Dự án “ma” ngang nhiên tung hoành trên thị trường, lỗi tại ai?

Thứ hai, 20/05/2019, 14:05 PM

Khi thấy thị trường bất động sản nóng sốt, nhiều cò đất đã ngang nhiên vẽ ra “dự án ma” để rao bán,lừa đảo, xem thường pháp luật, gây hoang mang trong dư luận, khiến cho nhiều người trót mua khốn đốn. Vậy làm gì để ngăn chặn dự án ma hoành hành tại TP.HCM?

Hiện tại dự án Venica Garden vẫn chỉ là khu đất trống, không có bất cứ hoạt động xây dựng nào.

Hiện tại dự án Venica Garden vẫn chỉ là khu đất trống, không có bất cứ hoạt động xây dựng nào.

Hoành hành khắp nơi

Gần đây tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, lợi dụng giá đất tăng cao, một số đối tượng đã tự vẽ ra các “dự án ma” trên các khu đất nông nghiệp, đất chưa chuyển mục đích sử dụng, đất chưa có pháp lý rõ ràng... để làm giả giấy tờ, hồ sơ dự án và rao bán cho khách hàng, khiến nhiều người rơi vào bẫy khi xuống tiền mua nền đất.

Theo phản ánh của người dân tại khu vực đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM, dự án Venica Garden do CTCP Kim Tây Nam làm chủ đầu tư và CTCP Bất động sản Thế Giới Địa Ốc là nhà phân phối, có khoảng 1.118 nền, đang được rao bán rầm rộ trên mạng với giá 60 triệu đồng/m2 và hiện đã bán hơn 50% số nền. Tuy nhiên hiện tại dự án vẫn chỉ là khu đất trống, không có bất cứ hoạt động xây dựng nào, thậm chí con đường đi vào dự án cũng không có.

Dự án nằm trên sáu thửa đất gồm: Thửa số 9, 10, 511, 513, 529 tờ bản đồ số 85 và thửa số 210-211 tờ bản đồ số 5, phường Phú Thuận, quận 7, được Công ty Kim Tây Nam chuyển nhượng lại từ các chủ đất khác và tất cả đều là đất nông nghiệp, đến nay vẫn chưa có bất kỳ phê duyệt quy hoạch nào từ cơ quan chức năng.

Còn trường hợp của ông Phát, ngụ P.5, Q. Bình Thạnh thì lại “ngậm trái đắng” khi mua dự án ở Hóc Môn. Ông Phát cho biết, hằng ngày đọc thông tin rao bán đất trên mạng với những lời mời chào hấp dẫn nên ông đã gom hết số tiền hiện có của gia đình và vay mượn bạn bè được gần 3 tỷ đồng để mua đất nền tại huyện Hóc Môn. Mặc dù đã đóng hết tiền nhưng chờ hoài vẫn không thấy sổ đâu. Xót ruột ông chạy lên UBND xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn hỏi thông tin dự án thì té ngửa khi biết không có bất kỳ dự án nào mà ông mua tại xã này.

Trước đó, một “dự án ma” khác cũng bị phát hiện tại khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Điều thú vị ở chỗ là dự án “mọc” ngay trong khu đất quy hoạch của Đại học Quốc gia TP.HCM. Khu đất này đang chờ thực hiện chính sách đền bù, giải tỏa. Dự án do CTCP Đầu tư Angle Lina (số 92/B20 đường Tôn Thất Thuyết, quận 4) và Công ty Bất động sản Hoàn Ân Group (số 254 đường Linh Trung, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) tự ý vẽ, phân lô rao bán cho khách hàng.

Tương tự, UBND phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú cũng vừa phát hiện một khu đất trống có diện tích hơn 4.000m2 nằm trong hẻm 38 Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa (đang được quy hoạch là đất công viên cây xanh, thể dục thể thao) bị phân lô ra bán. Hàng loạt khu đất đang được quy hoạch công viên, trung tâm thể dục thể thao, cơ sở y tế, trường học... ở huyện Củ Chi và quận 12 cũng bị rao bán rầm rộ.

CTCP Đầu tư Angle Lina tự

CTCP Đầu tư Angle Lina tự "đẻ" ra dự án ngay trong khu đất quy hoạch của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Buông lỏng quản lý hay bất lực?

Hàng loạt “dự án ma” được các cò đất vẽ lên, rao bán công khai, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng nhưng hiện nay, hầu như các cơ quan chức năng không có biện pháp nào ngăn chặn ngoài việc cảnh báo, tuyên truyền. Phải chăng do sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng là nguyên nhân chính dung dưỡng cho các “dự án ma” ngang nhiên tung hoành?

Mới đây UBND phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM đã khuyến cáo người dân không mua bán, chuyển nhượng đất đai liên quan đến dự án mang tên dự án khu dân cư Venica Garden.

Theo nội dung cảnh báo của UBND phường Phú Thuận, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều thông tin liên quan đến việc phân lô bán nền thuộc dự án khu dân cư Venica Graden tại khu phố 3, đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM. Tuy nhiên, qua rà soát UBND phường Phú Thuận khẳng định, trên địa bàn phường không có dự án nào có tên như trên.

Về dự án ở phường Linh Trung, sau khi phát hiện vụ việc, UBND phường đã phát đi văn bản cảnh báo người dân về “dự án ma” này. Phía Công ty Angel Lina đã gửi văn bản cho UBND phường Linh Trung cho rằng mình không làm việc này.

Còn ở Hóc Môn, theo tìm hiểu của phóng viên, các đối tượng đã tự ý phân ra ít nhất khoảng 330 nền. Trong đó tại xã Đông Thạnh, có khoảng 260 nền và khoảng 70 nền tại xã Nhị Bình. Ước tính, tổng số tiền do các đối tượng lừa đảo thu của khách hàng lên đến gần 100 tỷ đồng.

Văn bản cảnh báo

Văn bản cảnh báo "dự án ma" của UBND phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Để hạn chế số nạn nhân bị lừa đảo, UBND hai xã Đông Thạnh và Nhị Bình đã cho lực lượng công an làm hàng chục biển hiệu cảnh báo “dự án ma”. Theo UBND huyện Hóc Môn, hiện huyện đã tiếp nhận khoảng hơn 100 đơn trình báo lừa đảo của người dân ở nhiều quận, huyện gửi về. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng là tự ý phân nền đất nông nghiệp, tự vẽ phân lô tổng mặt bằng, sau đó tự giới thiệu, quảng cáo và rao bán cho người dân. UBND huyện này đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an.

Theo luật sư Hà Hải, Trưởng văn phòng Luật sư Hà Hải và cộng sự, việc các nhóm đối tượng, các “cò” đất và sự tham gia của các sàn giao dịch bất động sản ngang nhiên vẽ ra dự án không có hoặc chưa có để bán cho khách hàng là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên hiện nay các cơ quan chức năng xử lý chủ yếu mang tính tuyên truyền, giải quyết hậu quả trong khi lẽ ra phải có giải pháp ngăn chặn ngay từ đầu.

Hiện nay, luật quy định các sàn giao dịch bất động sản chỉ được bán dự án bất động sản khi có đầy đủ tính pháp lý. Chỉ cần căn cứ vào các quy định trên, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý các sàn giao dịch bất động sản về hành vi kinh doanh trái quy định pháp luật. Cơ quan chức năng chỉ cần nghiêm khắc là ngăn chặn được hậu quả.

Theo luật sư Hải, hiện nay, các cá nhân, tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để đưa hợp đồng qua thừa phát lại thay vì thực hiện ở văn phòng công chứng nhưng theo quy định, thừa phát lại không có chức năng công chứng hồ sơ nhà đất. Sở Tư pháp TP.HCM cần yêu cầu các văn phòng thừa phát lại chấm dứt chứng nhận cho hồ sơ mua bán đất trái pháp luật.

Hiện tại dự án Venica Garden vẫn chỉ là khu đất trống, không có bất cứ hoạt động xây dựng nào.

Hiện tại dự án Venica Garden vẫn chỉ là khu đất trống, không có bất cứ hoạt động xây dựng nào.

Theo luật sư Hải, hiện nay, các cá nhân, tổ chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để đưa hợp đồng qua thừa phát lại thay vì thực hiện ở văn phòng công chứng nhưng theo quy định, thừa phát lại không có chức năng công chứng hồ sơ nhà đất. Sở Tư pháp TP.HCM cần yêu cầu các văn phòng thừa phát lại chấm dứt chứng nhận cho hồ sơ mua bán đất trái pháp luật.

Tấn Lợi

Theo NTD

largeer