Hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Hoa Kỳ

Thứ hai, 19/08/2019, 09:22 AM

Với sự bùng nổ của internet và thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam giờ đây có thể bán sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng Hoa Kỳ với dân số trên 300 triệu người.

Tại sao nên bán hàng trực tuyến?

Theo các chuyên gia, cơ hội bán hàng trực tuyến là rất lớn và ngày càng tăng. Doanh nghiệp có thể bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng mà không cần phải qua các kênh phân phối truyền thống. Bằng cách bán hàng trực tuyến, các công ty Việt Nam có thể:

- Kinh doanh 24/7.

- Tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường nước ngoài.

- Xây dựng thương hiệu.

- Tiếp cận thị trường mới với chi phí thấp.

- Kiểm soát được thời điểm bán hàng và sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý.

- Nhận tiền trước, hạn chế các rủi ro liên quan đến thanh toán.

Thương mại điện tử ở Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là nơi có thị trường thương mại điện tử phát triển nhất thế giới. Theo số liệu thống kê năm 2018, khách hàng Mỹ đã tiêu 517,36 tỷ USD cho việc mua sắm online với tổng giá trị hàng hóa được bán trực tuyến đạt khoảng 3,63 ngàn tỷ USD. Giá trị mua hàng trực tuyến, tăng khoảng 15% mỗi năm. Hiện tại ở Hoa Kỳ, rất nhiều cửa hàng, chuỗi bán lẻ truyền thống đã đóng cửa do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Chợ bán lẻ trực tuyến chiếm 14,3% tổng lượng bán lẻ và liên tục tăng trưởng trong các năm gần đây.

Các số liệu trên cho thấy thương mại điện tử cung cấp một tiềm năng tuyệt vời cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam để tăng doanh thu thông qua xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ qua con đường này.

Các doanh nghiệp cần cân nhắc các chiến lược tiếp thị, thanh toán, tính hiệu quả, thuế và các khoản phí khác. Đây là một phần không thể tách rời cho chiến lược thương mại điện tử của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có thể sử dụng các trang truyền thông, mạng xã hội như Facebook, Twitter hoặc YouTube để quảng bá sản phẩm của mình và phát triển cơ sở khách hàng ở Hoa Kỳ.

Thuế, phí hải quan và các phụ phí tại Hoa Kỳ

Hàng hóa của doanh nghiệp sẽ cần một số tài liệu liên quan và phải chịu thuế hải quan và thuế bán hàng khi hàng được chuyển tới tay người mua.

Doanh nghiệp có thể thuê các công ty làm dịch vụ hậu cần có giấy phép (broker) hoặc làm việc với các đại lý thông quan tại cửa khẩu mà hàng hóa của doanh nghiệp sẽ nhập cảnh. Các đại lý và công ty dịch vụ này sẽ thay mặt doanh nghiệp làm các thủ tục hải quan, nộp các giấy tờ cần thiết và thanh toán thuế, phí.

Hệ thống thuế tại Hoa Kỳ rất phức tạp. Mặc dù Hoa Kỳ không có thuế giá trị gia tăng (VAT), nhưng hàng hóa sẽ chịu thuế bán hàng (sales tax). Sales tax ở mỗi bang khác nhau, người mua hàng sẽ phải trả thuế này theo mức thuế của tiểu bang mà hàng hóa được yêu cầu gửi đến nếu doanh nghiệp có sự hiện diện vật lý (văn phòng, kho bãi) tại tiểu bang của người mua hàng. Ví dụ người mua hàng ở bang Texas khi mua hàng online sẽ chịu mức thuế của tiểu bang là 8,25% nếu người bán hàng có văn phòng, kho bãi tại Texas. Tuy nhiên người mua hàng sẽ không phải trả mức thuế này nếu người bán hàng không có hiện diện vật lý (văn phòng, kho bãi) tại bang. Một số tiểu bang của Mỹ như Alaska, Delaware, Montana, New Hampshire và Oregon không áp thuế bán hàng.

Bảo vệ thông tin khách hàng

Các doanh nghiệp cần lưu ý về quyền sở hữu trí tuệ tại Hoa Kỳ, đồng thời lưu ý tính bảo mật thông tin khách hàng. Không được chuyển thông tin cá nhân của khách hàng Hoa Kỳ cho một bên thứ ba và cần tìm hiểu kỹ các ràng buộc pháp lý về vấn đề này.

Tiếp cận một thị trường mới nhiều cạnh tranh luôn gặp nhiều bỡ ngỡ ban đầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm sự giúp đỡ và hỗ trợ phù hợp từ các cơ quan chính phủ, các hiệp hội, các cơ quan thương mại cũng như các chương trình hỗ trợ thông qua hội thảo, tập huấn và học hỏi từ các doanh nghiệp, bạn hàng đã có kinh nghiệm kinh doanh trực tuyến.

Anh Trinh

Theo NTD

largeer