Công nghệ nhà máy thông minh “gõ cửa” doanh nghiệp Việt

Thứ năm, 19/07/2018, 18:49 PM

Ngày 19,7 tại TPHCM, Bosch Rexroth 1 trong 100 thương hiệu lớn nhất thế giới đã cho trình làng các sản phẩm công nghệ và hệ thống các mô hình sản phẩm công nghệ của nhà máy thông minh trong sản xuất. Dù mới chỉ là giai đoạn “gõ cửa” doanh nghiệp nhưng với tính thông minh và tích hợp của các công nghệ này, dự báo nếu được áp dụng sẽ đáp ứng nhiều yêu cầu nhiều lĩnh vực chủ lực ở Việt Nam trong xu thế công nghiệp 4.0 hiện nay.

Tiếp cận thành tựu 4.0

Ảnh sản xuất thông minh, con đường duy nhất để phồn vinh (Nguồn: Internet)

Ảnh sản xuất thông minh, con đường duy nhất để phồn vinh (Nguồn: Internet)

Thuật ngữ Sản xuất thông minh (smart manufacturing) hay nhà máy sản xuất thông minh bao hàm việc ứng dụng CNTT tới mọi khía cạnh của quy trình sản xuất hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian và bảo vệ môi trường. Trong xu thế CMCN 4.0, sản xuất thông minh (SXTM) chính là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và công nghệ sản xuất để tối ưu hóa các quy trình nhằm đáp ứng sự biến đổi năng động của thị trường. Trong SXTM, mọi thứ được kết nối thông qua các thiết bị như cảm biến hoặc RFID. Các sản phẩm, công đoạn sản xuất, máy móc, công cụ… được tổ chức và liên lạc với nhau để nâng cao sản lượng và hiệu quả của quá trình sản xuất trong một hay thậm chí nhiều nhà máy, nhiều công ty.Hiểu đơn giản hơn, nhà máy thông minh là các máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất.

Trong đó, sản xuất thông minh (ứng dụng công nghệ, quy trình thông minh vào sản xuất và quản trị) đang phát triển rầm rộ trên thế giới và Đức là 1 trong số các quốc gia đi đầu trong việc khởi xướng cuộc cách mạng này.Theo Ông Lê Trí Tín, Giám đốc kinh doanh bộ phận truyền động và điều khiển Bosch Rexroth cho biết, hệ thống nhà máy thông minh hiện nay hoạt động theo quy trình hoàn toàn tự động hóa, sản xuất linh động nhiều biến thể của sản phẩm mà không phải tốn nhiều quy trình sản xuất như bình thường. Một trong những lĩnh vực có thể thành công mạnh mẽ nếu ứng dụng tốt mô hình này là lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ô tô xe máy. “Ví dụ sản xuất ô tô có nhiều model với nhiều màu sắc, khi nhà máy nhận đơn hàng với nhiều màu sắc thay vì mỗi line chỉ sản xuất được 1 màu thì industry 4.0 này sẽ đồng loạt sản xuất tất cả các màu theo yêu cầu cùng 1 lúc”, ông Tín chia sẻ.

Ông Tín chia sẻ về nhà máy thông minh (Ảnh: Kim Ngọc)

Ông Tín chia sẻ về nhà máy thông minh (Ảnh: Kim Ngọc)

Tại sự kiện Factory Automation Technology Day lần này, Bosch Rexroth mang đến những công nghệ tự động hóa kết nối hiện đại, bao gồm Sản phẩm/Thiết bị nổi bật, bao gồm:

Công nghệ Nhà máy thông minh

Hiện thực hóa thông qua phần mềm ActiveCockpit, nền tảng giao tiếp trong các ngành công nghiệp sản xuất. Phần mềm ActiveCockpit ghi nhận, xử lý và hiển thị hóa dữ liệu sản xuất trong thời gian thực và hiển thị thông tin lên màn hình cảm ứng hay máy tính bảng. Qua đó, các ứng dụng Công Nghệ Thông Tin như lập kế hoạch sản xuất, quản lý chất lượng dữ liệu và gửi e-mail được kết nối trực tiếp với các phần mềm của máy móc và hệ thống; góp phần tối ưu hóa quy trình và gia tăng hiệu suất.

Công nghệ IoT Gateway

Sẵn sàng cho Công nghiệp 4.0 IoT Gateway giúp các nhà máy kết nối dễ dàng hơn với môi trường Công nghiệp 4.0 mà không can thiệp vào logic tự động hóa. Sự kết hợp chính xác giữa các phần mềm và phần cứng điều khiển trong các ứng dụng công nghệ thông tin giúp thu thập dữ liệu về cảm ứng và quy trình, truyền đến MES (Manufacturing Execution System - Hệ thống quản lý sản xuất), các ứng dụng đám mây hoặc các hệ thống giám sát máy móc, và đồng thời thúc đẩy quá trình phân tích dữ liệu.

 Hệ thống thiết bị Huấn luyện cơ điện tử dạng Module mMS 4.0. Ảnh: Kim Ngọc

 Hệ thống thiết bị Huấn luyện cơ điện tử dạng Module mMS 4.0. Ảnh: Kim Ngọc

 Công nghệ "Nền tảng mở" (Open Core Engineering)

Một giải pháp tương lai của nền Công nghiệp 4.0: cho phép Công Nghệ Thông Tin kết nối trực tiếp đến Hệ Thống Điều Khiển Tự Động Hóa. Do đó, Tự Động Hóa và Công Nghệ Thông Tin được kết hợp với nhau một cách dễ dàng. Với Giao Diện Nền Tảng Mở (Open Core Interface), Bosch cung cấp một giao diện độc đáo: tăng cường mức độ tiếp cận đến các điều khiển lõi với nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, đồng thời cho phép tích hợp các thiết bị thông minh vào các hệ thống tự động hóa. Ngoài ra, chức năng điều khiển thời gian thực có thể được tạo ra một cách độc lập và nhanh chóng.

 Công nghệ Truyền động & Điều khiển điện

Doanh nghiệp hứng thú với dây chuyền gắp thả sản phẩm tự động (Ảnh: Kim Ngọc)

Doanh nghiệp hứng thú với dây chuyền gắp thả sản phẩm tự động (Ảnh: Kim Ngọc)

Công nghệ truyền động và điều khiển điện Bosch Rexroth cung cấp các giải pháp hoàn chỉnh và hiện đại nhất cho ứng dụng PLC, CNC cho đến các hệ thống điều khiển truyền động, bao gồm thiết bị điều khiển điện tử, máy tính công nghiệp IPC, màn hình HMI, thiết bị vào/ra, biến tần servo, động cơ servo và biến tần; góp phần kiểm soát toàn bộ hệ thống.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp Việt khá hào hứng khi tận mắt chứng kiến các quy trình và mô phỏng quy trình hoạt động của các chuỗi công nghệ lần này. Tuy nhiên để đầu tư hiệu quả với những công nghệ hiện đại và tiện ích như vừa phân tích thì nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ vẫn còn tỏ ra lo ngại về nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện về vốn.

“ Sự chỉ đạo yêu cầu thúc đẩy phát triển 4.0 vừa rồi của Thủ tướng chính phủ ai cũng muốn đẩy mạnh nhưng để phát triển cần đầu tư tổng thể ban đầu, tránh làm manh mún nhỏ lẻ khó kết nối, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam còn hạn chế vốn, khó đầu tư vào các chuỗi công nghệ cao này. Bên cạnh đó, việc thay đổi quy mô, quy trình vận hành nhanh chóng cũng còn khá mới lạ và khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi có trình độ lao động và quản lý còn ở mức chưa cao”. Ông Nguyễn Nam Giang, Giám đốc điều hành công ty Cổ phần công nghệ Quỳnh chia sẻ.

Nhiều chuyên gia nhận định, để nhanh chóng tiếp cận được với nhà máy sản xuất thông minh, một trong những thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng 4.0 này, các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp trong nước cần thay đổi tư duy trong quá trình đầu tư dây chuyền sản xuất, nhận rõ nguy cơ tụt hậu và khó cạnh tranh sản phẩm với các quốc gia ứng dụng mạnh mẽ sản xuất thông minh hiện nay. Ngoài ra sự đầu tư thay đổi cũng cần ở mức toàn diện với sự hỗ trợ về vốn, chính sách từ phía các đơn vị quản lý kinh tế nước ta.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer