Chênh lệch thu nhập nhân viên ngân hàng nội - ngoại: Cái giá của nhiều tiền

Thứ hai, 08/04/2019, 15:28 PM

Thu nhập của nhân viên ngân hàng nội luôn là mơ ước của nhiều người lao động. Nhưng nhân viên ngân hàng nội lại luôn mong kiếm được nhiều tiền như đồng nghiệp tại các ngân hàng nước ngoài vì mức chênh ở 2 khu vực là quá lớn. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó.

HSBC Việt Nam vừa gây ”sốt” khi “lộ” mức lương 50 triệu đồng mỗi tháng của nhân viên.

HSBC Việt Nam vừa gây ”sốt” khi “lộ” mức lương 50 triệu đồng mỗi tháng của nhân viên.

Chênh lệch thu nhập quá lớn

Từ những năm 2000, ngân hàng, chứng khoán nổi lên là những ngành rộng tay chi trả lương thưởng. Khi chỉ số VN-Index lao dốc, thu nhập ngành chứng khoán thê thảm theo nhưng ngân hàng vẫn là niềm mơ ước của người lao động vì dù sụt giảm, lương ở ngành này vẫn cao chót vót.

Trong 3 năm trở lại đây, ngành ngân hàng có nhiều điểm sáng nên người lao động có cơ hội chứng kiến lương, thưởng tăng chóng mặt. Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), có thời điểm, thu nhập bình quân của nhân viên lên tới gần 40 triệu đồng/người/tháng. Đây là con số cao nhất trong ngành (chưa tính tới các doanh nghiệp nước ngoài).

Các ngân hàng còn lại cũng mạnh tay chi trả lương cho người lao động. Trong năm 2018, nhân viên nhiều đơn vị như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)... cũng có thu nhập khoảng 25, 26 triệu đồng mỗi tháng.

Đây là những con số đáng kể trên thị trường lao động. Thế nhưng, nếu so sánh với thu nhập của nhân viên ngân hàng nước ngoài, mức thù lao này lại khá khiêm tốn.

Mới đây, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận khi “lộ” bảng lương khủng của người lao động. Báo cáo tài chính tóm tắt kiểm toán năm 2018 cho thấy mức lương và thu nhập bình quân của nhân viên HSBC Việt Nam trong năm 2018 “khủng” như thế nào.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính này, tại thời điểm cuối năm 2018, HSBC Việt Nam có 1.438 nhân viên. Tổng quỹ lương và các khoản thu nhập khác của người lao động được điều chỉnh tăng thêm 10%, lên mức 869 tỷ đồng. Trong đó, quỹ lương dành cho nhân viên HSBC Việt Nam là 632 tỷ đồng.

Như vậy, trung bình mỗi người lao động tại HSBC Việt Nam nhận 36,6 triệu đồng mỗi tháng. Còn tổng thu nhập bình quân lên tới 50,3 triệu đồng/người/tháng, cao hơn hẳn thu nhập tại Vietcombank, ngân hàng nội trả lương cao nhất.

Một số ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam thậm chí còn trả lương cao hơn HSBC Việt Nam. ANZ Việt Nam chưa tiết lộ thù lao năm 2018 nhưng số liệu 2016 cho thấy, trung bình mỗi người lao động của ngân hàng này được trả khoảng 70 triệu đồng/tháng. Standard Chartered cũng chi trả mức lương tương tự như vậy.

Là ngân hàng trong nước trả lương cao nhất nhưng Vietcombank cũng

Là ngân hàng trong nước trả lương cao nhất nhưng Vietcombank cũng "chỉ" cho nhân viên hưởng 40 triệu đồng mỗi tháng.

Cái giá của nhiều tiền

Chị Hoàng Hương, nhân viên một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho biết thu nhập của chị cao hơn con số bình quân được công bố rất nhiều. Với 15 năm làm việc và chỉ là nhân viên cấp bậc 4 (chưa có bất cứ chức danh nào), chị đã được trả 4.000 USD mỗi tháng (khoảng 93 triệu đồng). Theo chị Hương, nếu có chức danh (không phải quá lớn), chị đã có thể kiếm được 10.000 USD (khoảng 225 triệu đồng) mỗi tháng.

“Và ngay cả khi chỉ là một nhân viên bình thường, bạn hoàn toàn có cơ hội nhận lương trăm triệu. Đó là vị trí kinh doanh. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn nhân viên nhận lương cao hơn cả sếp” - chị Hương kể.

Thưởng cũng là câu chuyện hấp dẫn tại ngân hàng nước ngoài. Theo chị Hương, đơn vị nơi chị công tác không bao giờ thưởng Tết hay các ngày lễ như doanh nghiệp Việt Nam. Hàng năm, chị chỉ nhận thưởng tháng thứ 13 và “thưởng doanh số”. Nhưng do lương cao nên mỗi năm chị được thưởng 400 triệu đồng là điều bình thường.

Tuy nhiên, chị Hương kể, cái giá của việc kiếm nhiều tiền không hề nhỏ. “Hiếm khi nào tôi về trước 9h tối. Những đợt có kiểm toán thì chúng tôi còn phải làm muộn hơn. Tôi gần như không có thời gian đi chơi, không có thời gian dành riêng cho bản thân và gia đình. Gia đình phải thông cảm lắm tôi mới giữ được công việc lương cao này. Nói lương cao vậy thôi chứ nếu tính lương theo giờ, chưa chắc thu nhập của chúng tôi cao hơn đồng nghiệp tại ngân hàng trong nước” - chị Hương chia sẻ.

Anh Nguyễn Anh Quân, đồng nghiệp của chị Hương lại đối mặt với áp lực “trụ hạng”. Anh cho biết anh là nhân viên kinh doanh nên bị áp doanh số rất khủng khiếp. Không đạt doanh số, hoặc tăng trưởng doanh số như kỳ vọng, anh có thể bị trừ lương, sa thải.

“Ở ngân hàng nói chung và ngân hàng nước ngoài nói riêng, sự đào thải của nhân viên kinh doanh là khủng khiếp nhất. Đội ngũ này luôn thay đổi chóng mặt, nhiều người bị sa thải và ngân hàng liên tục tuyển mới. Vì vậy, lương cao, tưởng sướng mà không hề sướng. Áp lực trăm bề” - anh Quân tâm sự.

Dù chia sẻ công việc có nhiều áp lực, phải hy sinh nhiều thú vui trong cuộc sống nhưng cả chị Hương và anh Quân đều vẫn chọn làm việc cho ngân hàng nước ngoài vì thu nhập tại đây cao hơn mặt bằng chung rất nhiều.

Bảo Linh

Theo NTD

largeer