Gian lận tài chính: Nhiều doanh nghiệp từ lời sang lỗ

Thứ ba, 09/04/2019, 10:44 AM

Cứ mỗi mùa kiểm toán báo cáo tài chính, thị trường chứng khoán lại xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp gian lận số liệu tài chính. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp từ lời chuyển sang lỗ khiến cổ phiếu rớt giá mạnh, nhà đầu tư trắng tay.

PV Gas là doanh nghiệp có số chênh lệch trước và sau kiểm toán năm 2018 lớn nhất. (Ảnh: N.H.C).

PV Gas là doanh nghiệp có số chênh lệch trước và sau kiểm toán năm 2018 lớn nhất. (Ảnh: N.H.C).

Xuất hiện nhiều tên mới

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã GAS) là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hàng năm, lợi nhuận của PV Gas đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tiền mặt luôn duy trì ở mức 20.000 tỷ đồng, là con gà đẻ trứng vàng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam). Tuy nhiên, số liệu sau kiểm toán báo cáo tài chính 2018, lợi nhuận hợp nhất của PV Gas lại “bốc hơi” 672 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp có chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán lớn nhất trong năm 2018.

Đại diện PV Gas giải thích, ngày 20/1/2019, PV Gas đã khóa sổ, lập và công bố báo cáo tài chính 2018, trong đó, số tiền PV Gas phải trả cho Petro Vietnam về giao dịch khí Cửu Long chỉ là số tạm tính. Đến đầu tháng 3, chi phí mua khí Cửu Long được chính xác hóa khiến giá vốn bán hàng tăng 840 tỷ đồng, qua đó làm lợi nhuận sau thuế giảm 672 tỷ đồng.

Mặc dù chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán không lớn như PV Gas nhưng tỷ lệ chênh lệch tại CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TP.HCM (Fideco, mã FDC) lại lớn nhất. Lợi nhuận sau thuế trước kiểm toán của Fideco đạt 35 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán, chỉ tiêu này lại âm 36 tỷ đồng khiến chênh lệch lên tới 71 tỷ đồng, giảm 201,44%. Tổng Giám đốc Fideco giải trình nguyên nhân: Kiểm toán không công nhận khoản doanh thu tài chính từ việc chuyển nhượng vốn góp dự án do chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu.

Chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán ở một số doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu tại HOSE. Đơn vị tính: Tỷ đồng.

Chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán ở một số doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu tại HOSE. Đơn vị tính: Tỷ đồng.

Cổ đông “tháo chạy”

Cổ đông của Fideco chưa hết bàng hoàng vì công ty báo lãi chuyển thành lỗ thì cổ phiếu FDC bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào diện kiểm soát và chỉ được giao dịch trong phiên chiều từ ngày 9/4. Theo HOSE, Fideco có lợi nhuận sau thuế năm 2018 bị âm và điều chỉnh hồi tố dẫn tới lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2017 âm gần 10 tỷ đồng. Chính điều này làm cổ đông tháo chạy khỏi FDC. Chỉ trong vài ngày, cổ phiếu FDC giảm 21,6%,  còn 12.700 đồng/cổ phiếu.

Ảnh hưởng nặng nề nhất là cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1. Mặc dù lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán chỉ chênh lệch 17 tỷ đồng, tỷ lệ 9,4% nhưng nguyên nhân thay đổi này khiến nhà đầu tư nhận định nguồn thu của công ty trong tương lai sẽ giảm mạnh. Thông tin trên làm YEG giảm sàn 13 phiên liên tiếp, tương ứng 61%. Chưa đầy 3 tuần, vốn hóa của Yeah1 giảm 4.670 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1 cho biết, lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán thay đổi do ảnh hưởng từ việc YouTube tuyên bố chấm dứt thỏa thuận dịch vụ lưu trữ nội dung vào ngày 3/3/2019 nên công ty phải điều chỉnh: Ghi nhận khoản trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính vào Công ty Springme Pte. Ltd; tăng chi phí thẩm định đầu tư đã phát sinh trong năm 2018 liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty SealeLab LLC.

Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, hàng loạt công ty gian lận báo cáo tài chính đã khiến nhiều nhà đầu tư trắng tay chỉ sau một thời gian ngắn. Từ 2011-2015, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) sử dụng dịch vụ kiểm toán của Công ty Kiểm toán DFK Việt Nam. Đến 2016, TTF đổi dịch vụ kiểm toán sang Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam và từ đó gian lận tài chính bị phanh phui.

Cuối quý 2/2016, kiểm toán phát hiện hàng tồn kho bị thiếu 980 tỷ đồng khiến công ty ghi nhận khoản lỗ 1.128 tỷ đồng. Khi gian lận được công bố, cổ phiếu TTF giảm 81% trong 23 phiên liên tiếp. Đến nay, TTF này chỉ còn 3.820 đồng/cổ phiếu, mất 91% giá trị, tài sản nhà đầu tư gần như mất trắng.

Ngoài TTF, nhiều nhà đầu vẫn chưa quên sự mất mát chưa từng có xảy ra ở cổ phiếu HAG (CTCP Hoàng Anh Gia Lai), HVG (CTCP Hùng Vương), JVC (Thiết bị Y tế Việt Nam), DVD (CTCP Dược phẩm Viễn Đông)... khi số liệu bị thay đổi trong báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán.

Ông Trần Ngọc Báu, Leader Finapro nhận định, lợi nhuận giảm sau kiểm toán là những câu chuyện hết sức quen thuộc ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhà đầu tư cần hiểu bản chất của các khoản mục “nhạy cảm” như: Các khoản phải thu, trả trước cho người bán... là những khoản mục dễ gian lận nhất và nhiều đơn vị kiểm toán không có bất cứ ý kiến gì về những vấn đề “phi lý” xuất hiện trên báo cáo tài chính.

Chính vì vậy, khi bước chân vào thị trường chứng khoán, ngoài tư duy sắc bén thì nhà đầu tư cũng nên trang bị cho mình kiến thức chuyên môn tốt và một cái đầu luôn hoài nghi trước báo cáo tài chính do công ty tự lập. Nếu không đủ tỉnh táo, sẽ có một ngày cổ phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ lao dốc không phanh khi lợi nhuận chuyển đổi từ lãi lớn sang lỗ khủng.

TRÍ NGUYỄN

Theo NTD

largeer