Coi chừng nhiễm độc chì vì dùng son M.A.C giả

Chủ nhật, 05/11/2017, 08:23 AM

Là dòng mỹ phẩm được nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng, son M.A.C vì thế bán rất đắt hàng ở các shop mỹ phẩm tại TP.HCM. Đây cũng là lý do khiến những gian thương bán son M.A.C giả tràn lan trên thị trường. Trong số này, Báo Người Tiêu Dùng mời bạn đọc cùng tìm hiểu những đặc điểm phân biệt giữa son M.A.C thật và giả.

Ở cây son giả (bên trái), chữ M.A.C chỉ có màu trắng mờ nhạt hơn hàng thật và in nổi trên thân cây son với đường viền chữ không sắc nét.

Vừa thấy tôi bước vào cửa, chị N.H, chủ cửa hàng mỹ phẩm X nằm trên đường Âu Dương Lân, Q.8 đã chạy ra mời chào. Chị H giới thiệu với tôi đủ các loại son nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến son của hãng M.A.C. Theo chị H, đây là dòng son có tone màu phong phú cho khách hàng lựa chọn với giá chỉ 210.000 đồng/thỏi.

Tuy nhiên, khi cầm thỏi son M.A.C mà chị H đưa, tôi thấy vỏ của sản phẩm này có phần bị xước và bong chữ. Hơn nữa, trong khi giá của một thỏi son M.A.C bán ở các cửa hàng mỹ phẩm khác lên đến hơn 500.000 đồng thì ở đây lại chỉ bán với giá chưa bằng một nửa.

Bày tỏ sự thắc mắc này với chị H, tôi nhận được câu trả lời như sau: “M.A.C là dòng son xách tay, trong quá trình vận chuyển nên có chút trầy xước. Về giá cả, do chị lấy tận nơi sản xuất bên Mỹ và nhờ người nhà mang về Việt Nam nên mới rẻ hơn ngoài thị trường”.

Lúc này, đứng bên cạnh tôi là một em gái chừng 17, 18 tuổi. Em này đến cửa hàng X sau tôi nhưng đã quyết định mua ngay một thỏi son M.A.C sau khi được chị H tư vấn mà không cần phân vân. Khi tôi hỏi tại sao em lại đưa ra lựa chọn nhanh như thế thì em gái đáp rằng: “Em thấy nhiều người ta dùng đầy ra đó. Hơn nữa, em còn đi học nên không có nhiều tiền. Giá tiền của một thỏi son M.A.C ở đây lại không quá mắc, em có thể mua được”.

Trước việc có khá nhiều người tiêu dùng “nhắm mắt” mua son giá rẻ, tôi đã có cuộc gặp mặt với chị Lê Thanh Thúy, chủ Spa Hương tre tại Q.3. Qua trao đổi, chị Thúy cho biết son M.A.C giả được thiết kế rất tinh xảo. Để phân biệt, đầu tiên phải dựa vào dòng chữ M.A.C được khắc chìm, ở cây son giả hoàn toàn không có điểm này, chữ M.A.C thường chỉ có màu trắng và in nổi trên thân cây son với đường nét khá to, thô.

“Điểm dễ dàng nhận biết thứ 2 là chữ C. Vòng cung của chữ C ở thỏi son giả được khắc nhỏ hơn, không đều và sát dấu chấm hơn là thỏi M.A.C thật. Ngoài ra, chấm tròn nhỏ trên thân cây son giả rất dễ bong tróc, tạo thành lỗ đen nhỏ khi mở nhiều lần nhưng hàng thật thì các chi tiết nhỏ rất chắc chắn, lớp tráng bạc phủ trên dấu chấm ở thân cây son thật cũng rất tinh tế và đều màu” - chị Thúy nhấn mạnh.

Cũng theo chị Thúy, một cách nhận biết đơn giản nữa là thỏi son M.A.C giả thường chỉ có một con số được dán dưới đáy thỏi son để phân biệt các màu thôi chứ không ghi rõ tên màu, nơi sản xuất như thỏi thật.

Điểm đặc biệt khi mở nắp son thật chính là mùi hương như kẹo, ngọt ngào dễ chịu. Đối với son MAC giả sẽ không có mùi thơm, thậm chí khi ngửi kỹ sẽ thấy hăng hắc. Bên cạnh đó, chất son M.A.C thật rất mịn, không có dấu hiệu sần sùi như son giả.

Điều lạ thường mà người mua phải chú ý chính là thành phần có trong son gồm: Chì, Retinyl palmitate, Methylparaben, propylparaben… Đối với các loại son của các nhãn hiệu uy tín trên thế giới, hàm lượng của các chất này được nghiên cứu và phân chia tỷ lệ thích hợp. Còn với các loại son giả, do sản xuất không đúng quy trình và không trải qua bất kỳ khâu kiểm soát chất lượng nguyên liệu nên các thành phần tạo thành son có thể sẽ gây hại cho sức khỏe người dùng. Cụ thể là nguy cơ nhiễm độc hóa chất, nguy hiểm hơn là nhiễm độc chì. Nếu dùng son giả trong thời gian dài có thể dẫn đến các tình trạng viêm da, mẩn ngứa, dị ứng, thậm chí bị kích ứng…

Chị Thúy khuyên người tiêu dùng nên đến các cửa hàng mỹ phẩm uy tín để chọn mua những sản phẩm chất lượng. Không nên ham hàng giá rẻ để phải đánh đổi bằng những hậu quả khôn lường cho sức khỏe.

Ngọc My

Theo Người Tiêu Dùng

Nguyễn Như
Từ khóa:

largeer