Dịch tả châu Phi khiến thịt heo ngoại vào Việt Nam tăng 6 lần

Thứ sáu, 14/06/2019, 16:09 PM

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm, lượng thịt heo nhập khẩu gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ.

Nhập khẩu thịt heo nước ngoài vào Việt Nam tăng 6 lần trong những tháng đầu năm 2019.

Nhập khẩu thịt heo nước ngoài vào Việt Nam tăng 6 lần trong những tháng đầu năm 2019.

Từ khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi trên diện rộng tại Việt Nam lượng khách đặt mua thịt heo ngoại tăng đột biến.

Hiện trên thị trường, nhiều sản phẩm thịt heo từ Mỹ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức, Hungary, Canada và các thị trường khác có giá khá hấp dẫn, thậm chí thấp hơn hàng Việt. Mức giá dao động cho các sản phẩm này chỉ 80.000 -120.000 đồng/kg. Điển hình như sườn heo Canada giá chỉ 90.000 đồng/kg, thấp hơn hàng Việt 40.000 đồng/kg; tim heo, nạc dăm heo Tây Ban Nha giá chỉ bằng một nửa so với hàng Việt.

Tuy nhiên việc không kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa dịch bệnh sẽ khiến thiếu hụt nguồn cung thị heo trong nước. Chính vì thế nguồn thịt ngoại sẽ “tuồn” mạnh vào Việt Nam.

Ông Trần Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, dịch tả heo châu Phi đang diễn biến vô cùng phức tạp ở nhiều địa phương, thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, đã có 2,5 triệu con heo, tương đương 7% tổng đàn buộc phải tiêu hủy. Nhưng theo quan sát của chúng tôi ở thị trường phía Nam thì lượng heo cung cấp ra thị trường vẫn tương đối ổn định.

Đơn cử như tại chợ Tân Xuân - chợ đầu mối heo lớn ở Đồng Nai, mỗi ngày vẫn có 5.000 con heo được cung cấp ra thị trường, thậm chí còn nhiều hơn ở thời điểm chưa bùng phát dịch.  

Có thể lượng thịt heo nhập khẩu tăng đột biến là do e ngại có thể thiếu hụt nguồn cung thịt khi dịch tả heo châu Phi đang có chiều hướng lan rộng. Đúng là ở nhiều tỉnh miền Bắc, do tập quán chăn nuôi, việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học chưa triệt để nên dịch lây lan nhanh, ảnh hưởng nhiều đến tổng đàn, nhưng ở khu vực phía Nam hiện các trang trại vẫn còn giữ một lượng heo tương đối lớn. Họ cũng đang thực hiện vô cùng nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học nên tốc độ lây lan của dịch tả heo châu Phi chậm. 

Như vậy, nếu tình hình dịch ở khu vực phía Nam không lan quá rộng thì chắc chắn lượng heo cung cấp cho thị trường từ nay đến cuối năm không đến độ thiếu hụt để phải nhập một lượng lớn thịt heo như vậy.

Nhiều người băn khoăn là chúng ta có dám chắc 100% nguồn thịt heo và các sản phẩm thịt heo đều an toàn khi khâu kiểm soát của chúng ta vẫn còn yếu, chưa chặt chẽ. Hàng ngày, ở nhiều nơi vẫn liên tiếp phát hiện nguồn thịt nhập không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, bốc mùi hôi thối, vì vậy, nếu không có giải pháp chặt, Việt Nam có thể giống như bãi rác của các loại thịt thải loại. Lúc đó, người tiêu dùng là người phải gánh chịu hậu quả.

Để khuyến khích ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn hiện nay, phát triển ổn định, theo tôi, ngành chức năng cần tính toán nên hạn chế việc nhập khẩu thịt heo. Nếu chúng ta cho nhập ồ ạt lúc này thì chỉ cần một thời gian nữa, nó sẽ như một dòng nước chảy, lượng thịt nhập sẽ tràn về, không còn cách nào ngăn được, bóp nghẹt ngành chăn nuôi trong nước.

Hiện, người chăn nuôi đã rất khổ sở, vất vả rồi, đừng tạo thêm gánh nặng cho họ nữa. Tôi lấy ví dụ, hiện nay, báo chí thông tin, giá heo hơi trên thị trường đang tăng nhưng thực tế, người chăn nuôi vẫn lỗ. 

Trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, chi phí giá thành chăn nuôi đang đội lên rất nhiều do người dân phải sử dụng các chế phẩm sát trùng, tăng sức đề kháng cho heo.

Đơn cử như 1 tấn cám, hiện nay người nuôi đang phải chi thêm 2  triệu đồng để sử dụng các chế phẩm khử trùng, chưa kể các công đoạn khác. Bây giờ thêm nguồn thịt nhập, giá heo không được cải thiện thì người chăn nuôi sẽ thực sự kiệt quệ.

Nguyễn Ngọc

Theo PLN

largeer