Giá thịt lợn giảm nhưng sức tiêu thụ không tăng

Thứ hai, 13/01/2020, 09:34 AM

Những ngày gần đây, nhờ những nỗ lực của các ngành trong việc bảo đảm nguồn cung ứng, giá thịt lợn ra thị trường đã giảm 10.000 - 15.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 12/2019. Mặc dù giá thịt lợn đã giảm nhưng sức mua tại hệ thống chợ truyền thống vẫn không tăng.

 Giá thịt lợn giảm nhưng vẫn ít người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm này. Ảnh: Thanh Hải

Giá thịt lợn giảm nhưng vẫn ít người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm này. Ảnh: Thanh Hải

Giá thịt lợn giảm nhẹ

Thông tin từ Trung tâm công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, những ngày gần đây giá thịt lợn hơi giảm bình quân 10.000 đồng về mức 82.000 - 85.000 đồng/kg. Tại một số địa phương khu vực miền Bắc như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc giá giảm xuống dưới 80.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, một trong những địa phương chủ lực của ngành chăn nuôi, giá thịt lợn hơi hiện ở mức 80.000 - 81.000 đồng/kg. Một số tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng… thịt lợn hơi dao động 77.000 - 80.000 đồng/kg, còn tại An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ…khoảng 83.000 - 84.000 đồng/kg.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, giá lợn hơi giảm một phần do các tập đoàn lớn trong ngành chăn nuôi như Công ty CP Việt Nam, Tập đoàn DABACO, Masan... dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã tham gia bình ổn giá mặt hàng này với mức giá bán ổn định là 83.000 đồng/kg. “Việc các DN chung tay với cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác cân đối nguồn cung thịt lợn, cam kết bình ổn giá... đã góp phần khơi thông chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm hàng hóa nói chung và thịt lợn nói riêng, qua đó tránh tình trạng “găm hàng, tăng giá " - ông Hải nhấn mạnh.

Giá lợn hơi đã giảm, và theo khảo sát của phóng viên Kinh tế&Đô thị tại hệ thống chợ truyền thống cho thấy, hiện thịt lợn giữ ổn định ở mức giá 130.000 - 160.000 đồng/kg. Cụ thể giá thịt lợn loại ngon nhất như sườn non bỏ cục, thịt ba chỉ rút xương, thịt vai gáy giòn... hiện được bán ở mức 180.000 đồng/kg, thịt loại 2 như thịt mông sấn, nạc vai, thăn cũng ở mức 130.000 -140.000 đồng/kg.Trong khi đó, tại nhiều siêu thị, giá thịt cũng bắt đầu hạ nhiệt. Tại hệ thống siêu thị Co.op mart ở Hà Nội, giá thịt lợn của Công ty CP giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại so với cách đây một tuần. Thịt ba chỉ, nạc thăn 171.000 - 172.000 đồng, giảm 6.000 đồng/kg, sườn non 198.000 đồng/kg giảm 7.000 đồng.

Người tiêu dùng không mặn mà

Mặc dù giá thịt lợn đã giảm nhẹ nhưng sức tiêu thụ mặt hàng này không tăng. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt lợn tại hệ thống chợ truyền thống có chung phản ánh: Mặc dù giá thịt lợn đã giảm từ 7.000 - 10.000 đồng/kg nhưng sức mua vẫn không tăng vì tâm lý "ngại" giá cao. Tại chợ Cầu Diễn (Nam Từ Liêm), chị Nguyễn Thị Nhị Hà (sinh viên Đại học công nghiệp Hà Nội) chia sẻ, hiện giá thịt lợn dao động ở mức 130.000 - 150.000 đồng/kg nên mỗi tuần chỉ dám mua 1 - 2 lần.

Tại buổi làm việc với đoàn khảo sát công tác cung ứng hàng hóa, bình ổn giá phục vụ Tết Canh Tý do HĐND TP Hà Nội vừa thực hiện, Trưởng Ban quản lý chợ Long Biên Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, đơn vị đã chuẩn bị 195 tấn thủy, hải sản, 140 tấn rau củ, 680 tấn quả, 6 tấn hàng khô... thấp hơn so với năm 2019 từ 7 - 10% tùy từng ngành hàng. “Nguyên nhân là do sức tiêu thụ của người dân giảm mạnh nên các hộ kinh doanh không dự trữ lượng hàng nhiều như năm trước” - ông Nghĩa nói.Phó Tổng Giám đốc hệ thống Vinmart miền Bắc Nguyễn Ngọc Dung cho biết: Tổng giá trị nguồn hàng phục vụ Tết Canh Tý của toàn hệ thống Vinmart là 1.800 tỷ đồng. Vinmart cũng đã ký kết tiêu thụ thịt lợn với nhiều nhà cung cấp quy mô lớn nên nguồn hàng ổn định, không thiếu hụt.

Tuy nhiên, do giá tăng cao nên một bộ phận người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm thay thế thịt lợn do đó sức tiêu thụ đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.Trước diễn biến của thị trường, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga đề nghị Ban Quản lý chợ Long Biên và Siêu thị Vinmart phải nâng cao chất lượng hàng hóa, khẳng định chất lượng của chợ đầu mối và siêu thị để nâng cao uy tín, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, VSATTP.

Thu Hương

Theo kinhtedothi.vn

largeer