Cân nhắc khi nâng tuổi nghỉ hưu với lao động trực tiếp

Thứ năm, 23/05/2019, 09:20 AM

Đây là ý kiến của nhiều cán bộ CĐ tham gia Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ TPHCM tổ chức mới đây.

Nhiếu ý kiến đề nghị không nên kéo dài độ tuổi nghỉ hưu đối với CNLĐ trực tiếp đặc biệt trong những ngành nghề thâm dụng lao động. Ảnh: NAM DƯƠNG

Nhiếu ý kiến đề nghị không nên kéo dài độ tuổi nghỉ hưu đối với CNLĐ trực tiếp đặc biệt trong những ngành nghề thâm dụng lao động. Ảnh: NAM DƯƠNG

Theo quy định tại Điều 170 của dự thảo, người lao động (NLĐ) bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu khi: Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi (Phương án 1).

Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi (Phương án 2).

Hầu hết các ý kiến đều đồng ý đối với các lao động trí thức, lao động trí óc, lao động gián tiếp làm việc trong khu vực văn phòng, các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, tài chính, y tế,… có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu theo phương án 1, vì cho rằng ở độ tuổi 55 với nữ, 60 với nam vẫn cón đủ sức khỏe, kinh nghiệm, “độ chín” nghề nghiệp để làm việc. Tuy nhiên, đối với các CNLĐ trực tiếp, đặc biệt trong những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy-hải sản, đa số các đại biểu đều chưa đồng tình với việc kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Công ty Pou Yuen Việt Nam, nơi hiện có trên 63.000 công nhân (CN) - nêu thực tế: “Công ty thành lập, đi vào hoạt động đã 23 năm, nhưng đến nay chưa có CN nào đủ điều kiện nghỉ hưu. Rất nhiều lao động chỉ làm việc được mười mấy năm là xin nghỉ vì không còn sức khỏe làm việc. Do đó, không nên kéo dài tuổi nghỉ hưu của NLĐ”.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh - cũng nêu thực tế tại huyện Bình Chánh, có những doanh nghiệp có hàng nghìn lao động, nhưng mới chỉ làm thủ tục nghỉ hưu cho vài CN. Lý do là điều kiện lao động quá vất vả, CN không thể làm đến khi nghỉ hưu được.

Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi cũng đưa ra thực trạng: Công ty Samho Việt Nam đã hoạt động 26 năm trên địa bàn, nhưng đến nay cũng chỉ có rất ít CNLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu, đa phần đều nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu.

Nhiều ý kiến cho rằng cần khảo sát, nghiên cứu thêm về thực trạng lao động hiện nay tại Việt Nam, nhất là CNLĐ trực tiếp sản xuất, tỉ lệ được nhận lương hưu của các đối tượng này. Các đại biểu cũng quan tâm đến các báo cáo, khảo sát về tình trạng sức khỏe của người Việt Nam, nhất là các đối tượng còn trong độ tuổi lao động.

Ông Củ Phát Nghiệp kiến nghị: “Không nên quy định độ tuổi nghỉ hưu mà chỉ cần quy định điều kiện hưởng lương hưu dựa trên số năm tham gia BHXH của mỗi cá nhân. Khi đã tham gia BHXH đủ số năm theo quy định, NLĐ có quyền được hưởng chế độ hưu trí. Khi đã đủ số năm đóng BHXH để nghỉ hưu, NLĐ có quyền lựa chọn tiếp tục làm việc nếu còn sức khỏe”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Trí cũng đề nghị: “Nên khuyến khích, chứ không nên bắt buộc kéo dài tuổi nghỉ hưu vì CNLĐ trực tiếp rất vất vả. Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhiều người sẽ không đủ điều kiện để được hưởng lương hưu hằng tháng”.

Nam Dương

 

Theo laodong.vn

largeer