà soát chủng loại mô tô, xe máy đang lưu thông để thống kê số lượng, chất lượng, tuổi đời… để làm cơ sở đề xuất xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với ô tô, sở đề xuất thu phí lưu thông vào trung tâm thành phố thông qua việc bổ sung phí ùn tắc và ô nhiễm môi trường, và dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2020 – 2025.

Ngoài ra còn kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, xe máy hoạt động trên địa bàn để quy định vùng hoạt động theo các mức điều kiện an toàn.

Song song đó còn thêm một số giải pháp khác như tổ chức các không gian đi bộ, thí điểm thực hiện sắp xếp bố trí giờ học, giờ làm lệch ca để giảm bớt lưu thông vào giờ cao điểm.

Sở khẳng định các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sẽ được triển khai ngay khi các điều kiện về hạ tầng đô thị, mạng lưới xe buýt… được đáp ứng.

Dù đưa ra các giải pháp trên nhưng Sở thừa nhận khi triển khai các giải pháp kiểm soát xe máy năm 2030 sẽ có hiện tượng ùn tắc cục bộ tại các điểm trông giữ xe khu vực vành đai.

Đồng thời một bộ phận người dân bị ảnh hưởng sẽ không có sự chia sẻ, đồng thuận với các giải pháp của đề án. Do đó Sở cho rằng cần chú trọng công tác truyền thông để người dân hiểu, chia sẻ khi thực hiện.

Nguyễn Cường

Theo infonet.vn

largeer