Đòn thuế quan của Trump

Thứ năm, 19/09/2019, 10:17 AM

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường sử dụng đòn thuế quan trước, sau đó ép buộc đối tác phải nhượng bộ để ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ. Với Trung Quốc, Trump có dễ dàng áp dụng biện pháp này?

Cuối tuần trước, Trump cho biết đang cân nhắc ký thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc, nếu 2 bên đạt được thỏa thuận trong cuộc đàm phán tháng 10 tới.

Mỹ vừa hoãn tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sang 15/10, thay vì 1/10. Nguồn: USCTC

Mỹ vừa hoãn tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sang 15/10, thay vì 1/10. Nguồn: USCTC

Ảo diệu công cụ thuế

Ở phương Tây, người ta gọi Trump là “ông thuế quan” - người đã sử dụng thuế một cách thành thục như một nghệ thuật đàm phán. Xuyên suốt trong 2/3 nhiệm kỳ, có hàng chục lần Trump đe dọa lẫn đánh thuế đối phương để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán, dĩ nhiên luôn có lợi cho Mỹ.

Còn nhớ trong năm 2018, lấy lý do “an ninh quốc gia”, Mỹ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Mexico và Canada, mặc dù 2 nước này đã mất 14 tháng để chứng minh hàng hóa của họ không liên quan gì đến cái gọi là an ninh nước Mỹ.

Trên thực tế, đòn thuế quan nói trên của Trump đã khiến Mexico và Canada hoảng loạn, sau đó Trump chỉ đạo Đại diện Thương mại và Bộ trưởng Tài chính mào đầu các phiên đàm phán, và dỡ bỏ thuế quan như một “đặc ân”. Đổi lại, 2 quốc gia Bắc Mỹ này đã chịu đặt bút kỳ vào USMCA - phiên bản nâng cấp của NAFTA, với những điều khoản có lợi cho Mỹ.

Dù Mỹ và Trung Quốc đã ấn định đàm phán thương mại vào đầu tháng 10 tới, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng 2 quốc gia này khó đạt được kết quả để tiến tới ký kết thỏa thuận thương mại giữa 2 nước.

Với Trung Quốc, Mỹ đã chính thức đánh thuế 4 lần, và ít nhất 3 lần hăm dọa nhưng có tới 11 cuộc đàm phán được tiến hành. Điều đó cho thấy, Trump cũng đang muốn sử dụng công cụ thuế để khiến đối phương đồng ý một thỏa thuận có lợi cho Mỹ.

Phương châm “đánh trước đàm phán sau” là đặc sản của nước Mỹ dưới thời tỷ phú Trump. Do vậy, khi Trung Quốc chưa chịu “đầu hàng”, các gói thuế sẽ lần lượt có hiệu lực.

Thời gian không còn nhiều

Vừa qua, Trump đã hoãn đợt đánh thuế mới của Mỹ với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc sang ngày 15/10 tới, thay vì 1/10 như một động thái thiện chí với Trung Quốc.

Theo Trump, việc tạm dời lịch đánh thuế được thực hiện theo đề xuất của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, do sắp tới lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc. Nhưng có lẽ, đó chỉ là lý do “ngoại giao” mà thôi! Để đổi lại lệnh “ngừng bắn”, ngày 13/9 vừa qua, Bắc Kinh phải mua 204.000 tấn đậu tương của Mỹ, nhưng rất khó để tin rằng Trump sẽ để cho Trung Quốc “yên ổn” trong dịp kỷ niệm 70 Quốc khánh.

Đậu tương là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, do bị Trung Quốc trả đũa, Mỹ đã bị Brazil soán ngôi xuất khẩu đậu tương số 1 thế giới. Ở thời điểm chuẩn bị cho đợt tái tranh cử vào năm 2020, việc xoa dịu nỗi bức xúc của tầng lớp nông dân là cần thiết với ông Trump.

Còn nhớ trong cuộc bầu cử năm 2016, hơn 75% cử tri nông thôn đã bầu cho Trump. Trên thực tế, tầng lớp nông dân luôn được Trump quan tâm từ khi lên nắm quyền, trong chiến tranh thương mại Nhà trắng đã chi tổng cộng 26 tỷ USD để trợ giá nông sản.

Với việc hoãn thuế nhằm vào nhóm hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, Tổng thống Mỹ không muốn đặt áp lực lên các nhà bán lẻ và giảm cơn thịnh nộ của dân chúng trong dịp Giáng sinh cuối năm nay.

Về sâu xa, Trump đang sử dụng thuế như con mồi mắc vào lưỡi câu, gói 250 tỷ USD từng tuyên bố hồi tháng trước chỉ là “đòn gió” thăm dò thái độ của Bắc Kinh - nếu không đồng ý tiếp tục đàm phán, rất có thể gói thuế trên sẽ có hiệu lực.

Nhưng đến nay, đòn đánh thăm dò của Trump đã mang lại kết quả bước đầu, lần đàm phán thứ 12 này đã được ấn định vào tháng 10 tới. Dẫu vậy, để có một thỏa thuận bản lề là rất khó khăn. Nhiều khả năng đó chỉ là bước dừng tạm thời để đôi bên toan tính những bước đi dài hạn tiếp theo.

Trương Khắc Trà

Theo Enternews.vn

largeer