Có cần ưu tiên lựa chọn nền kinh tế 'thời chiến'?

Thứ năm, 02/04/2020, 13:40 PM

Khi các ngành dịch vụ và nhiều ngành công nghiệp bị thiệt hại và gần như tê liệt, một sự chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế ngắn hạn có lẽ cần được xem xét.

e5347_1_01

Đối phó với dịch Coivd-19 lần này, các quốc gia có hai cách tiếp cận chính: một là quyết liệt sử dụng các chính sách ngăn chặn, biện pháp bảo vệ chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu; hai là không/thiếu các biện pháp ngăn chặn, một phần vì đánh giá thấp nguy cơ, phần vì lựa chọn chính sách miễn dịch cộng đồng, theo đó chứng kiến dịch lây lan nhanh và hy vọng sớm đạt đỉnh nhất có thể.

Tính cho đến thời điểm này, dường như lựa chọn thứ 2 đang cho thấy những sai lầm, khi không ít trong số các nước sau khi chứng kiến dịch bùng phát ngoài tầm kiểm soát, số lượng người tử vong là quá nặng nề, đã phải nhanh chóng áp dụng các chính sách phong tỏa, cách ly mạnh mẽ.

Theo biểu đồ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) bên dưới, với năng lực hệ thống y tế bị giới hạn, những quốc gia lựa chọn cách tiếp cận thứ nhất, dù dịch bệnh có thể kéo dài hơn, nhưng kỳ vọng thiệt hại về người sẽ thấp hơn.

Đứng ở góc độ nền kinh tế, các quốc gia chấp nhận lây lan rộng có thể chịu tác động mạnh hơn trong ngắn hạn, khi mọi hoạt động sản xuất trong nước có thể bị tê liệt hoàn toàn, không chỉ vì những chính sách phong tỏa, cách ly trên diện rộng của chính phủ, mà còn đến từ nỗi sợ hãi lan tràn khắp nơi khi con số thương vong được công bố ngày càng gia tăng, do hệ thống y tế quá tải và kiệt quệ.

Hậu quả là nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước này có thể tăng mạnh, đặc biệt là ở các sản phẩm hàng hóa, đồ tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế...

Ngược lại, những nước nào có thể khống chế, làm mức độ lây lan của dịch chậm hơn, nhằm giúp hệ thống y tế không bị quá tải, đồng thời vẫn nỗ lực duy trì các hoạt động sản xuất để hạn chế khả năng suy thoái đến mức thấp nhất, sẽ có cơ hội gia tăng hoạt động xuất khẩu vào những nước bị ảnh hưởng nặng hơn trong giai đoạn trước mắt, với điều kiện quan trọng là các hoạt động giao thương phải được giữ vững.

Đơn cử như Trung Quốc sau khi tuyên bố khống chế thành công dịch tại thành phố Vũ Hán, gần đây đã đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, các thiết bị y tế để xuất khẩu đến các nước châu Âu.

Bên cạnh đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng sẽ là những sản phẩm có cầu tiêu dùng mạnh nhất giữa thời khủng hoảng vì dịch bệnh, mà hình ảnh các siêu thị ở các nước phương Tây hàng hóa bị vét sạch là minh chứng rõ nhất.

Do đó những nước nào vẫn giữ vững được các hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ có nhiều lợi thế trong tình hình hiện nay. Xuyên suốt lịch sử cũng đã cho thấy, ngành nông nghiệp luôn giữ một vị trí quan trọng, ngay cả những nền kinh tế phát triển nhất, công nghiệp hiện đại nhất, vẫn luôn phải duy trì các hoạt động nông nghiệp trong bất cứ giai đoạn nào.

Việt Nam là một nền kinh tế thuần nông nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử, lại có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để trồng trọt, chăn nuôi, cũng như một đường bờ biển dài mang lại sự đa dạng về các mặt hàng nông, thủy, hải sản.

Vì vậy, trong khi người dân các nước phương Tây có thể bị ám ảnh về sự thiếu hụt thực phẩm, do lo ngại các hoạt động nhập khẩu có thể bị đứt quãng hoặc thời gian vận chuyển lâu hơn, thì phần lớn các mặt hàng lương thực, thực phẩm của Việt Nam có thể tự sản xuất trong nước, khoảng cách địa lý giữa khu vực thành phố và khu vực nông thôn gần gũi nên việc tiếp tế lương thực là đảm bảo và nhanh chóng.

Chính phủ Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực chống dịch, để đảm bảo giành được quyền kiểm soát chủ động. Thực tế cho đến thời điểm này, nếu so với các quốc gia khác đã ở thế vỡ trận, Việt Nam vẫn đang cho thấy những kết quả chống dịch khá tốt, nền kinh tế dù bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhưng mọi hoạt động sản xuất vẫn đang được cố gắng duy trì.

Dù vậy, khi các ngành dịch vụ và nhiều ngành công nghiệp bị thiệt hại và gần như đình trệ, một sự chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế ngắn hạn có lẽ cần được xem xét. Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần được tập trung đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn trước mắt, không chỉ vì chúng ta có điều kiện đặc thù thuận lợi, mà còn vì đầu ra cho các sản phẩm này được đảm bảo nhất định.

Rõ ràng trong tình hình hiện nay, xu hướng thắt chặt chi tiêu là phổ biến, ít ai có nhu cầu mua sắm các mặt hàng xa xỉ, nhưng mạnh tay chi tiền để dự trữ các mặt hàng thực phẩm là điều bình thường.

Nếu có thể giữ vững và duy trì sự tăng trưởng các hoạt động sản xuất trong khu vực nông nghiệp, cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia đang thiếu hụt lương thực, thực phẩm là rất lớn, đặc biệt khi cầu tăng thì giá sẽ cao hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, như đã nói, nếu chúng ta xác định đây là cuộc chiến dài hơi, thì lựa chọn cho một nền kinh tế “thời chiến” có lẽ cũng cần được nghiêm túc xem xét, theo đó không loại trừ khả năng sẽ có nhiều mặt hàng phải đảm bảo được khả năng tự cung tự cấp.

Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, các thiết bị y tế và lương thực, thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, việc nhiều quốc gia gần đây nỗ lực tích trữ lương thực, hạn chế xuất khẩu cũng là điều tất yếu, khi không ai có thể chắc chắn được mọi thứ sẽ còn diễn tiến đến đâu và liệu sẽ còn điều gì có thể xảy ra.

Việt Nam gần đây cũng ban hành chính sách tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực, tuy nhiên quyết định này đã gặp không ít ý kiến phản đối và chỉ trích. Một số ý kiến viện dẫn những sai lầm trong cuộc khủng hoảng cách đây hơn 10 năm, khi đó giá gạo leo thang nhưng Chính phủ vì lo ngại khủng hoảng nên cũng hạn chế xuất khẩu nên đã không thể tận dụng được cơ hội.

Nhưng liệu đem một tình huống trong quá khứ để luận giải cho một kịch bản hiện tại có còn phù hợp, khi mà mọi thứ luôn thay đổi và mỗi cuộc khủng hoảng là khác nhau?

Cụ thể, nếu như cuộc khủng hoảng hơn 10 năm trước chỉ mang lại cú sốc cầu, các chính phủ sau đó đã nhanh chóng bơm tiền và kích thích để thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng quay trở lại giúp phục hồi kinh tế, thì cuộc khủng hoảng lần này đối mặt với cú sốc kép cung và cầu, cùng nỗi sợ hãi virus của toàn xã hội khiến nhiều người chấp nhận “bế quan tỏa cảng” và lựa chọn “ngồi yên” là tốt nhất.

Trong tình thế đó, dù Chính phủ có bơm tiền kích thích, chưa chắc gì các hoạt động sản xuất có thể được nhanh chóng vận hành, hay khiến niềm tin tiêu dùng quay trở lại. Khi toàn xã hội chấp nhận tạm thời đứng yên, không sản xuất, không mua sắm, nhu cầu ăn uống để tồn tại có lẽ sẽ vẫn phải được duy trì.

Hiện nay, chúng ta thật sự không biết chắc tương lai sẽ như thế nào. Chỉ cách đây hơn một tháng, khi Việt Nam khống chế dịch bệnh lây lan dừng lại ở con số 16, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh phát triển du lịch kết hợp y tế để thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam, một đất nước an toàn giữa thời dịch bệnh. Nhưng thực tế là hiện nay chúng ta thậm chí phải ngừng các hoạt động xuất nhập cảnh, ngay cả với Việt kiều, du học sinh về từ các vùng dịch.

Hay như câu chuyện cho học sinh đi học trở lại, những tranh cãi gay gắt, viện dẫn các nước khác vẫn cho học sinh tiếp tục đến trường để ủng hộ phương án sớm cho học sinh đi học. Nhưng thực tế là cho đến lúc này, không chỉ học sinh phải ở nhà, mà người lao động tại nhiều công ty buộc phải làm việc tại nhà để đảm bảo an toàn, các khu vực bị cách ly ngày càng rộng hơn. Trong khi đó, những quốc gia mà các ý kiến viện dẫn nêu ra trước đây, sau đó đã buộc phải đóng cửa trường học. Rõ ràng mọi thứ hiện nay đều là bất định và thực tế không thể nói trước được điều gì.

Trở lại với câu chuyện xuất khẩu gạo, các nhà kinh tế có thể đứng dưới góc nhìn kinh tế để cân đo đong đếm theo lợi ích kinh tế, những chuyên gia nông nghiệp có thể nhìn nhận dưới góc nhìn lợi ích của người nông dân, những nhóm lợi ích có thể ủng hộ các phương án có lợi nhất cho họ. Tuy nhiên, một chính sách cần phải được đánh giá, nhìn nhận lợi ích trên góc độ toàn xã hội và thay đổi dựa trên thực tiễn trong mỗi thời kỳ, chứ không chỉ cho riêng bất kỳ một phân khúc, đối tượng nào.

Dĩ nhiên, nếu Chính phủ ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực, thì phải nhanh chóng mua đủ số lượng gạo cần thiết theo tiêu chuẩn an ninh cao hơn dựa trên thực trạng hiện nay, đảm bảo theo mức giá thị trường, chứ không phải lợi dụng chính sách ngừng xuất khẩu để ép giá nông dân, hay để chuyển gánh nặng thiệt hại của một số doanh nghiệp xuất khẩu đã lỡ ký hợp đồng bán gạo với giá thấp trước đây sang cho người nông dân gánh chịu như một số phân tích đã nêu ra.

Ngoài ra, an ninh lương thực không chỉ gói gọn riêng trong sản phẩm gạo, mà còn ở nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm khác, cũng nên sớm có các chiến lược phát triển hợp lý trong dài hạn.

Hồ Lê

Theo TBKTSG

largeer