Coi chừng mua nhầm viên nang… tinh dầu giả

Thứ sáu, 19/05/2017, 09:33 AM

Chị Minh (ngụ Quận 3) bị ho, đau họng nên tìm mua viên nang tinh dầu về uống, xông và vô tình phát hiện ra viên nang trên thị trường không ít loại là… tinh dầu giả.

Tinh dầu xanh nhưng lại có màu trắng

Chị Minh cho biết, trước đây hễ bị ho, đau họng, chị thường mua viên tinh dầu có màu xanh lục - đó là màu của phần tinh dầu tần dày lá thiên nhiên chứa bên trong giúp giảm ho, đau họng, sát trùng đường hô hấp; hỗ trợ điều trị cảm cúm, sổ mũi… về uống.

Lần này, do có thêm triệu chứng nghẹt mũi, chị Minh cắt đôi viên tinh dầu ra để xông mũi. Chị vô cùng ngạc nhiên khi thấy chất lỏng bên trong lại có màu trắng trong suốt thay vì màu xanh của tần dày lá. Màu xanh bấy lâu nay chị nghĩ hóa ra là màu lớp vỏ bao tạo ra.

Viên tinh dầu tần dày lá, gừng nếu chiết xuất từ thiên nhiên phải có màu.

Từ lời kể của chị Minh, chúng tôi tìm hiểu thị trường thì mới phát hiện, không ít viên nang tinh dầu giảm ho có màu xanh lục, giới thiệu chứa Eucalyptol, Menthol, tinh dầu gừng, tinh dầu tần dày lá… nhưng bên trong tinh dầu lại có màu trắng trong suốt.

Tại nhà thuốc T.H (đường Bùi Văn Thủ, H.Hóc Môn), khi hỏi mua viên nang tinh dầu giảm ho, chủ tiệm lấy ra vỉ viên nang có màu xanh rồi nói: Đây là loại tốt nhất, do có chứa tinh dầu tần dày lá nên giúp giảm ho nhanh chóng. Tôi thường bán kèm với các liều thuốc cảm, sốt. Nhưng cũng có khách mua cả vỉ. Do chỉ chứa tinh dầu nên rất an toàn, có thể uống bao nhiêu cũng được.

Khi chúng tôi hỏi chủ tiệm, màu xanh của viên nang là màu tinh dầu hay màu vỏ bao. Chủ tiệm cứ ấp úng trả lời: "Chắc màu tinh dầu đó, vì được làm từ tần dày lá".

Còn tại nhà thuốc N.P (đường Nguyễn Thượng Hiền, Q.3), nhân viên lấy cho chúng tôi vỉ tinh dầu rồi khẳng định: Màu xanh đó là tinh dầu chứ không phải vỏ bao.

Tuy nhiên, khi cắt đôi các viên nang tinh dầu mua tại các nhà thuốc trên thì phát hiện chất lỏng bên trong trong suốt, không màu; không có mùi hương đặc trưng của tinh dầu tần dày lá thiên nhiên, thậm chí có loại tạo ra mùi ngai ngái rất khó chịu. Màu xanh mà mọi người nhìn thấy vốn là màu của lớp vỏ bao.

Tinh dầu thật có mùi thơm rất dễ chịu, lưu hương lâu

BS Huỳnh Tấn Vũ – giảng viên bộ môn Y học Cổ truyền ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, trong tinh dầu tần dày lá có đến 65,2% các hợp chất phenolic trong đó có salicylat, thymol, carvacrol, eugenol và chavicol; còn có một chất màu đỏ là colein. Tinh dầu tần với thành phần chủ yếu là carvacrola có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với Staphylococcus, Streptococcus, Pneumococcus, Diphteri…

Nhiều viên tinh dầu mua trên thị trường có tinh chất màu trắng trong suốt.

Riêng trong một viên nang tinh dầu bán tại các nhà thuốc tây, trong mỗi viên thường có nhiều thành phần được tổng hợp, tùy theo tỷ lệ mà viên nang có màu đặc trưng khác nhau, nhưng phải có màu chứ không thể trong suốt được:

Cineol (hay Eucalyptol) có tính sát khuẩn, trị viêm cuống phổi, long đàm, hạ sốt. Tinh dầu là chất lỏng màu vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng của khuynh diệp.

Tinh dầu tần với thành phần chủ yếu là carvacrola có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với Staphylococcus, Streptococcus, Pneumococcus, Diphteri v.v... có màu vàng nhạt.

Menthol - thành phần chủ yếu trong tinh dầu Bạc hà, có tác dụng sát trùng mạnh ở tai, mũi, họng, làm dịu cơn đau họng, hạ sốt, ra mồ hôi. Tinh dầu bạc hà có màu vàng nhạt.

Tinh dầu gừng có tác dụng tiêu đàm, chống nôn, chữa ho khan tiếng, ho cảm cúm. Tinh dầu gừng có màu vàng nhạt.

Với những thành phần kể trên thì viên nang tinh dầu chiết xuất từ tần dày lá, gừng, menthol… phải có màu. Hiện trên thị trường có hai loại viên nang tinh dầu: từ thiên nhiên và tổng hợp.

Tinh dầu tổng hợp sẽ có hai loại: Một loại bị pha trộn các dung môi làm tinh dầu nhạt đi nhưng mùi thơm sẽ tăng lên, rất nồng nhờ sự khếch tán mạnh của dung môi.

Loại thứ hai là tinh dầu hương liệu được tạo nên từ mùi hương tổng hợp. Cả hai loại này khi cắt đôi viên nang ra có mùi thơm nồng, gắt nhưng hương thơm này sẽ không lưu giữ lâu.

Nếu viên nang tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên phải có mùi thơm đặc trưng của tinh dầu tần dày lá, tạo cảm giác thư giãn, dễ chịu. Khi cắt đôi viên nang, mùi thơm tinh dầu không nồng nặc, rất nhẹ nhàng nhưng lại lưu giữ mùi hương rất lâu so với tinh dầu tổng hợp.

Khi nếm, phần chất lỏng này có vị đắng và cay nhẹ của tinh dầu; đồng thời xông vào họng, lên mũi cho cảm giác sảng khoái, thông mũi, giảm triệu chứng đau - nóng rát ở cổ họng (nếu đang bị viêm).

Vì vậy, nhằm tránh “tiền mất tật mang”, người dùng nên tìm hiểu kỹ về loại tinh dầu mình sắp sử dụng để tìm cho mình sản phẩm viên nang mềm trị ho chứa tinh dầu thật.

Theo Thanh Hoa (PNO)

Thu Thủy
Từ khóa:

largeer