Câu chuyện hoa Tết: “Kỳ kèo bớt một thêm hai”

Thứ tư, 14/02/2018, 10:53 AM

Những ngày qua, trên các diễn đàn, mạng xã hội, câu chuyện hoa Tết trở thành điểm nóng thu hút dư luận khi rất nhiều người chia sẻ rằng nên mua hoa sớm để giúp các tiểu thương...

Mùa Tết, mùa hoa

Ngày Tết chưng hoa đã là một truyền thống của người Việt. Dù ít dù nhiều, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, người người lại trang hoàng nhà cửa với những sắc hoa, cây cảnh để mong một năm mới đầy sắc hương, may mắn.

Bởi là truyền thống nên nhu cầu mua hoa dịp Tết rất cao. Có cầu sẽ có cung, một quy luật tự nhiên. Người trồng hoa, nhà trồng hoa rồi thành một làng trồng hoa. Người mua hoa, người chơi hoa và nhà nhà chưng hoa. Cả người bán kẻ mua đều vui vẻ. Người bán bán được hàng, kẻ mua mua được thứ mình cần. Ngày Tết trở thành niềm hạnh phúc của rất nhiều người.

Nhưng thực tế lại không như vậy. Mua – bán nghĩa là đã mang danh nghĩa kinh doanh. Trong phạm trù kinh doanh ấy, người trồng và bán hoa chính là người cung cấp dịch vụ, người mua là người có nhu cầu thụ hưởng và sở hữu dịch vụ ấy. Một vòng tròn kinh doanh được tạo ra xung quanh mối quan hệ giữa tiểu thương và khách hàng.

Mà đã là kinh doanh, sẽ phải có những quy luật bất thành văn mà thị trường tạo ra. Người mua bỏ tiền ra để sở hữu “món hàng” của mình, chắc chắn sẽ muốn món hàng đó là món hàng đúng ý mình nhất, đủ chất lượng tương xứng. Còn người bán, chắc chắn, muốn xuất món hàng của mình với giá trị cao nhất nó có thể đạt. Kể từ đây, khoảng cách mua bán nảy sinh.

Trở lại câu chuyện hoa Tết, một chậu cúc bình thường để chưng Tết, trên những làng hoa, đường hoa có giá dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu. Còn những loại cây hoa thuộc hàng “cao quý” như đào, mai... giá từ vài triệu đến vài trăm triệu là... bình thường.

Người trồng hoa, bán hoa vận chuyển hoa đến điểm tập kết. Ảnh: Văn Nguyễn - NTD

Người trồng hoa, bán hoa vận chuyển hoa đến điểm tập kết. Ảnh: Văn Nguyễn - NTD

Anh Tô Văn Tuấn (45 tuổi, một người bán hoa mai ở đường hoa Quy Nhơn) chia sẻ: “Để có được hàng chục chậu hoa mai mang xuống dưới này trưng bán cho người ta không phải dễ. Mai bán mấy ngày xuân nhưng mình phải chăm, uốn, bón phân cả năm trời, tạo thế sao cho độc, lạ, trúng tâm lý người mua thì mới mong bán được”.

“Hằng năm mình chở hoa từ Phú Tài xuống dưới này bán từ 25 tháng chạp. Mà sức tiêu thụ cũng không cao. Trung bình mỗi cây mai lời vài trăm. Nhưng có những năm lỗ nặng. Làm hoa tốn công lắm. Chưa kể giá thuê mặt bằng khá cao. Năm nay là 4 triệu đồng. Bán vài chậu may ra mới bù được tiền mặt bằng, thì lời lãi đâu ra”.

Theo nhiều tiểu thương bán hoa, sở dĩ mức giá hoa Tết cao vì phụ thuộc nhiều thứ, trong đó có giá thuê mặt bằng làm họ xoay xở khó khăn.

Đừng lấy lòng thương cảm làm chiêu trò kinh doanh

Nhìn chung nhiều năm qua, thị trường hoa Tết rất ảm đạm, sức tiêu thụ không cao. Điều này có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, cây hoa Tết là “mặt hàng” đặc thù, mỗi năm chỉ sử dụng một lần. Tâm lý người tiêu dùng thường chọn mua những mặt hàng có giá trị lâu dài, sử dụng được lâu. Bởi vậy, người mua hoa Tết thường chọn những loại cây như mai, đào, mua một lần nhưng sử dụng được nhiều năm.

Thứ hai, thời điểm cận Tết là thời điểm cực nhạy cảm. Quần quật một năm trời có vài ngày nghỉ Tết ngắn ngủi, nhiều người chọn cách thụ hưởng bằng đi du lịch, đóng cửa về quê... mà đã đóng cửa đi xa như thế, mua hoa để làm gì? Khi nhu cầu mua hoa trang trí nhà cửa, mục đích cao nhất là để thưởng thức, làm đẹp?

Hoa Tết là một mặt hàng rất đặc thù. Ảnh: Văn Nguyễn - NTD

Hoa Tết là một mặt hàng rất đặc thù. Ảnh: Văn Nguyễn - NTD

Thứ ba, người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm thường thích chọn các sản phẩm độc, lạ, không trùng lặp người khác, không “đụng hàng”. Vậy nên trong số hàng nghìn sắc hoa những ngày cận Tết ấy, chọn cho mình một sắc hoa ưng ý cũng là một vấn đề, khi nhìn cái nào, cũng tựa tựa nhau.

Thứ tư, giá cả là chuyện gây “đau đầu”. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian gần đây, trên các diễn đàn, mạng xã hội lại tràn ngập các chia sẻ, các trạng thái, các bài viết kêu gọi mọi người đi mua hoa đừng đợi 30 Tết hoa giảm giá. Kèm theo những bài viết ấy là những clip chia sẻ hình ảnh người bán hoa đập chậu, vứt hoa đêm 30 Tết gây xúc động trong dư luận.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Lật ngược vấn đề giá cả, tại sao người bán không giảm giá “mặt hàng” của mình khi thấy thị trường biến động? Người kinh doanh bắt buộc phải nhanh nhạy, biết nắm bắt thị trường. Rất nhiều người bán hoa Tết thà để hoa đến ngày 30 rồi đập chậu, phá hoa và dùng dằng bỏ về như một cách chứng tỏ sự “giận dỗi” với thị trường.

Nhưng sau một năm giận dỗi ấy, năm sau lại thấy gương mặt cũ xuất hiện ở chợ hoa, với những chậu hoa mang một dáng điệu cùng mức giá “trên trời”. Dẫu biết rằng người bán có những khó khăn riêng, nhưng nếu họ biết chấp nhận “nhún nhường” một chút, mọi thứ sẽ khác.

Vậy nên, đừng lấy lòng thương cảm của cộng đồng ra để làm “chiêu trò”, dù rằng chiêu trò ấy, quả thực rất hiệu quả. Tuy vậy, nhìn một cách kỹ lưỡng, người mua cũng cần chịu trách nhiệm cho việc thị trường hoa ảm đạm.

Chính cái tâm lý “ích kỷ” của hai bên, người mua người bán, trong cái mối quan hệ lẽ ra phải dung hòa nhau để cùng được lợi thì họ lại kèn cựa chẳng thông cảm cho nhau.

Và nếu nhìn rộng ra nữa, vấn đề này thuộc về cả xã hội. Từ những nhà quản lý, cơ quan chức năng. Tại sao ư? Nếu họ giảm giá thuê mặt bằng xuống, tạo điều kiện thuận lợi cho những “nghệ nhân” hoa có thể thỏa sức trưng bày, bán những sản phẩm của mình, cũng là một cách để kích cầu thị trường từ người mua, sẽ chính là cách có lợi cho cả 3 bên.

Thiết nghĩ, ai cũng muốn một cái Tết ấm cúng, đủ đầy. Thì hãy cho nhau những sự tử tế cảm thông đúng mức, đừng chỉ nghĩ đến bản thân mình mà quên mất rằng, ai cũng có những khó khăn riêng, dù là người mua hay người bán. Và cũng đừng lấy sự thương cảm ra làm thước đo thị trường, khi trong thời đại mới, những quy luật kinh doanh là điều khó tránh khỏi. Để khỏi thua thiệt, hãy tự mình thích nghi.

Đăng Kiệt – Giải Phóng

Theo NTD

largeer