Cuối năm, rộ chiêu trò lừa đảo người nghèo

Thứ sáu, 11/12/2020, 09:44 AM

Mới đây, Bộ Công an đã phát cảnh báo về thủ đoạn cài phần mềm gián điệp trong điện thoại để chiếm đoạt tài sản mà người dùng không hề hay biết. Trên thực tế, các chiêu trò nhằm chiếm đoạt tiền đã được những kẻ lừa đảo liên tục biến hóa. Những ngày cuối năm, tại TPHCM, lại xảy ra nhiều vụ lừa đảo mà “con mồi” các đối tượng nhắm đến là giới xe ôm công nghệ và nhân viên bán hàng qua mạng.

Chiêu “Việt kiều về quê ăn tết” tái diễn với kịch bản mới

Chị L.T.T., 32 tuổi, ngụ quận 5, cho biết chị vừa bị một nhóm đối tượng lừa mất 18 triệu đồng. Chiêu trò lừa đảo của các đối tượng khá cũ, nhưng được dàn dựng tinh vi hơn, nên dù đã được cảnh báo chị T. vẫn “sập bẫy”.

Là nhân viên bán hàng qua mạng, chị T. thường xuyên sử dụng Facebook để kết bạn, trao đổi với khách hàng. Vào khoảng ba tháng trước, một người đàn ông tự giới thiệu là John Nguyễn, kết bạn và bắt chuyện với chị T. Anh này tự giới thiệu là người Mỹ gốc Việt, hiện đang tham chiến ở Iraq, có vợ và một người con bảy tuổi, nhưng đã qua đời. Để tạo lòng tin, John Nguyễn còn gửi “hồ sơ quân nhân” và một số hình ảnh thực tế chiến trường để khoe với chị T.

  Sau nhiều tháng trò chuyện, kết nghĩa anh em, đầu tháng 11/2020, John Nguyễn tâm sự với chị T. rằng chiến trường đang ác liệt, anh ta rất sợ chết nên muốn đến Việt Nam. Người đàn ông này “vẽ đường” cho chị T. viết email xin chỉ huy cho anh ta đến Việt Nam vào dịp Tết năm nay.

“Ông ta đưa cho tôi một địa chỉ email bên Mỹ, viết sẵn một lá thư và kêu tôi in ra, ký tên và gửi qua cho chỉ huy quân đội Mỹ. Mấy ngày sau, tôi nhận lại được một email phản hồi là quân đội Mỹ đồng ý cho John Nguyễn về Việt Nam với điều kiện phải đóng tiền nghỉ phép. Tôi thông tin lại điều này, anh ta nghe và tỏ vẻ rất mừng, nên tôi không nghi ngờ gì”, chị T. thuật lại.

Cuối tháng 11 vừa qua, John Nguyễn nhắn tin xin địa chỉ của chị T., nói là để gửi một số tiền, để khi anh ta về Việt Nam nghỉ phép sẽ lấy ra tiêu xài. Ngày hôm sau, anh ta gửi hình ảnh một va-li tiền, nói đã gửi tiền mặt về Việt Nam cho chị T. và còn dặn chị không được nói với ai.

Chị T. nhớ lại: “Thấy hình ảnh một va-li tiền đầy tôi rất sợ nên đã nhắn tin nói là không nhận. Nhưng anh ta nói là đã gửi rồi, nếu tôi không nhận, sẽ bị gửi trả lại, đơn vị phát hiện anh ta sẽ bị bắt. Thấy tội nghiệp ổng nên tôi đồng ý. Ai ngờ, chính vì thế mà tôi bị lừa”.

Ngày hôm sau, một người phụ nữ Việt Nam gọi điện cho chị T. nói là chị được người ở nước ngoài gửi cho một số tiền. Tuy nhiên, số tiền này chưa đóng thuế nên yêu cầu chị chuyển 18 triệu đồng cho bên sân bay để họ chuyển tiền về đến tận nhà. Chị T. từ chối, nhắn tin cho John thì anh này nhờ chị trả giúp 18 triệu đồng, sau khi nhận được va-li tiền chị có thể lấy một số tiền trong đó. Nếu chị không nhận, hàng trả lại nơi gửi thì John sẽ chết. Một bên liên tục thúc giục chuyển khoản để nhận hàng, một bên nhắn tin năn nỉ, chị T. đành đi vay 18 triệu đồng. Ngày 20/11, chị T. chuyển 18 triệu đồng cho một người tên Lại Thị Thảo qua tài khoản một ngân hàng tại TPHCM. 

Ngay sau khi chị T. chuyển tiền, một người phụ nữ tự xưng là hải quan sân bay gọi đến thông báo là kiện hàng của chị đi qua máy quét, bị phát hiện có một số tiền rất lớn. Để nhận số tiền này, chị T. phải đóng phạt 24 triệu đồng. Nếu không đóng, bên sân bay sẽ chuyển vụ việc qua cơ quan công an và mất luôn số tiền 18 triệu đồng đã đóng.

Chị T. bị lừa 18 triệu đồng với chiêu trò “Việt kiều về quê ăn tết”

Chị T. bị lừa 18 triệu đồng với chiêu trò “Việt kiều về quê ăn tết”

“Những ngày sau đó tôi bị khủng hoảng trầm trọng vì không biết vay ở đâu ra 24 triệu đồng và sợ vướng vào vòng lao lý. Tôi tâm sự với một số người bạn thì họ nói có khả năng tôi đã bị lừa, nên tôi đến Báo Phụ Nữ TPHCM”, chị T. chia sẻ.

Một cán bộ cảnh sát hình sự ở TPHCM nhận định, chiêu lừa chuyển quà như trên đã diễn ra rất nhiều trong vài năm gần đây, Công an TPHCM đã nhiều lần cảnh báo. Tuy nhiên, với trường hợp cụ thể của chị T. các đối tượng đã thay đổi cách thức tiếp cận, dày công xây dựng kịch bản cho tinh vi hơn để đánh vào lòng thương người của nạn nhân. Có thể nói, đây là kiểu lừa đảo “rượu cũ, bình mới”. Tức là vẫn chiêu lừa đảo đó, nhưng các đối tượng thay đổi tình huống nên vẫn lừa được người dân.

 “Ve sầu thoát xác” tấn công xe ôm, người giao hàng

Những ngày cuối năm, tại TPHCM xuất hiện một chiêu chiếm đoạt tài sản nhắm vào xe ôm và người giao hàng với tên gọi “ve sầu thoát xác”. Công an TPHCM vừa cảnh báo về chiêu trò này. Đối tượng đang bị công an tạm giữ để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là Phan Duy Tính, 32 tuổi, quê An Giang.

Cuối tháng 11/2020, anh N.N.T., tài xế xe ôm “công nghệ”, được Tính đặt xe đến chung cư Vinhome Landmark (208 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh). Đến nơi, Tính lại yêu cầu anh T. chở đến trung tâm thương mại Saigon Centre (65 Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1).

Trên đường đi, Tính hỏi mượn anh T. 2,5 triệu đồng để lấy đồ. Đến nơi, anh T. đưa tiền cho Tính vào trung tâm thương mại và đứng đợi bên ngoài. Tuy nhiên, Tính đã lẩn trốn ra cửa khác để tẩu thoát. Nhưng do trước đó, lực lượng bảo vệ của trung tâm thương mại đã được thông báo và nhận dạng đối tượng Tính về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên bảo vệ đã phát hiện, bắt Tính và bàn giao cho Công an phường Bến Nghé xử lý.

Cũng với chiêu “ve sầu thoát xác” này, đối tượng Hà Thanh Thảo, 34 tuổi, thường trú quận 1, đã gây ra nhiều vụ chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đặt mua hàng qua mạng. Mới đây, Thảo gọi điện đến cửa hàng điện thoại ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 đặt mua một điện thoại di động đắt tiền và hẹn giao hàng tại khách sạn Park Hyatt (số 2 Công Trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1).

Qua kiểm tra số điện thoại đặt hàng và tài khoản trên Facebook, nhân viên cửa hàng phát hiện đây là đối tượng đã được cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo. Trước đó, vào ngày 21/9, Thảo cũng sử dụng số điện thoại này đặt mua một điện thoại di động đắt tiền ở một chi nhánh khác của cửa hàng tại quận 4 và yêu cầu giao hàng tới một khách sạn rồi chiếm đoạt. Biết đối tượng có ý lừa đảo, nhân viên cửa hàng điện thoại đã trình báo Công an phường Bến Nghé.

Theo thỏa thuận, nhân viên giao hàng đã mang chiếc điện thoại đắt tiền đến khách sạn Park Hyatt giao cho Thảo. Thảo nói nhân viên đứng ngoài chờ để đem điện thoại vào trong khách sạn cho bạn gái xem. Nếu bạn gái đồng ý sẽ mua thêm một cái nữa và thanh toán tiền. Thảo cầm điện thoại đi vào trong rồi lẻn đi ra cửa sau bỏ trốn. Công an phường đã theo dõi và bắt giữ Thảo cùng tang vật.

Tại cơ quan công an, Thảo khai nhận do thất nghiệp, không có tiền tiêu xài nên nghĩ cách chiếm đoạt tài sản như trên. Thảo còn thừa nhận đã thực hiện trót lọt năm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức tương tự.

Một cán bộ Công an quận 1, TPHCM cho biết: “Vụ việc của đối tượng Thảo được phát hiện sớm là nhờ cửa hàng chủ động liệt đối tượng này vào danh sách đen trên toàn hệ thống sau khi bị tên này lừa lần đầu. Tôi thấy cách làm này rất hay, có thể góp phần ngăn chặn được tình trạng lừa mua hàng qua mạng mà các đơn vị khác nên áp dụng”. 

 Sơn Vinh

Theo phunuonline

largeer