Cổ phiếu YEG “miệt mài” quay đầu về mệnh giá

Thứ hai, 12/08/2019, 09:56 AM

Lên sàn với giá cao ngất ngưỡng 300.000 đồng/cổ phiếu, sau một năm, cổ phiếu YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 chỉ còn 49.000 đồng/cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư lao đao. Dường như YEG đang trên đường tuột dốc về mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) vì Yeah1 đang sống “ký sinh” trên Google và YouTube là chính.

Vừa lên sàn, YEG trở thành cổ phiếu cao giá nhất thị trường nhưng đến nay đã mất 86% giá trị. Ảnh: Bá Thụy

Vừa lên sàn, YEG trở thành cổ phiếu cao giá nhất thị trường nhưng đến nay đã mất 86% giá trị. Ảnh: Bá Thụy

Cổ phiếu giảm 86%, thổi bay hơn 9.000 tỷ đồng

Được thành lập từ năm 2006, Yeah1 khởi đầu là trang thông tin điện tử cung cấp thông tin cho giới trẻ với doanh thu 150 USD và 40 ngàn lượt xem. Đến thời điểm niêm yết, Yeah1 hoạt động với mảng kinh doanh truyền thống và mảng kỹ thuật số trên nền tảng YouTube và Google - đây là nguồn mang lợi nhuận chính của công ty.

Yeah1 là 1 trong 5 đối tác được khai thác tất cả các nền tảng của Google. Với YouTube, công ty đang là đối tác đa kênh (MCN) đứng đầu tại châu Á và đứng thứ 6 toàn cầu tính theo lượng xem. Tại Việt Nam, mạng lưới của Yeah1 sở hữu hơn 1.000 kênh YouTube và chiếm hơn 25% tổng số lượng lượt xem, đứng toàn ngành ở châu Á.

Yeah1 cho biết, quảng cáo trực tuyến trên thế giới chiếm thị phần 44% nhưng tại Việt Nam chỉ mới ở mức sơ khai. Với kỳ vọng tăng trưởng kép 30%/năm thì đến năm 2020, quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam sẽ có doanh số 190 triệu USD.

Và ban lãnh đạo Yeah1 cũng như đối tác tư vấn niêm yết là CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã “vẽ” ra kế hoạch kinh doanh hoành tráng với tốc độ tăng trưởng kép cùng doanh thu là 44,83% và lợi nhuận sau thuế 93,1% cho giai đoạn 2017-2022.

Dự kiến đến năm 2022, công ty sẽ đạt doanh thu 7.756 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.110 tỷ đồng. Vì vậy, công ty đưa ra mức giá tham chiếu 250.000 đồng/cổ phiếu cho phiên giao dịch đầu tiên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Ngay trong phiên chào sàn HOSE ngày 26/6/2018, cổ phiếu YEG tăng trần lên 300.000 đồng/cổ phiếu. Với khối lượng bán nhỏ giọt, YEG tăng lên 342.000 đồng/cổ phiếu ít ngày sau đó nhưng nhanh chóng lao dốc không phanh, hiện chỉ còn 49.000 đồng/cổ phiếu sau 14 tháng trên sàn chứng khoán. Trong giai đoạn này, giá trị vốn hóa của công ty bốc hơi 9.165 tỷ đồng, mất 86% giá trị.

Giá cổ phiếu YEG trong hơn một năm qua.

Giá cổ phiếu YEG trong hơn một năm qua.

Cú lừa siêu vĩ đại

“Cú lừa siêu vĩ đại” - đó là lời than vãn của một số nhà đầu tư trên sàn chứng khoán khi tham gia bắt đáy theo tiếng gọi của Yeah1. Việc cổ phiếu lao dốc không phanh sau khi lên sàn chứng khoán không phải là hiếm. Trường hợp điển hình nhất là cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam. Lên sàn HOSE vào đầu năm 2008 với giá 96.000 đồng/cổ phiếu, VHG lao dốc triền miên, hiện nay chỉ còn 1.000 đồng/cổ phiếu và đang lay lắt tại thị trường UPCoM. Cổ đông của VHG gần như mất trắng sau gần 12 năm nắm giữ.

Google và YouTube là những nền tảng cực kỳ nổi tiếng trên mạng internet và Yeah1 đang “ký sinh” để phát triển. Một YouTuber chia sẻ: Có view là có tiền nhưng để có view cao là điều không hề đơn giản.

Video chất lượng chứa nhiều kiến thức, có giá trị với cộng đồng thì view thấp. Để có view cao, video phải thật sốc, trái với lẽ đời để thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, view của mọi video đều phụ thuộc vào thuật toán của YouTube mà các YouTuber không có quyền kiểm soát. Không hề tạo ra một công việc kinh doanh riêng, YouTuber chỉ là một dạng nô lệ của YouTube. YouTube thay đổi thuật toán, view giảm, toàn bộ sự nghiệp của YouTuber sẽ tiêu tan.

Yeah1 phải trả giá đắt khi YouTube chấm dứt quan hệ hợp tác MCN từ tháng 5/2019. Bởi trang chia sẻ video phát hiện ra các công ty con của Yeah1 lặp lại các hành vi vi phạm nghiêm trọng đến quy định của YouTube. Việc dừng hợp tác để bảo đảm sự an toàn cho người xem cũng như những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1 cho rằng, YouTube chỉ chiếm phần nhỏ trong hệ sinh thái của Yeah1 và trấn an cổ đông bằng việc công ty sẽ mua cổ phiếu quỹ để bình ổn thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nghĩ vậy, cổ phiếu YEG giảm sàn 13 phiên liên tiếp từ 245.000 đồng/cổ phiếu về còn 95.700 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, YEG có phục hồi nhẹ nhưng tiếp tục giảm sâu bất chấp Yeah1 chi 141 tỷ đồng để mua 1.774.340 cổ phiếu quỹ với giá mua bình quân 79.748 cổ phiếu.

Quý đầu tiên sau sự cố YouTube, Yeah1 bất ngờ báo lỗ đến 101 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, công ty đạt doanh thu 743 tỷ đồng và lỗ 94 tỷ đồng. So với kế hoạch 2.000 tỷ doanh thu, Yeah1 mới thực hiện được 37% và con đường đi đến đích lợi nhuận 180 tỷ đồng trở nên xa hơn rất nhiều.

Cánh tay phải của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett là Charlie Munger đã từng nói: Chúng tôi không thích các khoản tài sản không bằng tiền nằm ở bên thứ ba rủi ro vào cuối kỳ, mỗi lần chúng tôi đụng đến chúng, hình như chúng đều bốc hơi cả! Thật vậy, ngày 8/1, Yeah1 đã mua lại toàn bộ cổ phần sở hữu Công ty ScaleLad LCC có trụ sở tại Mỹ (ScaleLab) với giá 12 triệu USD (277,9 tỷ đồng) chưa kể chi phí thẩm định đầu tư và sắp xếp các khoản vay. Đến ngày 8/3, Yeah1 quyết định bán 100% cổ phần tại ScaleLab để bảo toàn vốn đầu tư và bảo đảm lợi ích cao nhất cho cổ đông.

Ngay sau đó, HĐQT công ty quyết định trích lập dự phòng 83,4 tỷ đồng khoản chuyển nhượng tại ScaleLab và giao cho ban giám đốc tiến hành các biện pháp thu hồi 194,5 tỷ đồng trong tương lai. Có khả năng 194,5 tỷ đồng này sẽ được... trích lập dự phòng trong thời gian tới.

Nhà đầu tư lo ngại mô hình “xây nhà trên đất người khác” của Yeah1 tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ phản ứng dây chuyền đã khiến YEG nằm trên lộ trình trở về nơi bắt đầu 10.000 đồng/cổ phiếu.

TRÍ NGUYỄN

Theo NTD

largeer