Doanh nghiệp thời trang Việt chỉ "ớn" hàng Trung Quốc

Thứ năm, 09/01/2020, 09:15 AM

Theo các doanh nghiệp may mặc, thời trang trong nước, họ không ngại cạnh tranh với H&M, Uniqlo… mà ngại hàng Trung Quốc nhập lậu giá rẻ.

Không phải ai cũng chuộng thời trang ngoại

Gần đây, hàng loạt nhãn hàng thời trang ngoại đổ bộ vào Việt Nam như Zara, H&M, Uniqlo… Cảnh khách hàng rồng rắn xếp hàng chờ mua sắm trong ngày khai trương cho thấy sức hút mạnh mẽ của thời trang ngoại với giới trẻ Việt. 

Giá cả các sản phẩm không “mềm” so với mặt bằng chung, nhưng các cửa hàng thời trang ngoại luôn đông khách. Hầu như mỗi khách khi ra về đều mua ít nhất 1-2 món đồ, có khách tính tiền giỏ đồ cả chục món với hóa đơn 5-7 triệu đồng/lần mua sắm.

Một số khách hàng mua sắm tại các cửa hàng ngoại ở Parkson, Vincom (Q.1, TP.HCM) cho biết, họ chuộng các nhãn hàng thời trang ngoại này vì sản phẩm mang thương hiệu quốc tế, chất lượng nguyên liệu, đường may đã được khẳng định; mẫu mã, màu sắc, kiểu dáng thiết kế tân thời, không đụng hàng; quần áo dễ phối (mix) nhau…

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, lượng khách mua sắm thời trang ngoại phần lớn là khách hàng trẻ, trung niên và có thu nhập khá trở lên.

Chị Thanh - 37 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM, đang cùng nhóm bốn người bạn xem quần áo tại cửa hàng Uniqlo vừa mới khai trương ở Parkson, Q.1 - khá đắn đo khi quyết định mua một chiếc áo khoác hai lớp của thương hiệu Nhật này với giá 850.000 đồng/cái. Nhóm bạn chị sau khi xem một chiếc quần linen có giá 650.000 đồng/cái cũng chỉ mua thử một cái, còn lại chủ yếu chọn mua một vài cái áo thun giá 249.000 đồng/cái. 

Thừa nhận chất liệu vải mềm nhẹ, mặc vào rất thích, giặt không bị chảy nhão, không ra màu, nhưng chị Thanh cho biết, chị cùng nhóm bạn ghé cửa hàng Uniqlo trong ngày khai trương chủ yếu để biết hàng chính hãng thế nào chứ trước giờ vẫn chủ yếu mua hàng trên mạng hoặc tại các trung tâm mua sắm Taka, Square với giá mềm hơn. Quần, áo Zara, H&M, Uniqlo… ở đó có giá chỉ khoảng 500.000 đồng/cái trở xuống. Với mức giá này, không ít người biết mình đang mua hàng  nhái nhưng vẫn chọn vì “thích hàng hiệu nhưng giá phải mềm”. Một số khách thì chờ dịp hàng hiệu chính hãng giảm giá mới mua. 

Làn sóng thời trang ngoại nói chung và sự đổ bộ của thương hiệu Nhật Uniqlo mới đây là thách thức không nhỏ cho thời trang Việt

Làn sóng thời trang ngoại nói chung và sự đổ bộ của thương hiệu Nhật Uniqlo mới đây là thách thức không nhỏ cho thời trang Việt

Từ thực tế này, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM - tỏ ra khá lạc quan khi nói về sự cạnh tranh giữa thời trang nội và ngoại. Theo ông, chỉ có một bộ phận khách hàng ở các thành phố lớn chuộng hàng ngoại và sẵn sàng chi tiền mua sắm; phần lớn người tiêu dùng (NTD) Việt Nam, từ thành phố đến nông thôn đều vẫn mua sắm quần áo có mức giá rẻ, mẫu mã phù hợp với họ. Điều khiến các doanh nghiệp (DN) Việt e ngại không phải là cạnh tranh với các thương hiệu ngoại mà là ngán ngại hàng may mặc Trung Quốc giá rẻ tuồn lậu vào qua đường tiểu ngạch. 

Cạnh tranh khó hơn nhưng vẫn có “đất”

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tốc độ tăng trưởng dệt may trong nước khá cao, khoảng 20%/năm. Thị trường nội địa có quy mô 4,5 tỷ USD/năm, tương đương 40 triệu bộ quần áo. Trung bình mỗi năm, người Việt chi khoảng 100.000 tỷ đồng cho quần áo. Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho biết, hiện có hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần từ bình dân đến cao cấp. 

Nói về con số trên, ông Hồng cho rằng, đúng là một bộ phận không nhỏ NTD chi tiền mua hàng thời trang ngoại nhưng chủ yếu vẫn là thành phần trung lưu trở lên, còn đại bộ phận người Việt Nam vẫn tiêu dùng hàng thời trang trong nước của các đơn vị may mặc từ có tên tuổi đến các tổ hợp nhỏ lẻ. Theo ông Hồng, chỉ khoảng 30% NTD Việt Nam chuộng hàng thời trang ngoại, 70% vẫn mua thời trang nội nên thị phần cho các thương hiệu thời trang Việt còn khá lớn. Trước sự đổ bộ của nhiều thương hiệu thời trang ngoại, các DN may mặc Việt sẽ cạnh tranh khó hơn chứ không thua.

Thế nhưng, nhiều cuộc mua bán, sáp nhập vừa qua của các thương hiệu thời trang Việt như Elise, NEM, Vascara hay sự thu hẹp của một số hãng thời trang Việt từng thu hút giới trẻ Việt như Blue Exchange, Ninomaxx, Sea Collection… đã phần nào cho thấy sự yếu thế của thời trang Việt. 

Hiện nay, nhiều hệ thống bán lẻ Việt đã rơi vào tay các DN nước ngoài, thị phần hàng nội theo đó cũng bị thu hẹp dần ở kênh phân phối hiện đại, gây ít nhiều khó khăn cho ngành thời trang Việt. Ở kênh truyền thống, do chạy theo lợi nhuận, không ít tiểu thương chọn bán quần áo Trung Quốc giá rẻ chứ không mặn mà bán quần áo sản xuất trong nước. 

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ các hãng thời trang ngoại chiếm ưu thế, thu hút khách hàng là do họ chịu đầu tư nghiên cứu kỹ thị trường Việt Nam, nắm bắt đúng tâm lý của một số NTD Việt là chuộng hàng hiệu ở phân khúc bình dân. Hơn nữa, Việt Nam có đội ngũ nhân công tay nghề cao nhưng lại chủ yếu gia công cho hãng thời trang ngoại, làm theo đơn đặt hàng, đội ngũ thiết kế chưa mạnh. 

Cảnh người tiêu dùng xếp hàng dài để đợi đến lượt mua hàng thời trang cũng khiến các doanh nghiệp may mặc, thời trang trong nước phải suy nghĩ

Cảnh người tiêu dùng xếp hàng dài để đợi đến lượt mua hàng thời trang cũng khiến các doanh nghiệp may mặc, thời trang trong nước phải suy nghĩ

Khi chúng tôi đặt vấn đề về sự cạnh tranh giữa thời trang nội - ngoại, sự thắng - thua trên sân nhà, nhiều chủ DN may mặc Việt chỉ nói chung chung: “Cạnh tranh ngày càng khó khăn hơn, không chỉ với thời trang ngoại chính hãng mà với cả hàng nhái, hàng giả, hàng Trung Quốc nhập lậu gắn mác hàng Việt”.

Ông Lý Thành Sinh - Giám đốc Công ty cổ phần May thêu Minh Long Hưng - cho rằng, khó khăn lớn nhất của DN may mặc Việt là nguồn vốn để đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại hơn, đầu tư xây dựng đội ngũ thiết kế tay nghề cao, nghiên cứu thị trường để nắm bắt kịp thời gu thời trang của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng, từ đó có chiến lược sản xuất, quảng bá, phân phối sản phẩm hiệu quả.

Không ít chủ DN Việt vẫn tỏ ra lạc quan. Họ cho rằng, việc đổ bộ của các hãng thời trang nước ngoài gần đây có tác động nhất định tới thị phần trong nước, nhưng không gây ảnh hưởng quá lớn đối với những thương hiệu thời trang Việt vốn đã vững mạnh và có chỗ đứng trên thị trường. 

Ông Hồng cho rằng, để tăng sức cạnh tranh với thời trang ngoại, các DN may mặc Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu thị trường, nắm bắt xu hướng tiêu dùng và đón đầu phong cách thời trang của khách hàng Việt ở tất cả các phân khúc, có mẫu mã, kiểu dáng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của NTD. Thị phần cho DN may mặc Việt vẫn còn lớn và còn nhiều cơ hội, với điều kiện DN phải thay đổi để bắt kịp xu thế mới. 

Nguyễn Cẩm

Theo phunuonline.com.vn

largeer