Chạy đua sản xuất năng lượng mặt trời

Thứ ba, 20/08/2019, 09:39 AM

Nếu như trước chỉ được xem là nguồn dự phòng, thì giờ đây năng lượng mặt trời đang dần trở thành nguồn năng lượng chủ lực và bền vững. Những lợi thế về nhân công, diện tích rộng lớn, tấm pin rẻ... đã giúp Ấn Độ vươn lên trở thành quốc gia sản xuất năng lượng mặt trời rẻ nhất thế giới. Nhưng Trung Quốc vẫn là nước đi đầu, hưởng lợi nhiều nhất và dẫn dắt cuộc chạy đua năng lượng sạch.

Theo khảo sát của Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019, chi phí lắp đặt các hệ thống tấm năng lượng mặt trời tại Ấn Độ giảm đến 27% so với năm 2018.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự giảm giá nhưng chủ yếu là nhờ vào các tấm pin rẻ nhập từ Trung Quốc, nguồn nhân công rẻ và quỹ đất rộng lớn. Tính từ năm 2010-2018, chi phí lắp đặt ở Ấn Độ đã giảm 80%, mức giảm nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào.

Tính toán trung bình cho thấy giá lắp đặt các trạm năng lượng mặt trời quy mô lớn ở Ấn Độ chưa bằng 1/3 chi phí so với Canada, nơi được xem là quốc gia có giá lắp đặt cao nhất hiện nay.

Giá lắp đặt và có nguồn cung cấp tấm pin rẻ từ Trung Quốc đã giúp Ấn Độ trở thành nhà cung cấp điện mặt trời hàng đầu và có giá rẻ nhất thế giới. (Ảnh: CommonWealth Magazine).

Giá lắp đặt và có nguồn cung cấp tấm pin rẻ từ Trung Quốc đã giúp Ấn Độ trở thành nhà cung cấp điện mặt trời hàng đầu và có giá rẻ nhất thế giới. (Ảnh: CommonWealth Magazine).

Năng lượng sạch, chi phí thấp

Khi giá lắp đặt năng lượng mặt trời giảm thì cũng là lúc nhu cầu của thị trường ngày một tăng lên. Hiện tại, năng lượng mặt trời chiếm đến 55% công suất của năng lượng tái tạo toàn cầu.

Trong năm 2018, sản lượng điện mặt trời trên toàn thế giới tăng đến 24%. Sự tăng trưởng này phần lớn đến từ các nền kinh tế phát triển ở châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Theo ước tính, các nước châu Á đã đóng góp đến 94 gigawatt (GW) công suất mới vào hệ thống điện năng lượng mặt trời toàn thế giới. Trong đó riêng Trung Quốc đã chiếm gần 50% với 44GW. Con số này gấp gần 5 lần so với nước xếp ngay sau là Ấn Độ. Ngoài ra, các quốc gia khác như Nhật, Úc, Đức và Mỹ cũng có sự tăng trưởng nhanh về sản lượng năng lượng mặt trời.

Không chỉ có năng lượng mặt trời, các nguồn năng lượng sạch khác như năng lượng gió cũng phát triển mạnh. Ước tính năng lượng tái tạo đang cung cấp đến 1/3 công suất điện toàn cầu.

Sự tăng trưởng này cho thấy năng lượng tái tạo đã trở thành nguồn động lực để thay đổi năng lượng toàn cầu.

Khi thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nguồn năng lượng tái tạo thì các nguồn năng lượng không tái tạo - như nhiệt điện chạy bằng than, dầu hỏa hay lò phản ứng hạt nhân - đang dần sụt giảm tại các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương.

Trong khi đó, một số quốc gia ở châu Á và khu vực Trung Đông vẫn đang phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ dầu mỏ. Lượng khai thác dầu mỏ và khí đốt vẫn tiếp tục tăng cao trong thời gian qua.

Báo cáo của IRENA cho biết chi phí để dành cho công nghệ năng lượng tái tạo liên tục giảm chính là tiền đề để phát triển. Ngày càng có nhiều quốc gia chú trọng đến việc lắp đặt, xây dựng và vận hành các trang trại năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Nguyên nhân là do chi phí sẽ thấp hơn so với chi phí vận hành năng lượng không tái tạo như nhiệt điện và dầu mỏ.

Đây chính là động lực mạnh mẽ để các quốc gia chuyển đổi sang đầu tư nguồn năng lượng sạch và bền vững hơn.

Điện mặt trời áp mái đang là xu hướng mới tại Việt Nam. (Ảnh: VNF).

Điện mặt trời áp mái đang là xu hướng mới tại Việt Nam. (Ảnh: VNF).

Trung Quốc vẫn dẫn đầu

Ngành công nghiệp năng lượng mặt trời trên toàn cầu phát triển mạnh nhờ các khoản trợ cấp từ chính phủ các nước. Giá mua điện (FIT) cao để hòa vào mạng lưới cùng với chính sách ưu đãi tài chính đã giúp Đức trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới kể từ năm 2010. Tuy nhiên, người Đức lại phụ thuộc vào nguồn cung các tấm pin giá rẻ của Trung Quốc - chính sách hỗ trợ, hay nói đúng hơn là bao cấp, của chính phủ nước này đã khiến các nhà sản xuất tấm pin châu Âu và Hoa Kỳ chào thua.

Khủng hoảng đồng EURO khiến ngành năng lượng mặt trời châu Âu lao đao. Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào ngành này đã giúp các nhà sản xuất Trung Quốc vươn lên hàng đầu thế giới từ năm 2013. Hiện 6 trong 10 nhà sản xuất tấm pin mặt trời là của Trung Quốc. Riêng hãng Jinko Solar của nước này là nhà sản xuất hàng đầu với gần 10GW khắp toàn cầu trong năm 2017. Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tập đoàn China Merchants New Energy khai trương nhà máy năng lượng mặt trời Panda Power Plant trong năm 2017 thuộc loại lớn nhất thế giới. Nhà máy có hình chú gấu panda với các tấm pin có diện tích hơn 7,5 triệu m2.

Tuy nhiên, kể từ ngày 1/6/2018, mọi thứ chao đảo khi Trung Quốc thu hẹp điều kiện đối với các nhà cung ứng điện mặt trời trong nước. Cổ phiếu của Jinko Solar và các công ty cùng ngành giảm mạnh, và kéo luôn giá cổ phiếu của First Solar - một trong những hãng năng lượng mặt trời lớn nhất của Hoa Kỳ.

Nhà máy Panda Power Plant của Trung Quốc. (Ảnh: Business Insider).

Nhà máy Panda Power Plant của Trung Quốc. (Ảnh: Business Insider).

Các dự án mới của Trung Quốc bị tạm hoãn có tổng công suất 20GW trong năm 2018. Nhu cầu giảm, giá các tấm pin Trung Quốc cũng giảm theo ít nhất 30%. Nhà tư vấn năng lượng Benjamin Attia thuộc hãng Wood Mackenzie nói “đây là cú sốc đầu tiên kể từ năm 2000 khi ngành năng lượng mặt trời gặp cảnh đình đốn”.

Chính phủ các nước từ Âu sang Á thay đổi chính sách mua điện đầu vào, giảm giá mua FIT và cắt bớt trợ cấp đã khiến ngành năng lượng sạch thay đổi. Các nhà phân tích nói Trung Quốc bỏ áp dụng chính sách FIT sau khi quỹ trợ cấp bị thâm hụt khoảng 15 tỷ USD trong năm 2017. Trung Quốc chuyển sang thỏa thuận mua bán điện dài hạn và chỉ chọn nhà cung ứng rẻ nhất. Cách làm này đã được nhiều nơi học tập và ở những vùng đất đầy ánh nắng - từ Arizona, Nevada tới Mexico hay Ấn Độ - các nhà thầu đưa ra mức giá thấp kinh ngạc.

Tạp chí The Economist nhận định các chính sách năng lượng mặt trời của Trung Quốc - tạm hoãn xây các nhà máy mới và đưa các tấm pin dư thừa ra thị trường thế giới - vẫn mang lại lợi ích cho thế giới. Tạp chí này trích dẫn báo cáo của hãng tư vấn Bloomberg New Energy Finance nói, năm 2019 “sẽ có nhiều thị trường năng lượng mặt trời hơn do các tấm quang năng giảm giá”. Điều này có thể thấy qua các thị trường mới nổi như Việt Nam và Myanmar. Tháng 3/2019, Tập đoàn BIM Group khai trương cụm ba nhà máy điện mặt trời có tổng công suất 330MW - lớn nhất Đông Nam Á. Theo số liệu của Bộ Công thương và ngành năng lượng Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2019 Việt Nam có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất hơn 4.500MW, chiếm hơn 8% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt quá 5 lần dự kiến quy hoạch trước đó.

Giá các tấm pin giảm cũng giúp các nhà sản xuất Trung Quốc thâm nhập thị trường Hoa Kỳ dù rằng mức thuế bị “treo ở mức cao kinh khủng” đến 30%. Có lẽ đây là mặt hàng mà Trung Quốc xâm nhập được thị trường của Hoa Kỳ dù rằng hai gã khổng lồ vẫn đang ở đỉnh điểm căng thẳng của chiến tranh thương mại.

Ricky Hồ - Phan Huấn

Theo NTD

largeer