Giữa “tâm bão” dịch tả heo châu Phi, Vissan vẫn tăng trưởng

Thứ năm, 04/04/2019, 09:01 AM

Dịch tả heo châu Phi không mấy ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của “ông lớn” Vissan khi sản lượng thịt heo và các sản phẩm từ thịt mà đơn vị này cung ứng ra thị trường vẫn ổn định, thậm chí còn tăng hơn mức bình thường.

Thịt heo đang có xu hướng tăng lên ở kênh tiêu dùng hiện đại trong tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp (Ảnh: IT)

Thịt heo đang có xu hướng tăng lên ở kênh tiêu dùng hiện đại trong tình hình dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp (Ảnh: IT)

Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, UpCOM: VSN), bình quân một ngày, Vissan cung ứng ra thị trường khoảng 60 -70  tấn thịt heo tươi sống mỗi ngày; lượng thịt heo này đang có khuynh hướng tăng lên ở các kênh hiện đại như các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty, kênh phân phối siêu thị và có xu hướng giảm ở kênh chợ truyền thống.

Sẵn sàng ứng phó nếu dịch “tràn về” TP.HCM

CEO Vissan cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vissan phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nguyên liệu đầu vào là ngành chăn nuôi, vừa qua tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi bùng phát hầu như ở các tỉnh phía Bắc, kéo dài đến Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. "Và hiện tại bây giờ, theo tôi nhận định thì thời gian mới đây việc lây lan dịch bệnh đã tương đối chậm lại, do người chăn nuôi ở phía Nam đã hết sức cẩn thận và có những biện pháp rất tích cực, nghiêm khắc trong việc phòng chống lây lan", ông An nói.

Ông An cho biết ở phía Nam, Vissan cũng có 2 trang trại chăn nuôi nên rất quan tâm đến phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Trong các trang trại này, các phương tiện ra vào được sát trùng kỹ càng. Không những ở trang trại, tại các cơ sở giết mổ của Vissan, các phương tiện chở heo về giết mổ cũng được sát trùng cẩn thận mỗi ngày để tránh lây lan dịch bệnh. Nguồn heo giết mổ tại công ty có nguồn gốc xuất phát từ các trại chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chăn nuôi theo dự án LIPSAP do các đơn vị nhà nước, các đơn vị liên doanh liên kết quản lý. Đặc biệt, với những trang trại liên kết với Vissan, DN cũng thường xuyên phối hợp kiểm tra tình hình dịch bệnh trên đàn heo của họ.

“Chúng tôi đã làm các cam kết cho hệ thống phân phối cũng như các cam kết với khách hàng rằng nguồn thịt tươi sống bán ra bên ngoài 100% đảm bảo an toàn, không có nhiễm khuẩn dịch tả lợn Châu Phi”, ông An, khẳng định.

Vissan cũng có các biện pháp ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra ở miền Nam. Khi đó, nếu thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào cho mảng thực phẩm chế biến thì Vissan kế hoạch nhập thịt đông lạnh từ nước ngoài về, dĩ nhiên nguồn thịt này phải được kiểm soát kỹ về ATTP mới nhập khẩu vào Việt Nam.

“Hiện tại chúng tôi có sẵn trong kho khoảng 1.600 tấn thịt, còn lại trên đường về (khoảng 600 tấn) và Vissan cũng đã ký hợp đồng cung ứng thường xuyên với các nhà cung cấp thịt ở nước ngoài rồi. Đảm bảo khi dịch bệnh nếu có xảy ra ở phía Nam thì nguồn cung của công ty vẫn đáp ứng đủ”, ông An nói.

Riêng đối với thực phẩm tươi sống, trong chừng mực nào đó, Vissan đưa ra một kịch bản xấu nhất và tệ nhất, đó là nhập hàng đông lạnh các chủng loại và sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ thông qua dạng đông lạnh. Tuy nhiên ông An cho rằng trường hợp này khó xảy ra vì các cơ quan chức năng đang kiểm soát dịch khá tốt.

Liên quan đến việc dịch tả heo Châu Phi liệu có ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Vissan? Ông An cho biết, điều này không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Vissan bởi lượng thịt heo DN cung ứng ra thị trường vẫn ổn định. Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ từ các chợ truyền thống đang giảm nhưng ở các kênh hiện đại có tăng lên và bù đắp trở lại. Do vậy mà sản lượng tại Vissan hầu như không giảm, thậm chí có khả năng tăng lợi nhuận do giá đầu vào giảm.

Cơ hội với Vissan?

Thực tế, thời gian qua khi giá thịt heo sụt giảm, Vissan không những không bị ảnh hưởng như những DN chăn nuôi khác mà từ đó còn có cơ hội nâng cao tỷ suất lợi nhuận bởi với đặc điểm là doanh nghiệp kinh doanh đầu cuối có thương hiệu, Vissan vẫn "sống khoẻ" dù thị trường biến động. Minh chứng là, trước đó trong năm 2017, mặc dù giá thịt heo giảm nhưng Vissan thậm chí không bị ảnh hưởng mà còn được lợi rất nhiều. Báo cáo quý II/2017 của Vissan cho thấy, tỷ suất lợi nhuận gộp của Vissan đã tăng vọt lên mức 25% so với mức 17% cùng kỳ năm trước nhờ giá heo đầu vào giảm.

Bước sang năm 2018, Vissan đạt doanh thu thuần 4.440 tỷ đồng, tăng trưởng 14,5% so với năm 2017. Tuy nhiên, do giá heo nguyên liệu tăng trở lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của DN này khi biên lợi nhuận gộp của Vissan giảm từ 25% còn 20%.

Trong đó, riêng quý 3/2018, khi giá heo hơi biến động từ mức 30.000 - 33.000 đồng/kg, lên mức 50.000 - 53.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên tới 55.000 đồng/kg (tăng 60 -70%) khiến giá vốn hàng bán tăng cao, doanh nghiệp giảm lãi mạnh. Cụ thể, báo cáo tài chính quý 3/2018 của Vissan cho thấy, 9 tháng công ty đạt doanh thu 2.601 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán, các chi phí tài chính, bán hàng… tăng cao so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận trước thuế công ty chỉ đạt 106,8 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì vậy, khi tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp khiến giá heo có thể giảm, Vissan hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để nâng tỷ suất lợi nhuận gộp như năm 2017, khi giá heo đầu vào giảm.

Theo BCTC năm 2018 được công bố, tổng tài sản tính đến hết năm 2018 của Vissan đạt 1.721 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền 662 tỷ đồng, tương đương 38,5%. Hàng tồn kho tăng gần 32% lên 520 tỷ đồng, chủ yếu do tăng thành phẩm. Tổng nợ phải trả cuối kỳ 728 tỷ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn là 207 tỷ đồng.

Ngoài ra, tính đến 31/12/2018, cổ đông lớn nhất tại Vissan vẫn là Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra) sở hữu 67,76%; Công ty CP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO) sở hữu 24,94%; cổ đông khác sở hữu 7,3%.

Năm 2019, Vissan đặt mục tiêu tổng doanh thu khoảng 4.850 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2018. Trong đó dự kiến sản lượng thực phẩm tươi sống đạt 28.092 tấn, tăng 10% so với năm 2018. Cụ thể, về thực phẩm tươi sống, dự kiến sản lượng thịt heo ước đạt 25.542 tấn và thịt bò khoảng 1.550 tấn. Thực phẩm chế biến ước đạt 24.930 tấn, cũng tăng trưởng 10%.

Lợi nhuận trước thuế cả năm ước đạt 200 tỷ đồng, tăng 14% so với lợi nhuận đạt được năm 2018. Phấn đấu chia cổ tức tỷ lệ 5%.

Để thực hiện tốt kế hoạch, trong năm 2019 công ty sẽ xây dựng đề án tạo nguồn nguyên liệu heo hơi (chiếm 20-30%), chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu sản xuất cho năm 2019 trong tình hình nguồn nguyên liệu heo hơi cạn kiệt do dịch bệnh xảy ra.

Quốc Hải

Theo danviet.vn

largeer