Còn nhiều dư địa xuất khẩu hàng chủ lực của Việt Nam vào Đông Âu

Thứ bảy, 11/05/2019, 12:58 PM

Khu vực Đông Âu vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống của hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt các mặt hàng như dệt may, da giày và nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Đông Âu ngày 8/5. Ảnh: Kim Ngọc

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Đông Âu ngày 8/5. Ảnh: Kim Ngọc

Ngày 8/5 tại TP.HCM Bộ Công thương đã tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam – Đông Âu nhằm cung cấp những thông tin về các quy định, yêu cầu và các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường truyền thống này.

Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á- Âu (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan) có hiệu lực từ năm 2016 đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho các bên tham gia. Kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2019 đạt gần 5 tỷ USD tăng hơn 26% so với năm 2017.

Năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước Đông Âu đạt 10,1 tỷ USD (chỉ chiếm 2,65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam). Đây được cho là chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của 2 bên.

Hiện nay hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước Đông Âu chủ yếu là dệt may, da giày và nông sản. Tuy nhiên việc xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex cho biết, thị trường Đông Âu không đòi hỏi quá cao về dư lượng thuốc trừ sâu, vi sinh…trong các sản phẩm về nông nghiệp, thực phẩm nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong vấn đề vận chuyển, thanh toán. Việc vận chuyển các sản phẩm nông sản nhiệt đới sang khu vực hàng đới và phải bảo quản tốt cũng là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp Việt.

“Khó khăn nhất trong giao dịch với các nước Đông Âu là phương thức thanh toán. Bởi ở khu vực này các doanh nghiệp nhỏ phải đặt cọc, độ tin cậy giữa các doanh nghiệp không cao. Thường thì chúng tôi phải bán vòng qua các nước Tây Âu rồi về lại Đông Âu nhất là mặt hàng cà phê.”, ông Nam nói.

Hai mặt hàng dệt may và da giày xuất khẩu của Việt Nam cũng được thị trường Đông Âu ưa chuộng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam Lefaso năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm da giày của Việt Nam sang các nước Đông Âu còn rất khiêm tốn, chỉ đạt 361 triệu USD, chiếm 1,8% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành da giày.

Dù còn không ít trở ngại nhưng Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Vượng cho biết, tốc độ tăng trưởng mang lại tín hiệu tích cực khi tăng trưởng tốt. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng năm 2018 tăng 30,5% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD (tăng 28,6%) và nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD (tăng hơn 33%).

“Tôi cho rằng còn nhiều cơ hội, dự địa lớn cho tăng trưởng thương mại 2 bên nhờ mối quan hệ hữu nghị lâu năm”, ông Vượng nhấn mạnh.

Đến hết quý 1/2019, có 13 nước thuộc khu vực Đông Âu đầu tư tại Việt Nam với 254 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 1.500 triệu USD trong đó đứng đầu là Nga với tổng số vốn đăng ký 954 triệu USD.

Kim Ngọc

Theo PLN

largeer