Eximbank đang vật lộn với khó khăn

Thứ hai, 11/11/2019, 10:18 AM

Tranh chấp liên miên, nội bộ lục đục đã khiến hoạt động kinh doanh của Eximbank rơi vào khó khăn. Từng là ngân hàng trong câu lạc bộ ngàn tỷ đồng lợi nhuận, thời gian qua ngân hàng này liên tục báo lỗ, nhân sự cao cấp rối ren.

Eximbank tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 năm 2019…

Eximbank tổ chức ĐHĐCĐ lần 1 năm 2019…

Lỗ liên tiếp

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán EIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2019, theo đó lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 3.225 tỷ đồng, giảm 2,61% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là thu nhập góp vốn cổ phần giảm mạnh 99% xuống còn 4 tỷ đồng.

Trong khi tổng thu nhập hoạt động sụt giảm, chi phí hoạt động của Eximbank vẫn tăng 9,2% lên 2.023 tỷ đồng. Điều này đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 17,5%, chỉ đạt 1.202 tỷ đồng.

Mặc dù giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro 69% xuống còn 99,5 tỷ đồng thì lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Eximbank lại tăng trưởng âm gần 3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.103 tỷ đồng.

Liên quan đến Eximbank, trong một báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá Eximbank là một trường hợp hiếm trong ngành ngân hàng Việt Nam với cổ đông biến động trong 9 năm qua. EIB không phải là một cổ phiếu an toàn cho đến khi các vấn đề thanh khoản và cổ đông được ổn thỏa.

Thời gian qua, ngân hàng hoạt động cầm chừng, thậm chí sau khi bị thanh tra năm 2015, còn phải ghi nhận lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng và cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 8/4/2016 do lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2014 đã bị điều chỉnh hồi tố từ 114,01 tỷ đồng xuống âm 834,56 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là âm 817,47 tỷ đồng.

Đến năm 2017, kết quả kinh doanh có chút khởi sắc thì đến năm 2018 khó khăn lại ập đến bởi sự cố mất tiền của các khách VIP, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng và niềm tin của khách hàng. Năm 2018, Eximbank báo lãi trước thuế chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2017.

Nói về kết quả kinh doanh bết bát của ngân hàng, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mới đây, ông Cao Xuân Ninh, Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết: “HĐQT và BKS rất lấy làm xấu hổ khi đã đẩy Eximbank vào cuộc khủng hoảng này. Từ một ngân hàng thuộc top 5 trong ngành nhưng bây giờ thuộc top 3 từ dưới lên. Chúng tôi sẽ lắng nghe, sửa đổi trong thời gian tới để quản trị điều hành tốt hơn, tăng cường đoàn kết để đưa Eximbank trở lại vị trí vốn có”.

….đến lần 2 đều không thành công.

….đến lần 2 đều không thành công.

Cuộc chiến nhân sự cao cấp kéo dài

Chưa kịp thực hiện được lời hứa của mình thì vào tháng 7 vừa qua, ông Cao Xuân Ninh đã xin từ chức và để trống “ghế nóng” của nhà băng. Ngồi vào “ghế nóng” chưa được 2 tháng nhưng ông Cao Xuân Ninh dường như rất hiểu thực trạng của ngân hàng này.

Trong đơn từ nhiệm, ông Cao Xuân Ninh cho biết, thời gian qua, HĐQT Eximbank và nói rộng ra là cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hòa dẫn đến các tranh chấp nội bộ, gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, hoạt động của ngân hàng.

Cá nhân ông, với trách nhiệm được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cử tham gia HĐQT Eximbank, đã nỗ lực hết sức và chấp nhận đảm đương nhiệm vụ ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT Eximbank theo yêu cầu của đa số thành viên HĐQT, nhằm góp phần ổn định tổ chức ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Ninh nhận thấy, các mâu thuẫn, bất đồng giữa các nhóm cổ đông, cổ đông, thể hiện qua sự bất đồng trong nội bộ còn tiếp diễn, chưa thể dung hòa. Vì vậy, ông đề nghị HĐQT chấp thuận để được từ chức và mong muốn HĐQT sẽ tìm và bầu ra chủ tịch HĐQT phù hợp, được toàn bộ thành viên HĐQT nhất trí thông qua.

Mới đây, Eximbank bất ngờ công bố thông tin liên quan đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Dự kiến, nhân sự cao cấp tiếp tục là “điểm nóng” tại đại hội lần này.

Mới đây, Eximbank bất ngờ công bố thông tin liên quan đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Dự kiến, nhân sự cao cấp tiếp tục là “điểm nóng” tại đại hội lần này.

Trước đó, ngân hàng này đã 3 lần thay vị trí chủ tịch HĐQT, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú và sau đó là ông Cao Xuân Ninh.

Kể từ đại hội cổ đông năm 2015 của Eximbank, khi mà cựu Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui, nhân sự cấp cao ở Eximbank luôn là chủ đề “nóng bỏng” nhất là tại các kỳ đại hội ngân hàng. Cuộc tranh giành giữa các nhóm cổ đông để đưa người vào HĐQT Eximbank vẫn diễn ra quyết liệt cho đến nay.

Sau 2 lần tổ chức ĐHĐCĐ không thành, mới đây, Eximbank bất ngờ công bố thông tin liên quan đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2020. Tại ĐHĐCĐ lần này, Eximbank sẽ tiếp tục đề cập tới các nội dung đã trình tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 nhưng chưa được thông qua. Bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 7 (2020-2025) và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ. Dự kiến, nhân sự cao cấp tiếp tục là “điểm nóng” tại đại hội lần này.

VÂN THƯ

 

Theo NTD

largeer