Hơn 100 năm giữ lửa nghề đúc lư đồng thủ công

Thứ hai, 06/08/2018, 20:45 PM

Nằm sâu trong con đường Nguyễn Duy Cung (phường 12, quận Gò Vấp) ít ai ngờ được giữa chốn phố thị phồn hoa vẫn tồn tại một làng nghề đúc lư đồng tồn tại hơn 100 năm qua. Không ồn ào, náo nhiệt, những người thợ ở đây vẫn hăng say làm việc để tiếp tục giữ lửa làng nghề.

 Hơn 100 năm giữ lửa làng nghề truyền thống

Làng đúc lư đồng An Hội xuất hiện từ cuối thế kỷ 19 và phát triển theo những thăng trầm của Sài Gòn. Hiện thị trường chuyển biến mạnh mẽ, cùng với quá trình đô thị hóa quá nhanh đã khiến làng nghề ngày càng mai một và có nguy cơ bị xóa sổ. Đến nay vẫn còn một số xưởng nhỏ và một vài hộ gia đình bám theo nghề này.

Giữa sự biến đổi của thị trường và trải qua bao sự thăng trầm của sự phát triển đô thị, tại số nhà 50 đường Nguyễn Duy Cung (phường 12, quận Gò Vấp) còn sót lại một xưởng sản xuất lư đồng mang tên Hai Thắng.

Có mặt tại xưởng sản xuất lư đồng của ông Trần Văn Thắng  (71 tuổi), với hơn 50 năm theo nghề, mới thấy được một không khí sôi động và sự hăng say làm việc của các nghệ nhân tại làng nghề này.

Người thợ đang thực hiện công đoạn đắp khuôn cho lư đồng. (Ảnh: Huy Hoàng)

Người thợ đang thực hiện công đoạn đắp khuôn cho lư đồng. (Ảnh: Huy Hoàng)

Để tạo ra 1 bộ lư đồng hoàn chỉnh, các nghệ nhân ở đây phải thực hiện nhiều công đoạn khác nhau. Bắt đầu từ việc làm khuôn và nung khuôn để khuôn cứng cáp. Tiếp đến là giai đoạn nấu đồng tan chảy để đổ vào khuôn và làm nguội để lấy sản phẩm. Công đoạn cuối cùng là quan trọng nhất, những nghệ nhân tại đây bằng bàn tay điêu luyện của mình sẽ hàn và chạm thêm họa tiết cho những lư đồng và đánh bóng sản phẩm để cho ra 1 bộ lư đồng hoàn chỉnh. Nhiều công đoạn với nhiều công phu nên mỗi bộ lư đồng cần khoảng thời gian 20 ngày mới cho ra được 1 sản phẩm hoàn chỉnh.

Nói về quá trình làm nghề và giữ lửa nghề ông Hai Thắng chia sẻ: “Muốn làm được nghề này, trước tiên cần có cái tâm với nghề. Vì nghề đúc lư đồng là một nghề khá vất vả, trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi ở người thợ không chỉ có kỹ thuật cao mà còn khéo léo, tỉ mỉ và kiến trì trong mỗi khâu”.

Đắp sáp tạo khuôn là khâu cực kỳ quan trọng, vì công đoạn này sẽ quyết định độ dày mỏng của lư đông. (Ảnh: Huy Hoàng)

Đắp sáp tạo khuôn là khâu cực kỳ quan trọng, vì công đoạn này sẽ quyết định độ dày mỏng của lư đông. (Ảnh: Huy Hoàng)

“Từ đó đến tận bây giờ, tôi sống bằng nghề, lớn lên cùng với nghề nên không thể nào từ bỏ được. Bằng mọi cách tôi sẽ cố gắng truyền nghề lại cho con cháu để nghề không bị mai mọt và mất đi” - ông Hai Thắng cho biết.

Làng nghề mai một theo thời gian

Một trong những khó khăn rất lớn với những nghệ nhân làng nghề là những năm gần đây thị trường lư đồng có sự góp mặt của lư đồng được sản xuất theo mô hình công nghiệp khiến những lư đồng được sản xuất thủ công ngày càng ít được ưu chuộng trên thị trường.

Một chiếc lư đồng được cở sở sản xuất Hai Thắng làm theo yêu cầu của khách đặt hàng. (Ảnh: Huy Hoàng)

Một chiếc lư đồng được cở sở sản xuất Hai Thắng làm theo yêu cầu của khách đặt hàng. (Ảnh: Huy Hoàng)

“Những người của thế hệ chúng tôi vẫn luôn bám và theo nghề đến được khi nào thì đến, chứ thế hệ trẻ bây giờ chẳng còn hứng thú với nghề như tôi ngày xưa vì tính chất nghề này cực khổ và vất vả. Ngay cả những đứa con của tôi chỉ có 2 đứa theo nghiệp tôi, còn mấy đứa kia chọn công việc nhẹ nhàng hơn để làm” - ông Thắng cho biết.

Chị Trần Thị Thu Sương con gái của ông Thắng chia sẻ: “Là con gái lớn trong nhà mà mấy em tôi không muốn theo nghề nên tôi quyết định theo nghề của cha. Vì cha tôi thì lớn tuổi rồi, nếu lỡ một mai cha tôi mất đi tôi nghĩ cái nghề này bị mai một thì tiếc lắm nên tôi quyết định sẽ bám nghề và giữ nghề”.

Sản phẩm hoàn chỉnh rất bắt mắt, được nhiều khách hàng tìm đến mua. (Ảnh: Huy Hoàng)

Sản phẩm hoàn chỉnh rất bắt mắt, được nhiều khách hàng tìm đến mua. (Ảnh: Huy Hoàng)

“Tôi mong sao Nhà nước kịp thời hỗ trợ để chúng tôi giữ được làng nghề truyền thống mà vẫn đảm bảo được các tiêu chí về môi trường. Tôi không muốn một mai nghề bị mất đi, lại càng không muốn làng nghề truyền thống của ông cha bị mai một. Chính vì vậy, tôi tìm mọi cách cùng với em trai tôi sẽ gắn bó với nghề và phát huy nghề mạnh hơn nữa” – chị Sương chia sẻ thêm.

Hiện tại, riêng xưởng sản xuất lư đồng Hai Thắng một năm cho ra lò hơn một nghìn sản phẩm lư đồng các kiểu với những mẫu mã đa dạng để phục vụ nhu cầu thờ cúng cho mọi người. Ngoài ra, xưởng ông còn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 nhân công với mức thu nhập khá ổn định. Và điều đặc biệt của xưởng Hai Thắng là một trong những xưởng đúc lư đồng theo lối sản xuất thủ công còn tồn tại trên đất Sài thành.

Mỹ Triều - Huy Hoàng

NTD

largeer