Cuối mùa mưa, sốt xuất huyết vẫn hoành hành

Thứ năm, 15/11/2018, 14:46 PM

Tính đến hết tháng 10, tổng số ca nhiễm sốt xuất huyết tại TP.HCM là 17.863 ca, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước (18.667 ca). Tuy nhiên, điểm khác biệt năm nay là dù đã gần hết mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11), diễn tiến của dịch sốt xuất huyết vẫn đang hết sức phức tạp.

Xuất hiện nhiều ổ dịch

Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, số ca nhiễm sốt xuất huyết (SXH) phải nhập viện trung bình trong tháng 10 khoảng 939 ca/tuần, song xét về tổng thể thì số ca SXH trong tháng 10 tăng hơn 125% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cao điểm là tuần thứ 41 (từ  ngày 5 đến 11.10), thành phố ghi nhận có tới 699 ca SXH nhập viện và 748 ca bệnh ngoại trú, tăng hơn 40% so với tháng 9, đồng thời cũng phát hiện khoảng 61 ổ dịch mới tập trung tại quận 7, quận 12, huyện Hóc Môn.

 Người lớn cũng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết rất cao. Ảnh: Quốc Hải 

 Người lớn cũng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết rất cao. Ảnh: Quốc Hải 

Ngoài ra, tuy thời điểm cuối tháng 10 và đầu tháng 11, số ca nhiễm trung bình chỉ còn khoảng 924 ca/tuần, nhưng tình hình diễn tiến của dịch SXH vẫn không giảm, trong đó cao điểm là tuần thứ 43 (từ 19 đến 25.10), số ca sốt phải nhập viện tăng tới 1.116 ca.'

"Khi phát hiện người thân có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo một trong các triệu chứng nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân chân răng... thì người nhà nên nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, điều trị”

Bác sĩ Vũ Đức Diễn

Còn theo số liệu thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, số ca nhập viện SXH trong tháng 10 vừa qua gấp 1,4 lần so với tháng 9. Cụ thể, tháng 9 là 1.134 ca, trong khi tháng 10 lên đến 1.581 ca.

Tình hình bệnh nhân nhập viện cao cũng xuất hiện tại các bệnh viện vùng ven như: Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, các quận 7, 12, Bình Thạnh, Bình Tân và bệnh viện các huyện Hóc Môn, Bình Chánh.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, quận này là 1 trong 8 quận trọng điểm về SXH trên địa bàn TP.HCM. Tính đến thời điểm này, quận Thủ Đức đã có 1.006 ca bệnh, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ổ dịch bệnh tập trung nhiều tại các phường có mật độ dân cư cao, gần khu công nghiệp, khu đại học, khu nhà trọ, các công trình dở dang... như phường Linh Trung, Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước...

Không còn là “bệnh trẻ em”

Trước đây, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), SXH được xếp là bệnh của trẻ em, bởi vì hơn 90% các trường hợp mắc bệnh ở trẻ dưới 15 tuổi. Tuy vậy, ở Việt Nam trong những năm gần đây, tình hình SXH diễn biến rất phức tạp, không những ở trẻ em mà người lớn cũng mắc, với tỷ lệ gần tương đương nhau. Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến (Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM), thời gian gần đây SXH có diễn biến phức tạp ở cả người đã trưởng thành, nguyên nhân là vì nhiều người lớn ỷ sức đề kháng bản thân tốt nên thường rất chủ quan, lơ là khi có những dấu hiệu nghi ngờ SXH. Khi người lớn nhiễm bệnh cũng có những biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách.

Cụ thể, theo bác sĩ Tiến, dạng SXH có biểu hiện bên ngoài ở người lớn diễn biến bất thường và triệu chứng rầm rộ hơn trẻ em, thời gian sốt kéo dài 11-12 ngày. SXH người lớn nguy hiểm nhất là tụt huyết áp và sinh ra các biến chứng xuất huyết tiêu hóa, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu... Riêng dạng SXH biểu hiện bên trong, gây xuất huyết nội tạng thường gặp xuất huyết đường tiêu hóa và xuất huyết não với biểu hiện ban đầu rất bình thường, chỉ sốt, không nổi ban. Sau 1-2 ngày, bệnh nhân đi tiêu ra máu, phân màu đen hoặc máu tươi số lượng không nhiều, trên da xuất hiện các chấm xuất huyết, da xanh, người mệt mỏi...

Bác sĩ Vũ Đức Diễn - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận 12, cho biết, trước tình trạng SXH đang có diễn tiến phức tạp, người dân nên có các biện pháp bảo vệ cá nhân và gia đình mình như làm sạch nơi ở, ngủ bằng màn, tránh để nước tù đọng…

Quốc Hải

Theo Dân Việt

largeer