Đừng chủ quan với tật khúc xạ

Thứ tư, 09/10/2019, 09:22 AM

Tại Việt Nam, có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ nhưng chưa được điều trị. Thói quen nhìn quá gần, mắt phải làm việc nhiều trong thời gian dài ở độ sáng không thích hợp làm tăng nguy cơ bị tật khúc xạ

Tật khúc xạ (TKX) là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở trẻ em, là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa có thể chữa được ở Việt Nam và là 1 trong 5 nguyên nhân gây mù lòa có thể chữa được trên thế giới.

3 triệu trẻ em mắc TKX

PGS-TS Nguyễn Xuân Hiệp - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống mù lòa (Bộ Y tế), Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt trung ương - cho biết TKX (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỉ lệ mắc khoảng 15%-20% ở học sinh nông thôn, 30%-40% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6-15 tuổi, cả nước có khoảng 20% em mắc các TKX. Ước tính, hiện Việt Nam có gần 3 triệu em mắc TKX cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị. Việc khám và cấp kính cho trẻ em mắc TKX là một trong những biện pháp can thiệp rẻ tiền và có hiệu quả nhất để giảm tỉ lệ mù lòa nhưng khi các chương trình cộng đồng được triển khai lại gặp nhiều rào cản từ nhận thức, cơ sở vật chất và kinh phí...

Tình trạng học sinh mắc tật khúc xạ có chiều hướng gia tăng

Tình trạng học sinh mắc tật khúc xạ có chiều hướng gia tăng

Theo PGS-TS Phạm Trọng Văn - Trưởng Bộ môn Mắt Trường ĐH Y Hà Nội - trong các loại TKX, bệnh nhược thị được xem là một vấn đề mới nổi trong chăm sóc mắt và là ưu tiên trong kế hoạch quốc gia về phòng chống mù lòa của Việt Nam giai đoạn 2014-2020. Nhược thị là tình trạng mắt bị giảm thị lực do não và mắt không phối hợp tốt. Nhìn bề ngoài, mắt có vẻ bình thường nhưng thực ra não đã không tiếp thu hình ảnh do mắt gửi về mà chỉ nhận hình ảnh của mắt bên kia, nặng hơn là cả 2 mắt đều bị não từ chối tiếp nhận tín hiệu. Việc phát hiện sớm rối loạn thị giác sẽ giúp trẻ có được sự hỗ trợ tốt để có thể học tập bình thường. Với bệnh lý này, đeo kính là một trong những can thiệp hiệu quả và hợp lý nhất. Tuy nhiên, theo điều tra của BV Mắt trung ương phối hợp với các tổ chức thực hiện vừa được công bố đầu năm 2019, 65% đơn kính tại các hiệu kính bị sai do người đo kính không được đào tạo bài bản.

Giúp mắt nghỉ ngơi đúng cách

Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, BV Mắt Hà Nội 2, cho biết với TKX của trẻ, nhiều bậc phụ huynh thờ ơ, cho rằng đây là tình trạng bình thường nhưng các chuyên gia nhãn khoa cho biết trẻ từ 0-17 tuổi là giai đoạn độ cận tiến triển nhanh, ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. "Khi bị cận thị nặng, nhãn cầu mắt to ra, sẽ kéo giãn các thành phần quang học đi kèm gây thiếu hụt cung cấp máu, khiến tình trạng đục thủy tinh thể, glôcôm đến sớm; còn võng mạc bị kéo mỏng đi sẽ gây ra hàng loạt biến đổi và bệnh lý nguy hiểm như thoái hóa võng mạc, bong rách võng mạc… Đây đều là những bệnh lý mắt có thể gây mù hàng đầu hiện nay" - bác sĩ Tuấn nói.

Do vậy, để phòng tránh TKX, bác sĩ Tuấn cho rằng cha mẹ cần bảo đảm trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ mỗi giờ phải nghỉ 10-15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút/lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt. Nơi học tập bảo đảm đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần cửa sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm. Cùng đó, tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 cm với cấp tiểu học, 30 cm với cấp THCS và 35 cm với học sinh THPT. Bên cạnh đó, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ 8-10 giờ/ngày; ăn nhiều rau xanh, trái cây, bảo đảm đủ các loại vitamin cho cơ thể. Trẻ cần được khám mắt định kỳ 6 tháng/lần hoặc khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều...

Từ thực tế điều trị cho bệnh nhân, PGS Nguyễn Xuân Hiệp cũng khuyến cáo người dân không tùy tiện tra thuốc nhỏ mắt. Ngoài ra, không nên trì hoãn việc đeo kính khi bị cận thị. "Khi phụ huynh cảm thấy trẻ có vấn đề về mắt nên đưa trẻ tới các BV chuyên khoa để khám và điều trị, tránh dùng các biện pháp chữa dân gian hoặc các cơ sở không bảo đảm uy tín, sẽ ảnh hưởng tới thị lực của trẻ sau này" - PGS Hiệp cho biết.

Khánh Anh

Theo nld.com.vn

largeer