Diễn đàn: "Văn hóa" nói tục Hoa hậu Đỗ Thị Hà không đáng bị xỉ vả

Thứ hai, 23/11/2020, 11:03 AM

Facebook là công khai, nhưng Facebook cũng là chốn riêng tư và việc hai người bạn trò chuyện với nhau không nên nâng thành tầm vóc văn hóa của một con người.

Hà còn trẻ. Hà còn vô số thời gian để sửa sai và hoàn thiện

Hà còn trẻ. Hà còn vô số thời gian để sửa sai và hoàn thiện

Cần phải nói ngay và luôn rằng Đỗ Thị Hà không đáng phải hứng chịu một đợt tổng xỉ vả như những ngày qua, dù cô có là hoa hậu hay chỉ là một nữ sinh bình thường.

Đúng, không thể chối chuyện Hà đã từng dùng những từ ngữ như “vãi c...” hay “vc...”. Nhưng xin nhớ cho rằng khi đó cô đang nói chuyện với bạn của cô - một người chắc chắn đủ gần gũi, thân thuộc để hiểu cô đang nói gì, bằng sắc thái biểu cảm nào.

Hãy nhớ lại xem, thuở học sinh, thậm chí là khi đã lớn, bạn có từng gọi người bạn thân nào đó của mình bằng những danh từ như “thằng quỷ sứ”, “con chó” (sau này giới trẻ gọi là con "cờ hó", thế cũng là đã nhã hơn rồi)... không? Kể cả khi câu trả lời của bạn là không thì cũng không có nghĩa những người khác không được phép thân tình đến mức đó và dù bạn không có kỷ niệm như thế thuở học trò đâu có nghĩa là người khác cũng không.

Facebook là công khai, nhưng Facebook cũng là chốn riêng tư và việc hai người bạn trò chuyện riêng với nhau không nên nâng lên thành tầm vóc văn hóa của một con người, dù bạn có vô ý hay cố tình đọc được.

Cũng cần phải thấy thêm một điều nữa: khi dùng những từ ngữ ấy, Hà vẫn còn là một nữ sinh - trong cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới. Xin hãy tiếp tục trở lại thời học sinh của mình và tự soi rọi để thấy có phải chính ta cũng từng mong muốn được “thể hiện” bản thân khác biệt, đặc biệt bằng vô số cách khác nhau? Có phải từng có nhiều nam sinh một thời đạp xe dang hai tay không thèm cầm lái, tự thấy mình “ngầu lòi”? Có phải từng có những gã “trẻ trâu” bày đặt ngồi quán cà phê, vắt chân chữ ngũ, làm ra vẻ suy tư dù trong óc chẳng có gì?

Ai cũng có những ngày trẻ, những phút nông nổi, bốc đồng - những ngày mà người lớn khát khao quay trở lại để được sống thật, để được sửa sai. Phải, sửa sai, bởi người trẻ luôn sai, dù khi đó họ tin rằng mình đúng. Câu hỏi là: với những cái sai của người trẻ, người lớn đã và sẽ làm gì? Chúng ta đã dìu dắt, dẫn đường cho họ ra sao? Chúng ta đã bao dung với họ được bao nhiêu hay chỉ chăm chăm phán xét họ bằng nhãn quan già nua của mình?

Có thể, nếu có một người quản lý giàu kinh nghiệm, Đỗ Thị Hà sẽ được tư vấn xoá sạch mọi dấu vết trên Facebook cá nhân, chỉ giữ lại những thứ đẹp đẽ, long lanh cho vừa lòng người. Thời đại truyền thông giải trí, rất nhiều người hoặc công ty quản lý thừa sức làm điều đó cho Hà. Nhưng cô vẫn giữ lại quá khứ của mình, đó cũng có thể xem là sự dũng cảm của một người trẻ. Vậy thay vì trách mắng một cô gái mới lớn (dù cô đang khoác lên mình chiếc băng đeo Hoa hậu Việt Nam), chúng ta đã chỉ dẫn gì cho cô?

Người trẻ có một thứ mà người trưởng thành mỗi ngày qua đều vụt mất: thời gian. Họ có thời gian để học hỏi, để điều chỉnh, để hoàn thiện mỗi ngày và nếu mai đây Hà vẫn tiếp tục chửi thề, văng tục, khi đó ta trách cô cũng chưa muộn. Còn bây giờ thì cô đã hứa sẽ cố gắng thay đổi. Ta còn đòi gì hơn?

Ngọc Chi

phunuonline

largeer