Giá xăng - Điện tăng kép: Người tiêu dùng bạc mặt

Thứ hai, 13/05/2019, 10:22 AM

Trong quý 1/2019, người tiêu dùng “bạc mặt” vì giá xăng trong nước tăng. Giá xăng tăng khiến giá thép và một số mặt hàng thiết yếu “nóng” lên trông thấy. Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, Petrolimex lại có lý do để ăn mừng vì lợi nhuận tăng vọt. Và chỉ tiêu này hứa hẹn sẽ “bùng nổ” trong quý 2/2019 khi giá xăng tiếp tục “bứt phá”.

Người tiêu dùng è cổ gánh mặt bằng giá tăng trong quý 1, Petrolimex báo lãi tăng vọt.

Người tiêu dùng è cổ gánh mặt bằng giá tăng trong quý 1, Petrolimex báo lãi tăng vọt.

Petrolimex lãi khủng nhờ giá xăng tăng “nóng”

Quý 1/2019, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước không có nhiều biến động như ở quý 2/2019. Khoảng thời gian này, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã trải qua 9 lần niêm yết bảng giá mới. Trong đó, có tới 7 lần giữ nguyên giá xăng, 1 lần tăng và 1 lần giảm. Tuy nhiên, chỉ cần 1 lần tăng, giá xăng đã tăng mạnh, ảnh hưởng tới túi tiền của người tiêu dùng.

Cụ thể, trong phiên điều chỉnh ngày 2/3, Petrolimex công bố giá xăng E5 RON 92 tăng 939 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 946 đồng/lít, giá các loại dầu tăng từ 700-959 đồng/lít. Sau khi tăng, giá xăng E5 RON 92 không quá 17.550 đồng/lít, giá xăng RON 95-III không quá 18.910 đồng/lít, giá xăng RON 95-IV không quá 19.060 đồng/lít.

Trước đó, trong ngày đầu tiên của năm mới, Petrolimex khiến người tiêu dùng kỳ vọng vào một năm mới giá xăng chỉ “biết giảm”. Giá xăng “mở hàng” năm 2019 giảm khoảng 500 đồng/lít, xuống mức khá thấp. Như vậy, trong quý 1/2019, sau nhiều lần điều chỉnh, giá xăng tăng nhiều nhất 446 đồng/lít, tương ứng 2,4% so với phiên điều chỉnh cuối cùng của năm 2018.

Cùng với giá điện, giá xăng khiến nhiều hàng hóa tăng giá mạnh trong quý 1/2019 và đầu quý 2/2019. CPI bình quân quý 1/2019 tăng 2,63% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Giá xăng được đánh giá là nguyên nhân tăng CPI trong khi giá điện vẫn chưa bị “gọi tên”. Đó là do giá điện được điều chỉnh tăng trong cuối quý. Việc tăng giá điện sẽ tác động đến thị trường từ tháng 4/2019.

Trong quý 1, thị trường thép khiến các nhà thầu và công ty xây dựng “đứng ngồi không yên”. Nguyên nhân là giá thép tại các công ty thép từ lớn đến nhỏ đồng loạt được điều chỉnh tăng tới 3 lần. Ngoài ra, một số mặt hàng thiết yếu khác như giá ga, giá sách giáo khoa... cũng “té nước theo mưa”.

Trong khi người tiêu dùng “bạc mặt” đối phó với các loại hóa đơn tăng mạnh do ảnh hưởng từ giá xăng, giá điện thì đơn vị duy nhất có lý do “ăn mừng” là Petrolimex. Khi người tiêu dùng è cổ gánh các chi phí tăng vọt thì trong quý 1/2019, Petrolimex báo lãi khủng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2019, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Petrolimex đạt 1.294 tỷ đồng, tăng 291 tỷ đồng, tương ứng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói, lãi ròng tăng vọt nhưng Petrolimex lại báo doanh thu giảm.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ của Petrolimex chỉ đạt 41.972 tỷ đồng, giảm mạnh so với 45.442 tỷ đồng của quý 1/2018. Petrolimex không báo cáo chi tiết cơ cấu doanh thu nên không rõ mảng nào là “thủ phạm” khiến dòng tiền đổ về suy giảm.

Nếu doanh thu mảng xăng dầu vẫn tăng, có nghĩa người dân phải è cổ gánh cho những khoản đầu tư kém hiệu quả khác của Petrolimex, giống như với EVN.

Trong thời gian đầu quý 2/2019, giá xăng trong nước tăng mạnh gấp đôi giá dầu thô thế giới.

Trong thời gian đầu quý 2/2019, giá xăng trong nước tăng mạnh gấp đôi giá dầu thô thế giới.

Hứa hẹn đột biến trong quý 2/2019

Quý 1/2019 kết thúc với mặt bằng giá mới rậm rịch tăng do giá xăng. Trong quý 2/2019, điều này có thể xảy ra một lần nữa vì thị trường xăng dầu thế giới nóng lên ở đầu quý và giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng mạnh 2 lần.

Cụ thể, khi quý 2 mới đi chưa hết nửa chặng đường, Petrolimex đã có 3 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong các ngày 2/4, 17/4 và 2/5. Và cả 3 lần đều là tăng với tổng mức tăng lên đến 3.720 đồng/lít, tương đương 19,5% đối với xăng RON 95-IV, tăng 3.720 đồng/lít, tương đương 19,7% đối với xăng RON 95-III.

Có thể thấy, mới nửa đầu quý 2, giá xăng trong nước đã tăng vượt trội so với quý 1/2019. Tuy nhiên, điều đáng nói chính là giá dầu thô bị giá xăng dầu trong nước bỏ xa về tốc độ tăng. Trong cùng khoảng thời gian này, giá dầu Brent “chỉ” tăng 6 USD/thùng, tương đương 7,5% lên 72 USD/thùng, giá dầu WTI tăng 5 USD/thùng, tương ứng 8,5% lên khoảng 58 USD/thùng.

Như vậy, giá xăng trong nước tăng mạnh gấp đôi giá dầu thô thế giới. Những con số kể trên hứa hẹn giúp Petrolimex có quý 2 tăng trưởng đột biến với lợi nhuận và doanh thu (doanh thu từ xăng dầu, chứ không phải từ các sản phẩm khác ngoài xăng dầu).

Giá xăng tăng giúp Petrolimex có lợi ích lớn, hàng trăm cổ đông Petrolimex cũng “thơm lây” khi giá cổ phiếu PLX tăng mạnh trong quý 1. Sau 3 tháng, PLX tăng 8.000 đồng/CP, tương ứng 15% lên 61.000 đồng/CP (vào ngày 1/4/2019).

Trong khi đó, hàng triệu người tiêu dùng è cổ gánh mặt bằng giá mới với mức lương đứng im từ rất lâu.

Một vấn đề nữa người tiêu dùng rất chờ đợi, đó chính là động thái của Petrolimex trước diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới. Trong khi giá dầu thô tăng tối đa 8,5% thì giá xăng RON tăng tới 19,5%. Còn khi giá dầu thô thế giới lao dốc, liệu Petrolimex có điều chỉnh giá xăng trong nước giảm với tốc độ tương ứng hay không?

Sau đợt điều chỉnh tăng giá mới nhất (ngày 2/5) và đưa xăng RON 95 lên mức giá kỷ lục của năm 2019, giá dầu thế giới liên tục sụt giảm. Tới nay, chỉ sau vài ngày, giá dầu thô đã giảm tới 5%.

Đà giảm hứa hẹn còn tiếp diễn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế lên số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, mức thuế sẽ tăng từ 10% lên 25%. Tuyên bố này của ông Trump xóa đi kỳ vọng chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Còn người tiêu dùng Việt đang kỳ vọng Petrolimex thực hiện chính sách tăng giá thế nào sẽ giảm giá thế đó.

Thép là mặt hàng tăng giá mạnh nhất do chịu tác động từ giá xăng trong quý 1/2019.

Thép là mặt hàng tăng giá mạnh nhất do chịu tác động từ giá xăng trong quý 1/2019.

Bảo Linh

Theo NTD

largeer