Gần 24 triệu học sinh, sinh viên dự Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019

Thứ tư, 05/09/2018, 07:43 AM

Hôm nay 5/9, gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đến trường dự Lễ khai giảng năm học 2018 – 2019 (Năm nay, số lượng học sinh tăng hơn 2 triệu so với năm học trước). Đây là năm học có tính chất bản lề trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29.

Năm học này, toàn ngành giáo dục sẽ bị chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng, đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở lớp 1 theo Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Học sinh nô nức tới trường dự Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019

Học sinh nô nức tới trường dự Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019

Mong các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục

Trong không khí vui tươi của ngày khai giảng năm học mới 2018-2019, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các bậc phụ huynh cùng toàn thể các em sinh viên, học sinh cả nước những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước cho biết, năm học vừa qua, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được những kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ Olympic và các cuộc thi khoa học - kỹ thuật khu vực, quốc tế đều đạt giải cao, được bạn bè quốc tế mến phục. Nước ta lần đầu tiên có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nằm trong top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích mà ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua.

Chủ tịch nước cho rằng, bước vào năm học mới, ngành Giáo dục cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhất yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

Tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, có giải pháp khắc phục hiệu quả những thiếu sót, hạn chế, đưa nền giáo dục nước ta phát triển vững chắc.

Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm hơn nữa con em các đối tượng chính sách, bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi người dân.

Chủ tịch nước mong các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các em sinh viên, học sinh phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, ý chí vươn lên, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để mai sau cống hiến cho nước nhà.

Quy mô học sinh năm học 2018 - 2019 tăng hơn so với năm 2017 - 2018 là gần 24 triệu (nguồn Bộ GD&ĐT)

Quy mô học sinh năm học 2018 - 2019 tăng hơn so với năm 2017 - 2018 là gần 24 triệu (nguồn Bộ GD&ĐT)

 Toàn ngành nỗ lực chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm học 2018 – 2019 là năm học có tính chất bản lề trong lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29. Năm học này, toàn ngành giáo dục sẽ bị chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng, đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở lớp 1 theo Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, công tác chuẩn bị này có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT) mới. Việc thực hiện thành công CT GDPT mới ở lớp 1 sẽ tạo đà tích cực để tiếp tục thực hiện CT mới ở lớp 6 và lớp 10. Rõ ràng đây là một nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi toàn ngành GD phải tập trung toàn bộ nguồn lực, nỗ lực để ưu tiên thực hiện.

Bên cạnh nhiệm vụ lớn đó, năm học mới 2018-2019 cũng phải giải quyết các nhiệm vụ có tính chất thường xuyên thường niên cứ đến hẹn lại lên như: câu chuyện đạo đức văn hóa lối sống trong trường học, thiếu trường lớp, giáo viên…

Đặc biệt, ngành giáo dục sẽ triển khai Quy chế văn hóa ứng xử trong nhà trường, và coi đây là quy tắc ứng xử mà mọi đối tượng có liên quan tới cơ sở GD phải nghiêm túc chấp hành. Đồng thời, tăng cường chấn chỉnh nề nếp kỷ cương trường học sẽ là một thông điệp chung cho toàn ngành giáo dục năm học mới.

“Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế là trong đa số đội ngũ thầy cô giáo gương mẫu, đạo đức và trách nhiệm, vẫn tồn tại đâu đó một bộ phận do GV chưa thực sự nghiêm túc, gương mẫu thậm chí còn có biểu hiện sai phạm nghiêm trọng về đạo đức nhà giáo nên đã để xảy ra một số vụ bạo lực học đường. Do vậy cần chấn chỉnh kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống trong trường học, để năm học tới vấn đề kỷ cương, nề nếp trong dạy học, kiểm tra đánh giá thi cử, đạo đức lối sống trong trường học phải được chấp hành nghiêm túc để không xảy ra những vụ việc khiến nhân dân bức xúc” – Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Empty

Vùng lũ: Giáo viên đi bộ 2 ngày đường để kịp khai giảng

Mùa tựu trường năm nay vào đúng thời điểm trên địa bàn Thanh Hóa mưa lũ diễn ra. Đặc biệt, khu vực huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) đường sá hư hỏng, giao thông chia cắt. Thế nhưng, để kịp cho ngày mai lễ khai giảng, các thầy cô đã liều mình vượt qua nguy hiểm

Cô giáo Trịnh Kim Quế có thâm niên 14 năm gieo chữ ở những bản xa xôi nhất Mường Lát, mỗi tuần cô vẫn vượt mấy trăm cây số bằng xe máy về thành phố với gia đình. Thế nhưng, cô tâm sự rằng, 14 năm qua chưa bao giờ cô gặp cảnh kinh hoàng như lần này.

Cô giáo Quế vẫn chưa hoàn hồn khi đi trên chiếc thuyền để vào bản Cá Giáng khi mực nước dâng cao và củi khô tràn ngập sông.

Cô giáo Quế vẫn chưa hoàn hồn khi đi trên chiếc thuyền để vào bản Cá Giáng khi mực nước dâng cao và củi khô tràn ngập sông.

“14 năm trước khi đặt chân lên đây, sự rậm rạp âm u của rừng núi không làm mình sợ mà chùn bước. Vậy mà 14 năm sau mình đã chùn bước vì cảnh tượng này. Lần đầu tiên sau 14 năm mình đã đi một chặng đường thật khủng khiếp. Hơn 4 tiếng ngồi xe ô tô, 2 tiếng đi xe ôm, 3 tiếng cuốc bộ trong bùn lầy, 4 tiếng lênh đênh trên thuyền, rồi lại hành quân bộ trong nước, bùn ngập đầu gối mới lên được với học trò. Đúng là vượt một chặng đường mà giờ nghĩ lại vẫn không thể nào tin được mình đã đi qua được như thế” - cô giáo Quế tâm sự.

Nhiều nơi, bùn ngập đến đầu gối hoặc ngang bụng, thầy cô vẫn cố gắng vượt qua để đến với học trò thân yêu.

Nhiều nơi, bùn ngập đến đầu gối hoặc ngang bụng, thầy cô vẫn cố gắng vượt qua để đến với học trò thân yêu.

Để có thể kịp để ngày mùng 5 tổ chức khai giảng cho học sinh, thầy Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Chiểu và thầy Hoàng Lê Thành, Hiệu Trưởng trường Tiểu học Tam Chung đã phải vượt gần 300 km từ dưới xuôi lên. Hai thầy đi từ sáng ngày mùng 3/9, gần 2 ngày rong ruổi trên đường mới có thể đến được điểm trường.

“Khắp nơi cây cối đổ ngổn ngang chắn đường, nhiều đoạn đường bị sạt lở, bùn đất ngập ngang người, vừa đi, chúng tôi vừa phải dò đường. Có những đoạn vô cùng nguy hiểm nhưng vẫn bám nhau từng bước một để vượt lên bờ bên kia…” - thầy Dung kể.

Empty

Công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đã cơ bản hoàn tất, Trường Tiểu học Mường Típ 1 sẵn sàng cho lễ khai giảng năm học mới dù đến thời điểm này giao thông chia cắt khiến khoảng 20 học sinh vẫn chưa đến trườngTrường Tiểu học Mường Típ 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) là một trong những đơn vị chịu thiệt hại nặng nề bởi 2 cơn lũ cuối tháng 7, giữa tháng 8 và đợt mưa lớn cuối tháng 8 vừa qua - vào đúng thời điểm học sinh đã tựu trường.

Hiện các xã biên giới Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải (Kỳ Sơn) vẫn đang bị cô lập nên thực phẩm, đồ dùng học tập các đoàn ủng hộ vẫn chưa thể vào với thầy cô giáo và học sinh. Để giúp các trường khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sáng ngày 4/9, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An đã cử 150 cán bộ, chiến sĩ vượt rừng vào với các xã biên giới này.

Tính đến thời điểm này, với sự giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 - Quân khu 4, phụ huynh và các thầy cô giáo, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại Trường Tiểu học Mường Típ 1 (xã Mường Típ, Kỳ Sơn, Nghệ An) đã cơ bản hoàn tất. Số bùn đất dày cả mét án ngữ trước cổng trường đã được dọn dẹp, di chuyển đến nơi khác.

Học sinh vùng lũ đến trường trong ngày khai giảng

Học sinh vùng lũ đến trường trong ngày khai giảng

Hôm nay, Trường Tiểu học Mường Típ 1 sẽ tổ chức khai giảng chung với Trường Dân tộc bán trú THCS Nậm Típ. Còn hai điểm bản Huồi Khí (gồm 3 lớp, cách điểm chính 10 cây số) và Phà Nọi (5 lớp, cách điểm trường chính 18 cây số) sẽ được tổ chức khai giảng tại điểm trường, nhà trường sẽ cử Phó hiệu trưởng vào dự khai giảng với các em.

Nhật Hồng (tổng hợp)

Theo Dantri

largeer