Google và Facebook lại tiếp tục “ngã ngựa”

Thứ ba, 17/09/2019, 11:06 AM

Facebook để rò rỉ dữ liệu của khoảng 419 triệu khách hàng, khiến Thẩm phán Liên bang (Mỹ)Vince Chhabria hôm 9/9 lên tiếng ủng hộ đơn khởi kiện Facebook. Trước đó, hôm 4/9 Google đã đồng ý trả 170 triệu USD để dàn xếp những cáo buộc thu thập và chia sẻ dữ liệu từ trẻ em trên dịch vụ share video YouTube bất hợp pháp. Hai scandal mới này khiến hai gã khổng lồ về công nghệ sính vính...

Với việc số điện thoại bị rò rỉ, hàng trăm triệu người dùng Facebook đối mặt với nguy cơ lừa đảo và bị quấy rối. Hacker có thể sử dụng số điện thoại để đặt lại mật khẩu của bất kỳ tài khoản nào liên kết với số điện thoại đó.

Với việc số điện thoại bị rò rỉ, hàng trăm triệu người dùng Facebook đối mặt với nguy cơ lừa đảo và bị quấy rối. Hacker có thể sử dụng số điện thoại để đặt lại mật khẩu của bất kỳ tài khoản nào liên kết với số điện thoại đó.

Thu thập dữ liệu trẻ em trên YouTube?!

Trong thông báo mới nhất, lãnh đạo YouTube là Susan Wojcicki khẳng định rằng họ sẽ coi mọi dữ liệu từ những người xem nội dung trẻ em trên YouTube đều là dữ liệu của trẻ nhỏ mà không cần phân biệt độ tuổi của người dùng.

Còn các nhà điều tra cho rằng YouTube đã phạm luật yêu cầu các trang mạng và dịch vụ trực tuyến dành cho trẻ nhỏ phải thông báo rõ ràng về các hoạt động xử lý thông tin và phải nhận được sự đồng ý của cha mẹ trước khi thu thập thông tin cá nhân của trẻ em dưới 13 tuổi.

Theo Ủy ban Thương mại Liên bang  Mỹ (FTC), Google luôn tự nhận YouTube là kênh thu hút trẻ em, thu lợi từ việc cho đăng quảng cáo của một số nhãn hàng đồ chơi cùng các tiện ích khác nhắm tới đối tượng trẻ tuổi. Nhưng Google lại không tuân thủ luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (COPPA) ban hành năm 1998.

FTC cho biết, Google đã đạt thỏa thuận dàn xếp với họ và Cơ quan công tố bang New York: FTC sẽ nhận 136 triệu USD, còn New York nhận 34 triệu USD. Đây cũng là khoản tiền phạt lớn nhất đã từng được ghi nhận trong một vụ việc liên quan tới COPPA. Thỏa thuận còn yêu cầu YouTube thay đổi cách xử lý các nội dung liên quan tới trẻ em. Thỏa thuận này sẽ cần phải được một tòa án liên bang Mỹ chấp thuận trước khi được triển khai và chắc chắn điều này sẽ xảy ra.

Để khắc phục, đồng thời trấn an người dùng và dư luận, YouTube sẽ hạn chế thu thập và sử dụng dữ liệu trên những video dành cho trẻ em, tuổi teen và chỉ khi cần thiết, mới sử dụng riêng để hỗ trợ công việc của YouTube.

Lãnh đạo YouTube cũng sẽ ngừng hoàn toàn việc phát các quảng cáo trên một số dịch vụ dành cho trẻ em, tuổi teen và hủy một số tính năng như bình luận trên YouTube. Họ cũng sẽ dành quỹ trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ việc sáng tạo những nội dung nguyên bản, có ý nghĩa dành riêng cho trẻ em trên các kênh YouTube và YouTube Kids trên thế giới.

Một góc trong công ty Google. (Ảnh: Internet).

Một góc trong công ty Google. (Ảnh: Internet).

Facebook rò rỉ dữ liệu khủng

Cũng theo FTC, thông tin từ một máy chủ chứa dữ liệu của hơn 419 triệu người dùng Facebook trên khắp hành tinh vừa bị rò rỉ trên mạng - lớn hơn nhiều so với vụ Cambridge Analytica trước đây. Cụ thể, không cần mật khẩu, bất kỳ ai trên hành tinh cũng có thể truy cập dữ liệu của người dùng, trong đó hơn 133 triệu từ Mỹ, 50 triệu từ Việt Nam và 18 triệu người từ Anh ...

Hồ sơ này bao gồm ID của người dùng và số điện thoại liên kết với tài khoản. Một số hồ sơ còn công khai cả quốc gia, tên và giới tính của người dùng. Theo AFP, họ đã xác minh một số hồ sơ bằng cách kiểm tra xem số điện thoại công khai có trùng khớp với ID người dùng hay không và kiểm tra tính năng lấy lại hồ sơ Facebook bằng số điện thoại liên kết.

Jay Nancarrow - người phát ngôn của Facebook, cho biết dữ liệu trên đã bị loại bỏ kể từ khi Facebook tắt quyền xem số điện thoại công khai. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là kẻ nào đã thu thập số điện thoại từ Facebook để đưa lên máy chủ? Mục đích chắc không tốt đẹp gì.

Vào tháng 6/2018, trong hồ sơ dài 414 trang, nhiều khách hàng Facebook đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang tại California, cáo buộc Facebook xâm phạm quyền riêng tư khi chia sẻ những thông tin nhạy cảm gồm video, ảnh, tin nhắn riêng tư với nhiều đối tác kinh doanh. Nội dung kiện nêu rõ trang mạng lớn nhất thế giới này đã khiến người dùng lầm tưởng rằng có thể kiểm soát dữ liệu cá nhân nhưng thực tế lại khác: Họ đã cho phép hàng ngàn công ty bên ngoài như Netflix, Airbnb và Lyft thoải mái tiếp cận dữ liệu từ lâu nay.

Lãnh đạo Facebook đã đề nghị tòa bác bỏ đơn kiện trong bối cảnh ngày 9/9, một thẩm phán liên bang Hoa Kỳ tại California, ông Vince Chhabria, tuyên bố các cáo buộc đối với Facebook trong vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại là hoàn toàn có cơ sở. Ông cũng chỉ rõ quan điểm lệch lạc của Facebook khi cho rằng người dùng không phải chịu tổn thất trên thực tế và không có lợi ích riêng tư hợp pháp trong những thông tin mà họ đã chia sẻ với người thân, bạn bè trên mạng xã hội.

Từ lâu, Facebook đã cam kết hạn chế các nhà phát triển truy cập vào số điện thoại của người dùng. Về phía nhà chức trách, để tránh các rủi ro về bảo mật và riêng tư, họ khuyên người sử dụng nên hạn chế dùng số điện thoại của mình công khai trên bất kỳ cơ sở dữ liệu online nào.

Hơn một năm trước đây, lãnh đạo Facebook đã từng tuyên bố hạn chế truy cập số điện thoại của người dùng. Nay với scandal mới này, Facebook sẽ phải bở hơi tai tìm biện pháp khắc phục để giữ uy tín có sẵn từ xưa tới nay.

Khánh Phương (Theo CNN, AFP)

Theo NTD

largeer