Cuộc chiến điện toán đám mây giữa Amazon và Alibaba: Phần thắng thuộc về ai?

Thứ hai, 06/05/2019, 10:20 AM

Mở rộng dịch vụ điện toán đám mây tại châu Á – thách thức và cũng là cơ hội của cả Amazon và Alibaba.

Sẵn sàng cho cuộc chiến giành thị phần với đối thủ

Dù tháng trước vừa thông báo về việc rút các hoạt động bán lẻ trực tuyến khỏi thị trường Trung Quốc, Amazon đặt cược khả năng có thể mở rộng hoạt động điện toán đám mây tại quốc gia này.

Ngày 25/4, nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới tuyên bố công ty điện toán đám mây, Amazon Web Services (AWS), đã bước chân vào thị trường thứ 8 tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương với việc mở một trung tâm dữ liệu tại Hong Kong.

"Việc kinh doanh tại Trung Quốc đang diễn ra rất tốt và chúng tôi tiếp tục nhìn thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ ở đó", Giám đốc tài chính Amazon Brian Olsavsky chia sẻ.

Nhưng trong khi Amazon lạc quan về nhu cầu dịch vụ đám mây trong khu vực, hãng này phải đối mặt với một đối thủ quen thuộc là Alibaba - công ty nắm giữ thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Đó thật sự là một thách thức.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ hy vọng hoạt động mới tại Hong Kong sẽ giúp công ty vươn lên trong cuộc chiến giành thị trường dịch vụ đám mây của khu vực. Amazon cũng đang chú ý mở rộng thêm ở châu Á và tự tin rằng mình sẽ là người tiên phong trong lĩnh vực.

Ảnh: Reuters.

Ảnh: Reuters.

Amazon có lý do chính đáng để “để mắt” đến các đối thủ mới nổi. Thị trường dịch vụ đám mây đã trở nên “tấp nập” hơn nhiều so với khi AWS lần đầu tiên ra mắt vào năm 2006. Vào thời điểm đó, Microsoft là người chơi lớn duy nhất.

Theo công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu Gartner, AWS vẫn là công ty hàng đầu về Cơ sở hạ tầng như một Dịch vụ, hay IaaS, thị trường đám mây, chiếm 51,8% thị phần toàn cầu trong năm 2018. Con số này cao gấp đôi so với 4 nhà cung cấp lớn nhất tiếp theo cộng lại. Alibaba Cloud đứng thứ 3 trong báo cáo, với 4,9% thị phần, tăng từ 3,4% so với năm trước.

Tuy nhiên, ở khu vực châu Á, câu chuyện lại có hơi hướng khác. Alibaba Cloud đang chiếm 19,6% thị trường, so với 11% của AWS và 8% cho Microsoft.

Alibaba có lợi nhờ vị thế sân nhà?

Một trong những lợi thế lớn nhất của việc trở thành "chủ nhà" đến từ các quy định của chính phủ. Những quy định này tạo ra rào cản cho các công ty nước ngoài khi gia nhập cuộc chơi.

Năm 2017, Bắc Kinh ban hành một loạt luật an ninh mạng yêu cầu các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu tại địa phương và cho các công ty của Trung Quốc thuê lại công nghệ. Do đó, AWS và các nhà cung cấp dịch vụ đám mây nước ngoài khác buộc phải hợp tác với các đối tác nội địa và chỉ có thể cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của họ ở Trung Quốc bằng cách cấp phép công nghệ của họ cho các đối tác này.

AWS đã làm việc với 2 nhà cung cấp nội địa, một ở Bắc Kinh và một ở tỉnh Ninh Hạ. Tháng trước, AWS công bố sẽ mở thêm 3 trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quy định không phải lợi thế lớn nhất của Alibaba Cloud ở quê hương. Thay vào đó là hệ sinh thái kinh doanh mà Alibaba tạo ra trong những năm qua. Theo CrunchBase, Alibaba đã đầu tư vào hơn 157 công ty tại Trung Quốc, với tổng trị giá hơn 12,8 tỷ USD.

Những khoản đầu tư đã giúp xây dựng một đế chế kinh doanh mở rộng bao gồm các lĩnh vực trong ngành công nghiệp, ở mọi nơi và các công ty ở tất cả các giai đoạn phát triển. Mục tiêu của đế chế này, theo sứ mệnh của Alibaba, là "cho phép các doanh nghiệp nhỏ tận dụng sự đổi mới và công nghệ để phát triển". Nó cũng đã tạo ra một cơ sở khách hàng khá lớn cho Alibaba Cloud, trở thành một lựa chọn ưa thích của các công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty mà Alibaba đầu tư.

Ngược lại, AWS sẽ có lợi thế trong việc giành chiến thắng trước các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc và đã sử dụng các sản phẩm của AWS ở các nơi khác bên ngoài đất nước tỷ dân này.

Theo công ty nghiên cứu tình báo thị trường IDC, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường dịch vụ đám mây lớn thứ 2 vào năm 2019, trị giá 10,5 tỷ USD. Đất nước này cũng sẽ trở thành thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, dự kiến 44,9%/năm trong 5 năm tới. Amazon cho biết, Trung Quốc đại lục là một trong những khu vực kinh doanh lớn nhất của AWS và là một trong những cơ hội dài hạn lớn nhất cho công ty.

Đông Nam Á – Thị trường tiềm năng cho tất cả các bên

Trong khi Alibaba là đội chủ nhà tại Trung Quốc, thì đối với thị trường Đông Nam Á, cả 2 đối thủ này đều chỉ là “khách đến chơi”. Và ở đây, Amazon chắc chắn có nhiều hy vọng.

So với AWS, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Alibaba Cloud hiện có mạng lưới rộng hơn, với 15 trung tâm dữ liệu bên ngoài Trung Quốc đại lục, bao gồm các thị trường Hong Kong, Singapore, Australia, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản. Đây cũng là nhà cung cấp đám mây duy nhất đã thành lập các trung tâm dữ liệu địa phương ở Indonesia và Malaysia.

Với việc Amazon và Alibaba tăng tốc mở rộng đã tạo ra một môi trường cạnh tranh có lợi, thúc đẩy các công ty hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ của họ.

Nhưng ít nhất cho đến thời điểm này, chỉ dựa vào giá cả sẽ không phải là yếu tố quyết định ai là người chiến thắng ở Đông Nam Á. 

Trang Trang/Theo Nikkei

Theo ndh.vn

largeer