Cảnh báo 4 trường hợp lừa đảo, gian lận thương mại tại nước ngoài

Thứ hai, 27/05/2019, 14:45 PM

Từ một số đơn thư của các doanh nghiệp trong nước đề nghị giải quyết khiếu nại các doanh nghiệp Nigeria, Cameroon và Togo lừa đảo, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria vừa đưa ra cảnh báo các doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn cách đối phó với những vụ lừa đảo tinh vi này.

4 dạng lừa đảo

Theo nguồn tin Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria (kiêm nhiệm Liberia, Ghana, Togo, Sierra Leone, Cameroon, Tchad) báo cáo đã có tình trạng lừa đảo tại khu vực Tây Phi, tập trung vào 4 trường hợp như sau:

l Lừa đảo trong đấu thầu: Các đối tượng lừa đảo thường lấy tên một tổ chức tại châu Phi, tạo một trang web giả, đưa ra một gói thầu với giá trị cao, cần nhập khẩu các mặt hàng từ Việt Nam và yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam gửi thư xin dự thầu. Trong một thời gian ngắn, đối tượng lừa đảo gửi một thư thông báo doanh nghiệp Việt Nam đã “thắng thầu”, đề nghị trả lệ phí đấu thầu, từ 1.500-3.000 USD. Sau đó chúng thay đổi tên tổ chức, địa chỉ, email và điện thoại, để tiếp tục lừa đảo doanh nghiệp khác.

l Lừa đảo trong việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam: Các đối tượng lừa đảo thông báo có đơn hàng hàng nhập khẩu trị giá từ 1-2 triệu USD. Các đối tượng này thường ‘‘chấp nhận ngay giá chào hàng, không trả giá”. Sau đó đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trả phí môi giới, hoặc trả chi phí thủ tục xin mã số giấy phép nhập khẩu, phí luật sư... từ 1-2%/trị giá lô hàng.

l Lừa đảo trong việc xuất khẩu (gỗ, sắt phế liệu v.v...): Các đối tượng lừa đảo chào giá xuất khẩu hàng hóa (gỗ, sắt phế liệu), có giá thấp hơn thị trường, tạo cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam bị “ảo tưởng sẽ có lợi nhuận cao”, nếu nhập khẩu hàng của họ. Đối tượng lừa đảo yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc 20-30%. Sau khi nhận tiền cọc, chúng không giao hàng.

l Ký nhiều hợp đồng xuất khẩu (gỗ), giao một vài hợp đồng đầu đúng hạn, các hợp đồng sau không giao hàng: Các đối tượng này thường ký 5-10 hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thực hiện giao 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng tốt, nhằm tạo ra sự tin tưởng cho doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam. Từ hợp đồng thứ ba, đối tượng lừa đảo yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30-50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này, sau đó không giao hàng.

Một trang web lừa đảo xuất khẩu tại Nigeria. (Ảnh: Bộ Công thương).

Một trang web lừa đảo xuất khẩu tại Nigeria. (Ảnh: Bộ Công thương).

Một số phương thức đối phó

Thương vụ Việt Nam tại Nigeria khuyến cáo khi nhận được các email có nội dung như trên, đề nghị doanh nghiệp trong nước tự tra cứu xác minh tên và mã số thuế doanh nghiệp (Taxpayer Identification Number - TIN) của các đối tượng giao dịch nước ngoài, theo hướng dẫn như sau:

+ Tại Nigeria:

- Tra cứu tên doanh nghiệp (miễn phí): http://publicsearch.cac.gov.ng/ComSearch/

- Tra cứu mã số thuế - TIN (miễn phí): https://apps.firs.gov.ng/tinverification/

+ Tại Togo tra cứu tên doanh nghiệp: http://www.cfetogo.org/

+ Tại Cameroon:

- Tra cứu thông tin chi tiết phải trả phí: http://smespro.com/contact/

- Tra cứu tên công ty miễn phí (tham khảo): http://www.info-clipper.com/en/company/search/cameroon.cm.html

Ghi chú: Tổ chức hiệp hội, ủy ban, Phòng Thương mại - Công nghiệp, không có chức năng xuất nhập khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Nigeria lưu ý các doanh nghiệp trong nước:

* Không chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị, ví dụ: Phí môi giới, phí thủ tục xin mã số giấy phép nhập khẩu (NAFDAC), phí luật sư...

* Thanh toán:

- Mặc dù thẩm định doanh nghiệp thuộc các nước Tây Phi có thật, tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn có thể lừa đảo. Để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất khẩu - nhập khẩu, doanh nghiệp trong nước nên áp dụng hình thức thanh toán “Thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (Irrevocable L/C, At sight);

- Không dùng các hình thức thanh toán T/T, D/A, D/P. Một số doanh nghiệp trong nước đã bị mất vốn, khi áp dụng hình thức 30% trả trước, 70% trả sau (đối với hàng xuất khẩu), hoặc mất tiền đặt cọc từ 30-50% (đối với hàng nhập khẩu).

Anh Trinh

Theo NTD

largeer