Đua nhau báo lãi lớn, ngân hàng “ăn” hết phần của tương lai?

Thứ hai, 29/07/2019, 10:08 AM

Dồn dập báo lãi lớn, nhiều ngân hàng đang khiến cổ đông nức lòng. Tuy nhiên, đằng sau những con số đầy kỳ tích đó là nỗi băn khoăn về kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm, khi mà không ít ngân hàng đã sử dụng gần hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nói cách khác, nhiều ngân hàng đã “ăn” gần hết phần “hầu bao” của tương lai.

Vietcombank đạt kỷ lục về tăng trưởng lợi nhuận nhưng room tín dụng của ngân hàng này sắp

Vietcombank đạt kỷ lục về tăng trưởng lợi nhuận nhưng room tín dụng của ngân hàng này sắp "cạn".

Đua nhau báo lãi lớn

Ngành ngân hàng Việt Nam tiếp tục khởi sắc khi đa số các đơn vị đều công bố báo cáo tài chính quý 2 với kết quả khả quan. Trong đó, đáng chú ý nhất là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Vietcombank đã phá kỷ lục để vượt qua chính mình và ngành ngân hàng nói chung về lợi nhuận.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lần đầu tiên ngành ngân hàng Việt Nam có đơn vị đạt tiền lãi chục ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank tăng vọt từ 8.017 tỷ đồng lên 11.303 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế đạt 9.076 tỷ đồng, tăng 2.645 tỷ đồng, tương đương 41% so với 6 tháng đầu năm 2018.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng tăng trưởng vượt bậc. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.462 tỷ đồng, tăng 550 tỷ đồng, tương đương 60,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lãi cao nhất lịch sử của VIB. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, 2017 và 2018, VIB chỉ đạt lợi nhuận 244 tỷ đồng, 306 tỷ đồng và 921 tỷ đồng.

Không tăng tốc mạnh như tại VIB nhưng lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) cũng phá vỡ mọi kỷ lục của chính mình khi đạt 3.931 tỷ đồng, tăng 933 tỷ đồng, tương ứng 31,1% so với 6 tháng đầu năm 2018.

Nhiều đơn vị khác như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)... cũng đồng loạt giúp cổ đông yên lòng với những khoản lợi nhuận tăng trưởng tốt.

VIB mong muốn room tín dụng

VIB mong muốn room tín dụng "khủng" lên đến 35% cho năm 2019.

“Ăn” hết phần của tương lai?

Có thể thấy, từ trước tới nay, lợi nhuận chính của ngành ngân hàng đều đến từ hoạt động tín dụng. Trong vài năm trở lại đây, dịch vụ đang là “miếng bánh” được các ngân hàng quan tâm hơn. Dù vậy, tín dụng vẫn là mảng chính mang lại thu nhập cho ngân hàng.

6 tháng đầu năm 2019 cũng vậy, tín dụng góp công lớn vào đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành ngân hàng. Thế nhưng, có một điều đáng phải lo ngại chính là tăng trưởng tín dụng của mỗi đơn vị đều có “room”. Và không ít đơn vị kể trên đã xài gần hết “room” cho phép dù mới nửa năm trôi qua.

Cụ thể, với Vietcombank, tại thời điểm 30/6/2019, chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 682.809 tỷ đồng, tăng 61.236 tỷ đồng, tương đương 9,9% so với cuối năm 2018. Trong khi đó, “room” tín dụng của ngân hàng này là 15%. Như vậy, nếu theo kế hoạch ban đầu, trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank chỉ được giới hạn ở con số rất nhỏ 5,1%.

VIB có tốc độ tăng trưởng tín dụng còn “siêu tốc” hơn Vietcombank. Cuối quý 2/2019, VIB đạt 113.387 tỷ đồng chỉ tiêu cho vay khách hàng, tăng 18.126 tỷ đồng, tương đương... 19% so với cuối năm 2018. Trước đó, VIB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2019 lên đến 35%. Tuy nhiên, chưa rõ Ngân hàng Nhà nước đã thông qua kế hoạch này của VIB chưa.

Nếu 35% là con số VIB được phép áp dụng thì trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng của VIB vẫn thấp hơn 6 tháng đầu năm, và “chỉ” được giới hạn dưới mức 16%. Dù trước đó ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho rằng room tín dụng không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh nhưng cổ đông vẫn có lý do để lo lắng.

Một số ngân hàng khác cũng “ăn” gần hết phần của tương lai. Ví dụ room tín dụng của OCB là 20% nhưng trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã sử dụng đến 18%. MBB đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng lên đến 11,6% dù room cả năm chỉ là 13%,...

Dù được nới, room tín dụng của MBB vẫn còn rất ít. Đây là thử thách cho ngân hàng này trong 6 tháng cuối năm 2019.

Dù được nới, room tín dụng của MBB vẫn còn rất ít. Đây là thử thách cho ngân hàng này trong 6 tháng cuối năm 2019.

Được “nới room” vẫn chưa hết lo

Nếu theo kế hoạch ban đầu, trong 6 tháng cuối năm, nhiều ngân hàng như MBB, OCB, Vietcombank... chỉ cần... “ngồi chơi” vì room tín dụng còn quá ít, đặc biệt là MBB. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này chỉ còn vỏn vẹn 1,4%, quá thấp cho tăng trưởng lợi nhuận.

Thế nhưng, rất may mắn, dù chưa có kế hoạch thay đổi định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng là 14% cho năm 2019 nhưng Ngân hàng Nhà nước đã nới room cho một số đơn vị.

Mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết MBB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng chỉ tiêu tín dụng từ 13% lên 17%. Dù vậy, “miếng bánh” cho 6 tháng đầu cuối năm của MBB không còn nhiều. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này chỉ là 5,4%, thấp hơn nhiều so với 11,6% của 6 tháng đầu năm.

Tương tự MBB, ngân hàng ACB, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng được nới room từ 13% lên 17%. Còn Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được phép tăng trưởng tín dung lên đến 16% thay cho kế hoạch 12%.

Đa số, các ngân hàng sau khi được nới room, tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm vẫn sẽ thấp hơn 6 tháng đầu năm. Vì vậy, lợi nhuận phần còn lại của năm 2019 vẫn là nỗi lo với nhà đầu tư.

Vy Vy

Theo NTD

largeer