Chứng khoán Việt đỏ sàn vì virus Corona

Thứ sáu, 31/01/2020, 09:59 AM

Phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một ngày u ám khi các chỉ số lao dốc từ thời điểm mở cửa đến khi kết thúc. Các mã cổ phiếu lớn giảm mạnh theo giờ với tốc độ chóng mặt. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước sự bùng phát của dịch cúm virus Corona tại Trung Quốc và đang có xu hướng lan rộng ra toàn cầu.

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán SJC. Ảnh: Hoàng Triều

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn chứng khoán SJC. Ảnh: Hoàng Triều

Cổ phiếu hàng loạt “ông lớn” lao dốc

Đóng cửa phiên giao dịch đầu xuân Canh Tý, VN-Index giảm 31,88 điểm (-3,22%) xuống còn 959,58 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2018. Toàn sàn có 80 mã tăng, 274 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index giảm 2,17 điểm (-2,04%) xuống 104,11 điểm. Toàn sàn có 51 mã tăng, 86 mã giảm và 37 mã đứng giá.

Sắc đỏ vẫn bao trùm lên nhóm cổ phiếu trụ cột trên thị trường và tạo áp lực rất lớn lên VN-Index và HNX-Index. HCM, HVN hay HBC vẫn bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, MSN giảm 6,2%, SAB giảm 6,2%, BVH giảm 5,8%, TCB giảm 5,4%, MBB giảm 5,1%, VRE giảm 5,1%, BID giảm 5%. VCB là cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên VN-Index với mức giảm 4,8%, BID giảm 5%. Thanh khoản thị trường lên mức cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 229 triệu cổ phiếu, trị giá 5.000 tỷ đồng.

Nếu như trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán, thị trường có những diễn biến tích cực với động lực đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng thì trong phiên khai xuân, nhóm ngành này giảm đến 4,6% - đứng vị trí á quân chỉ sau nhóm ngành bảo hiểm (giảm 4,8%).

Thị trường chứng khoán Việt giảm điểm sâu trong phiên khai xuân đã được nhiều nhà đầu tư dự báo từ trước khi hầu hết thị trường chứng khoán châu Á đều giảm trong những phiên gần đây. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước sự bùng phát của dịch cúm virus Corona tại Trung Quốc và đang có xu hướng lan rộng ra toàn cầu. Nhiều quốc gia trong đó có cả Việt Nam đã phát hiện những trường hợp nhiễm cúm đầu tiên.

Nhà đầu tư cháy túi

Trên các diễn đàn đầu tư chứng khoán, dù không ngạc nhiên với xu hướng đi xuống của thị trường chứng khoán Việt phiên khai xuân nhưng mức giảm quá lớn của thị trường cũng khiến họ không khỏi hốt hoảng. “Trước Tết, “ôm” một ít hàng chờ ra năm kiếm chút lộc lá mà không ngờ, ngày đầu năm, tài khoản “bay” luôn 5%. Đúng là virus đã làm nhà đầu tư cháy túi”- một nhà đầu tư than thở.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Lê Hải Trà - người giữ cương vị phụ trách điều hành HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thừa nhận, ảnh hưởng của dịch viêm phổi do virus Corona là rõ ràng. “Starbucks đóng cửa hơn 1/2 cửa hàng tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 sau Mỹ; Uniqlo đóng cửa hơn 100 cửa hàng tại Vũ Hán; Apple dự báo bị tác động cả cung và cầu. Boeing lần đầu báo lỗ trong 20 năm... Ảnh hưởng là rõ ràng, nhưng hoảng loạn thì chẳng giải quyết được chuyện gì”- ông Trà viết.

Việc bùng phát dịch cúm đã khiến nền kinh tế Trung Quốc chịu những tổn thất đầu tiên và có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, nền kinh tế nước này được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế thế giới trong năm 2020.

Tại thị trường Hongkong, chứng khoán quay trở lại hoạt động sau kỳ nghỉ lễ tương tự thị trường Việt Nam và lao dốc mạnh. Chỉ số Hang Seng tại sàn Hongkong giảm gần 3% ngay từ đầu phiên 29/1 trước khi phục hồi một chút trong vài giờ giao dịch cuối, chốt phiên giảm 2,81%. Các cổ phiếu liên quan đến du lịch đều lao dốc. Cổ phiếu China Eastern Airlines và China Southern Airlines lần lượt giảm giá 3,96% và 4,08%. Cổ phiếu bảo hiểm cũng chung số phận, giá cổ phiếu AIA giảm 2,23%, China Life Insurance giảm 4,27%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc trước mắt sẽ bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp bởi virus corona gây ra. Ngay sau chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã phát đi công văn yêu cầu tất cả các cục hải quan địa phương, đặc biệt là những tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc phải kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tổng cục phó Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành

Hà Lâm

Theo kinhtedothi.vn
Từ khóa:

largeer