'Chuyển heo từ nơi có ổ bệnh đến vùng heo an toàn sẽ gây ra thảm họa kinh tế'

Thứ năm, 14/03/2019, 11:16 AM

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, nguy cơ trà trộn, di chuyển heo từ Hà Nội vào TP.HCM rất lớn. Các heo bệnh gieo rắc mầm bệnh trên đường vận chuyển, ở các hộ nuôi nhỏ lẻ.

* Cho đến hiện tại, nguy cơ lan tràn dịch bệnh tả heo châu Phi từ miền Bắc sang các tỉnh phía Nam như thế nào, thưa bà?

- Phải nói một cách sòng phẳng thì nguy cơ heo bệnh từ Hà Nội vào đến TP.HCM rất lớn. Heo từ phía Bắc di chuyển vào trong Nam và đưa về các vựa heo ở các tỉnh như Vĩnh Long, Long An… rồi sau đó đưa ngược lại vào thành phố, nên dễ lây nhiễm bệnh cho đàn heo không bị bệnh.

Nếu so sánh về các địa phương trên cả nước thì TP.HCM là nơi có chính sách giết mổ tập trung triệt để nhất. Hiện nay toàn thành phố chỉ có 12 điểm giết mổ tập trung trong đó 11 điểm là giết mổ heo và 1 điểm giết mổ gia cầm. Việc tập trung như thế này giúp chúng ta kiểm soát dễ dàng hơn so với việc xé lẻ, lực lượng thú y có thể tập trung, chuẩn mực các quy trình.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM

* Thành phố đã xiết chặt việc nhập heo ngoại tỉnh, quy trình kiểm dịch và giết mổ như thế nào?

- Ngoài đóng dấu thú y như truyền thống và giấy tờ kiểm dịch khi xuất ra ngoài tỉnh thì đeo vòng truy xuất, góp phần truy được nguồn gốc heo. Trong thời gian tới sẽ phải chuẩn hóa quy trình giết mổ vì những địa điểm giết mổ sẽ phải nâng cấp hiện đại. 

Dù vậy, một mình TP.HCM thì chắc chắn không thể. Khi xiết chặt quy trình giết mổ thì chi phí cũng phải tương xứng, thương lái sẽ né TP.HCM và đưa vào các tỉnh thành khác, sau đó quay ngược lại trở về thành phố. Lúc này, cần áp dụng bước thứ 2 đó là kiểm tra tại các chợ đầu mối.

 * Về phía quản lý nhà nước, cần làm gì để ngăn chặn dịch lan tràn?

- Thành phố đã có đề xuất với Trung ương, trước mắt là giảm sự lây bệnh trên đường di chuyển heo bệnh. Cần đưa ra những lệnh cấm chính thức việc vận chuyển heo từ miền Bắc vào miền Nam, bởi 13 tỉnh miền Bắc đã phát hiện ổ dịch dẫn đến chênh lệch giá. Việc di chuyển heo bị dịch bệnh từ nơi có ổ bệnh đến vùng heo an toàn sẽ gây một thảm họa kinh tế.

Do đó, ngoài gia tăng chốt chặn cửa ngõ vào thành phố cần tính đến khía cạnh kinh tế. Để những người nuôi heo tự phát nhỏ lẻ có trách nhiệm với cộng đồng, không giấu dịch, phải tiêu hủy heo bệnh ngay lập tức thì cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng. 

Trước nhất là đưa ra chốt chặn, ngăn chặn dịch bệnh không lây lan. Khoanh vùng xử lý tiêu hủy, vệ sinh chuồng trại, không dùng thịt heo thừa để làm đồ ăn nuôi heo bởi vì virus này tồn tại rất lâu. Cần kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của heo.

Cán bộ kiểm tra niêm phong, nguồn gốc thịt heo trước khi nhập chợ

Cán bộ kiểm tra niêm phong, nguồn gốc thịt heo trước khi nhập chợ

* Bài học rút ra sau khi bùng phát dịch là gì, thưa bà?

- Không phải đợi lúc bùng phát dịch mới bắt đầu phòng tránh mà cần phải quyết liệt. Không được có một con heo bệnh, heo kém chất lượng đi vào trong chợ đầu mối và phát tán ra thị trường.

Thời gian gần đây tại chợ Thủ Đức, nhiều nhất là đêm 9 và 10/3, đã phát hiện được nhiều là vài tấn, ít là vài ký heo có biểu hiện lở mồm long móng, ôi thiu, tai xanh…

Cần nghiêm ngặt áp dụng quy trình kiểm tra truyền thống, đó là heo ngoại tỉnh phải có giấy chứng nhận kiểm dịch ngoại tỉnh còn heo nội tỉnh thì cũng cần phải có chứng nhận heo sạch. Sau đó là truy xuất nguồn gốc bằng vòng, quét mã kiểm soát. Thứ 3 là khả năng quan sát của thú y. Cuối cùng, kiểm tra đột xuất và định kỳ. Tuy nhiên, thông thường thì bước thứ 3 đã phát hiện được dịch bệnh, sau đó xử phạt, tịch thu và tiêu hủy tại chỗ.

Cái quan trọng là người dân phải ý thức được, phối hợp với nhà nước để giảm tình trạng dịch bệnh, không tiếp tay cho thực phẩm bẩn. Đôi lúc giá cả có thể rẻ được một vài đồng hôm nay nhưng bản thân người dân sẽ phải trả giá bởi sức khỏe của họ.

Quốc Thái

Theo phunuonline.com.vn

largeer