Đông Nam bộ: Nhiều thế mạnh thu hút đầu tư bất động sản khu công nghiệp

Thứ hai, 29/07/2019, 09:44 AM

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các tỉnh Đông Nam bộ có nhiều khởi sắc ngay từ đầu năm 2019, nhất là vào các dự án bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) khi 2 hiệp định thương mại quan trọng gần đây là CPTPP và EVFTA được ký kết và có hiệu lực.

Khu công nghiệp Phú Thạnh, Đồng Nai.

Khu công nghiệp Phú Thạnh, Đồng Nai.

Nguồn vốn đổ vào BĐS KCN Đông Nam bộ tiếp tục tăng

Hiện cả nước có khoảng 250 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy là 73%. Có 76 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, hứa hẹn sẽ bổ sung một lượng đáng kể, giải tỏa cơn khát thuê mặt bằng cho các tập đoàn đa quốc gia.

Với việc 2 hiệp định thương mại quan trọng là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, cộng với các tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã mang lại cho lĩnh vực BĐS KCN Việt Nam nhiều lợi thế. Bởi một khi các nhà đầu tư FDI trong và ngoài khối các FTA có sự chuyển dịch cơ cấu, thay đổi nhà sản xuất thì Việt Nam là một trong những điểm đến được lựa chọn hàng đầu.

Theo tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản Savills Việt Nam, hiện nay nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang đổ xô vào các dự án BĐS KCN đặc biệt là khu vực Đông Nam bộ. Đơn cử như ở “thủ phủ công nghiệp” Bình Dương, chủ đầu tư KCN Nam Tân Uyên đang đầu tư giai đoạn 2 mở rộng với quy mô 255ha. Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn trong vòng 4-5 năm tới với tổng doanh thu lên đến 5.100 tỷ đồng và tổng lợi nhuận khoảng 4.200 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2019, CTCP Phát triển Công nghiệp BW (liên doanh của Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Warburg Pincus LLC, Hoa Kỳ) vừa được tỉnh Bình Dương cấp phép cho 2 dự án có mục tiêu hoạt động là kinh doanh bất động sản tại KCN Thới Hòa với tổng diện tích đất sử dụng hơn 38ha. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến hơn 105 triệu USD. Các dự án này sẽ cung cấp diện tích hơn 20ha nhà xưởng sản xuất, văn phòng cho thuê...

Tính đến 6 tháng đầu năm 2019, TP.HCM là địa phương đi đầu của cả nước về thu hút vốn FDI, với 3,21 tỷ USD. Trong số 598 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì Ban Quản lý các Khu Chế xuất và KCN thành phố cấp 16 dự án; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cấp 1 dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 581 dự án. Với tổng vốn thực hiện đầu tư đạt 539,76 triệu USD (tăng 15,8% số dự án cấp mới và tăng 3,6% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Phân theo ngành nghề, lĩnh vực thì hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đăng ký đầu tư nhiều nhất (chiếm 41,8%).

Bên cạnh xu thế đầu tư xây dựng mới, làn sóng chuyển nhượng các KCN có sẵn, mua bán hay cho thuê các lô đất và nhà xưởng xây sẵn đang diễn ra rất nhộp nhịp. Theo khảo sát, giá chuyển nhượng của các lô đất đã trả tiền thuê một lần, kỳ hạn 50 năm tại Bình Dương hiện vào khoảng 50-70 USD/m2 (tương đương 1,16-1,6 triệu đồng/m2). Ở Khu công nghệ cao quận 9 (TP.HCM), nhà đầu tư ngoại CapitaLand mới đây đã thâu tóm toàn bộ khu phức hợp văn phòng thương mại, công nghiệp và vận tải rộng 12ha với tên gọi OneHub Saigon từ tay của Ascendas-Singbridge.

Trung tâm thị xã Dĩ An (Bình Dương) tiếp giáp với TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và TP.HCM.Với điều kiện thuận lợi đã và đang thu hút nhiều FDI vào các khu công nghiệp. (Ảnh: Kim Ngọc).

Trung tâm thị xã Dĩ An (Bình Dương) tiếp giáp với TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và TP.HCM.Với điều kiện thuận lợi đã và đang thu hút nhiều FDI vào các khu công nghiệp. (Ảnh: Kim Ngọc).

...bởi nhiều lợi thế

Đông Nam bộ bao gồm 6 tỉnh, thành phố là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước. Đây được ví von như vùng “đất lành chim đậu” và nhiều tiềm năng để thu hút FDI vào các KCN.

Vùng Đông Nam bộ có TP.HCM là trung tâm kinh tế, công nghiệp thương mại, dịch vụ, du lịch... là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế lớn nhất nước.

Dựa vào quy hoạch phát triển đến năm 2020, thành phố sẽ có 23 khu chế xuất, KCN với tổng diện tích khoảng hơn 6.000ha, đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở tất cả các lĩnh vực kinh tế.

Khu công nghệ cao TP.HCM tiếp tục được phát triển theo hướng mở rộng diện tích và hoàn thiện hạ tầng, nhằm thu hút các dự án đầu tư.

Tiếp giáp phía đông nam của TP.HCM là Vũng Tàu, một thành phố cảng biển, trung tâm dịch vụ công nghiệp và du lịch biển lớn của quốc gia.

Tính đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy hoạch và đầu tư 14 KCN với diện tích 8.400ha và 52 bến cảng tổng hợp, cảng container. Các KCN trên địa bàn tỉnh hầu hết nằm gần hệ thống cảng biển nước sâu, rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Từ những lợi thế này, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hà Lan, Singapore...

Đây cũng là khu vực có vị trí nằm gần khu vực có nền kinh tế phát triển năng động của châu Á với các trung tâm lớn như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur... nên các địa phương trong vùng có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Còn Đồng Nai có khá nhiều ưu thế để thu hút đầu tư, nhất là ưu thế về vị trí chiến lược, giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt và chính quyền địa phương rất tích cực hỗ trợ nhà đầu tư. Các KCN trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng mới, hiện đại, có giá trị lâu dài và tác động mạnh đến quá trình đô thị hóa.

Bình Dương nơi được ví như “thủ phủ” KCN của cả nước khi đã phát triển khá nhanh hạ tầng trong lĩnh vực này với 29 KCN có tổng diện tích gần 12.800ha. Tỷ lệ phủ kín các KCN tại tỉnh đã đạt 73,8%. Dự kiến đến năm 2020, Bình Dương sẽ phát triển thêm 5 KCN mới, tiếp tục tạo động lực để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa.

Đến nay, đã có 63 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bình Dương. Trong đó, xuất hiện ngày càng nhiều tập đoàn, công ty xuyên quốc gia có năng lực về tài chính và công nghệ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ... Đây đều là những quốc gia và vùng lãnh thổ có mối quan hệ lâu dài và bền vũng với tỉnh Bình Dương.

Những lợi thế của Đông Nam bộ đã và đang thu hút mạnh vốn FDI sẽ kéo theo nguồn lực lao động có tay nghề. Khu vực Đông Nam bộ có nguồn lao động dồi dào bậc nhất cả nước với chi phí lao động tương đối rẻ. Hiện đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước có đường biên giới chung, đến Việt Nam để xây dựng nhà máy ngày càng gia tăng... Trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào BĐS KCN của Việt Nam nói chung, vùng Đông Nam bộ nói riêng, nhằm tận dụng cơ hội từ xu hướng chuyển dịch này.

Đặc biệt, chủ trương của Chính phủ tiếp tục thu hút các dự án công nghệ cao và thân thiện với môi trường; khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các thành phố thông minh; xây dựng các giải pháp cân bằng FDI và cho phép tập trung đầu tư vào các tỉnh khác... điều này sẽ thúc đẩy phân khúc BĐS KCN phát triển.

Cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

Cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

Nguyễn Ngọc

Theo NTD

largeer