Đường sắt trên cao: Giá vé "mở cửa" là 7.000 đồng

Thứ tư, 20/03/2019, 09:32 AM

Thông tin về tuyến Đường sắt đô thị 2A, Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Công ty Đường sắt Hà Nội cho biết, giá vé mở cửa là 7.000 đồng, vé đi toàn tuyến là 15.000 đồng/người/lượt; sẽ giảm mật độ, số lượng xe buýt dọc theo tuyến đường sắt này...

Chiều 19/3, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban báo chí thông tin về công tác quản lý và điều hành, kết nối các tuyến xe buýt nội đô, hệ thống xe khách liên tỉnh với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường, tuyến đường sắt đô thị 2A có tổng chiều dài 13km, với 12 nhà ga (Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Yên Nghĩa).

Tại các ga có bố trí các thiết bị như thang máy (phục vụ người khuyết tật), thang cuốn (chiều lên nhà ga), thang bộ (chiều từ nhà ga đi xuống).

Thời gian chạy tàu hàng ngày là từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, với năng lực vận tải (100%) là 960 người. Vào giờ cao điểm, trung bình 6 phút có 1 chuyến, còn giờ bình thường sẽ là 10 phút/chuyến. Theo thiết kế, trong ngày có khoảng 144 chuyến tàu.

Về phương án giá vé đang đề xuất, ông Trường cho biết, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết giá vé tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông xây dựng dựa trên 5 tiêu chí.

Thứ nhất là thu nhập người dân và khả năng chi trả; thứ hai là căn cứ tính toán cạnh tranh với phương tiện khác; thứ ba là khảo sát ý kiến người dân; thứ 4 là cân đối khả năng trợ giá của nhà nước; thứ 5 là chi phí vận hành.

Cụ thể, dự kiến, vé lượt (chặng) được tính theo khoảng cách đi lại thực tế giữa các ga. Theo đó, từ ga 1 đến ga 2 hoặc ga 3 là 8.000 đồng/người/lượt. Từ ga 1 đến ga 4 là 9.000 đồng/người/lượt..., từ ga 1 đến ga 12 (ga cuối) là 15.000 đồng/người/lượt.

Trong khi đó, vé ngày dự kiến là 30.000 đồng/ngày (không hạn chế lượt đi lại) và vé tháng là 200.000 đồng/tháng (kể từ ngày mua vé).

Về chính sách miễn giảm giá vé, Thành phố miễn tiền vé cho người có công, người khuyết tật và trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, người cao tuổi; Ngoài ra, Thành phố hỗ trợ 30% giá vé tháng cho cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Thành phố miễn phí toàn bộ cho hành khách đi tuyến 2A trong 15 ngày đầu vận hành tuyến đường này.

Liên quan đến chất lượng phục vụ của đoàn tàu, ông Trường cho biết, Công ty đã cử nhân viên lái tàu đi học lý thuyết bên Trung Quốc 6 tháng, sau đó đã có 6 tháng vận hành và hiện có 37 lái tàu được tham gia vận hành các con tàu trên tuyến này.

"Trong 37 người này đã bao gồm lái tàu dự phòng để không làm việc quá thời gian qui định", ông Trường thông tin.

Ông Nguyễn Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty đường sắt Hà Nội

Ông Nguyễn Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty đường sắt Hà Nội

Giảm mật độ, số lượng xe buýt trên trục tuyến đường sắt

Trả lời câu hỏi về hiệu quả kinh tế của tuyến đường sắt, ông Trường giải thích, đây là dự án đầu tư cung ứng dịch vụ công và không hiệu quả nếu đứng trên góc độ thuần túy về tài chính.

"Chúng ta cần đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội tổng hợp dựa trên các yếu tố khác như giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường", ông Trường nói.

Liên quan đến thời điểm đi vào khai thác thương mại, ông Trường nhấn mạnh: "Chúng tôi chưa bao giờ phát ngôn về việc 1/4 khai thác thương mại nhưng mới đây, Bộ trưởng GTVT đi kiểm tra và có nói các đơn vị liên quan phấn đấu để cuối tháng 4 khai thác được".

Về băn khoăn trong việc kết nối tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông với các phương tiện vận tải khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lí và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) nhấn mạnh: "Chúng tôi (Đường sắt đô thị - PV) không phải ngôi sao cô đơn."

Lý giải cho cách ví von này, ông Hải cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng và báo cáo UBND TP phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông.

Đáng chú ý, phương án này được xây dựng theo nguyên tắc giảm tối đa hiện tượng trùng tuyến, giảm mật độ, số lượng xe buýt trên trục dọc tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, chỉ xem xét giữ lại một số tuyến buýt để có thể kết nối trực tiếp từ Yên Nghĩa tới các khu vực xa trung tâm.

Ông Hải cũng nhấn mạnh, phương án này sẽ bố trí các điểm dừng xe buýt hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến; đảm bảo khoảng cách điểm dừng xe buýt tới nhà ga không quá 500m và với mục tiêu không để hành khách phải chuyển tuyến quá 1 lần trong hành trình.

Xuân Hưng

Theo vnmedia.vn

largeer