Gần ba năm một chặng đường...

Thứ hai, 27/05/2019, 15:27 PM

Sau gần 3 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) theo chỉ đạo của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, tính đến hiện tại đã đạt nhiều kết quả khả quan tuy nhiên cũng còn không ít trở ngại.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN công bố thông tin về TTKDTM ở Việt Nam thời gian qua.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN công bố thông tin về TTKDTM ở Việt Nam thời gian qua.

Nhiều tín hiệu tích cực

Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2018 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 61% so với con số 37% của năm 2017. Mức tăng 24% của Việt Nam là ấn tượng nhất trong số 6 quốc gia Đông Nam Á tham gia khảo sát này, trong đó Thái Lan tăng 19% lên 67%, Malaysia tăng 17% lên 40% và Philippines tăng 14% lên 47%. Đây là một minh chứng rõ nét cho sự đúng đắn, tính hiệu quả của những cơ chế chính sách, giải pháp đã thực hiện thời gian qua.

Hiện nay cả nước đã lưu hành được 101 triệu thẻ thanh toán, số lượng giao dịch qua POS tăng tương ứng 41,8% và 29,4% so với cùng kỳ 2017. Đến nay, có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động. Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS...

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết “riêng quý 1/2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018”.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ TTKDTM liên tục được tăng cường, mở rộng. Đến cuối năm 2018, toàn quốc có 18.587 ATM trải rộng khắp cả nước, 243.123 máy POS, phần lớn được lắp đặt ở các điểm bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa lớn, nhà hàng, khách sạn và đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích.

Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, các công ty viễn thông... trên địa bàn đô thị phải thu học phí, viện phí, tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, máy POS. Nhiệm vụ này được Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.

Chính phủ yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, các công ty viễn thông... trên địa bàn đô thị phải thu học phí, viện phí, tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên thanh toán trên thiết bị di động, máy POS. Nhiệm vụ này được Chính phủ yêu cầu hoàn thành trước tháng 12/2019.

Không ít rào cản

Việc TTKDTM diễn ra “ỳ ạch” do nhiều người dân vẫn còn thói quen tiêu dùng tiền mặt, chưa quen với sử dụng công nghệ thanh toán mới, sợ thanh toán điện tử không an toàn, không kiểm soát được phí phát sinh thẻ tín dụng khi để nợ quá hạn (vì phí thẻ cao)...

Chị Tạ Tú Quyên (nhân viên văn phòng) nói: “Tôi cũng ủng hộ việc thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng việc sử dụng thẻ, ví điện tử liệu có bảo đảm an toàn thông tin cho người dùng hay không. Các thất thoát, rò rỉ thông tin cá nhân hoặc trục trặc về giao dịch liệu có dễ xử lý hay không là điều mà người dùng rất quan tâm”.

Cùng nhiều băn khoăn cho TTKDTM, anh Phan Thành (nhân viên kinh doanh) chia sẻ: “Hiện nay nhiều lúc tôi muốn thanh toán bằng thẻ nhưng các cửa hàng, đại lý bán đồ lại không hỗ trợ dịch vụ thanh toán thì cũng bằng không. Sự phát triển sẽ không toàn diện và đồng đều nếu không có cái nhìn, đầu tư đồng loạt.”

Hiện nay không nhiều người bán sản phẩm, dịch vụ hay các cửa hàng nhỏ cũng  không có thói quen thanh toán điện tử nên không hỗ trợ dịch vụ, thiết bị thanh toán cho khách hàng. Ngược lại có các đơn vị kinh doanh hỗ trợ TTKDTM thì khách hàng lại “ngó lơ’.

Mặc dù đã có nhiều phương tiện thanh toán như chuyển khoản qua ngân hàng, dùng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng rồi các ứng dụng khác dùng cho ví điện tử, thế nhưng những phương tiện này vẫn chưa được phổ biến và dùng một cách rộng rãi trong xã hội Việt Nam. Việc sử dụng tiền mặt chiếm đến 90% chi tiêu, 99% cho các mặt hàng dưới 100.000 đồng, gần 85% giao dịch tại ATM là rút tiền.

Mặt khác, hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại trong quá trình triển khai đề án TTKDTM, nhất là các hình thức, chức năng thanh toán chưa phù hợp với đại đa số người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực nông thôn. Chưa có sự kết nối giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các đơn vị thanh toán để đẩy mạnh triển khai dịch vụ. Đồng thời tính bảo mật thông tin cho khách hàng cũng là một trong những vấn đề đáng được quan tâm.

Theo bà Lê Thị Thúy Sen, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN), cần tăng cường hỗ trợ và quảng bá bằng truyền thông về đề án TTKDTM cho bà con nhất là vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để họ tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với các dịch vụ tài chính.

Nhằm hỗ trợ người dùng, các ngân hàng thương mại đã tích hợp thêm nhiều tính năng, tiện ích vào thẻ ngân hàng để sử dụng cho chi trả hàng hóa, dịch vụ tại điểm bán, thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán mua hàng trực tuyến, đồng thời với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Đến nay, đã có khoảng 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp dịch vụ thanh toán qua internet (internet payment) và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment).

Chọn ngày 16/6 làm ngày tiêu dùng không dùng tiền mặt

Nhằm nhắc nhở và kích cầu người dùng sử dụng TTKDTM, NHNN đã quyết định chọn ngày 16/6 hàng năm làm ngày không dùng tiền mặt. Theo đó, ngày này các hệ thống thương mại điện tử sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi, hỗ trợ và ưu đãi người dùng không thanh toán bằng tiền mặt trong ngày này.

TP.HCM quyết đi đầu trong TTKDTM

UBND TP.HCM vừa có yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp - thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện TTKDTM, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Theo kế hoạch, UBND TP.HCM yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện ban hành kế hoạch thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4. Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Các dịch vụ xử phạt vi phạm giao thông, thanh toán BHYT, BHXH cũng được đề nghị giải quyết theo hướng không dùng tiền mặt.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer