Ít doanh nghiệp tham gia "thu hoạch sớm" về vận tải tiểu vùng Mekong

Thứ tư, 03/04/2019, 14:03 PM

Hiện cả nước đã có 4 công ty và 25 phương tiện hoạt động theo bản ghi nhớ "thu hoạch sớm” vận tải qua lại 6 nước tiểu vùng Mekong mở rộng (Hiệp định GMS-CBTA), trong khi tham gia hiệp định, mỗi quốc gia thành viên có thể cấp tối đa 500 giấy phép vận tải đường bộ GMS đi lại nhiều lần và Sổ theo dõi tạm nhập (TAD) cho các doanh nghiệp vận tải của nước mình.

Ông David Martin, đại diện ADB giải đáp thắc mắc và cung cấp đầy đủ thông tin về triển khai Bản ghi nhớ “thu hoạch sớm” Hiệp định GMS-CBTA. Ảnh: M.N

Ông David Martin, đại diện ADB giải đáp thắc mắc và cung cấp đầy đủ thông tin về triển khai Bản ghi nhớ “thu hoạch sớm” Hiệp định GMS-CBTA. Ảnh: M.N

Ngày 2-4, tại TPHCM, Tổng cục Đường bộ phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Học viện Mekong tổ chức hội nghị tập huấn đào tạo thu hoạch sớm Hiệp định Tạo thuận lợi vận tải người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Hiệp định GMS-CBTA). Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết: Việt Nam là một trong 6 nước thực hiện hiệp định GMS này, đã triển khai thành công việc cấp giấy phép. Hiện đã cấp cho 4 công ty và 25 phương tiện hoạt động theo bản ghi nhớ.

Do đó bà Hiền đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu các tuyến hành lang theo quy định của hiệp định, để triển khai thực hiện hiệu quả. “Trước đây một số doanh nghiệp đã xin cấp giấy phép, nhưng chưa có hoạt động thực sự. Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, nghiên cứu các căn cứ pháp lý, cơ chế quản lý của các nước bạn để tạo cho doanh nghiệp Việt hoạt động thuận lợi trên lãnh thổ nước bạn”, bà Hiền cho biết.

Ông David Martin, đại diện ADB khuyến khích các doanh nghiệp vận tải Việt Nam hãy nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xin giấy phép vận tải đường bộ ở khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng để được hưởng các quyền lợi từ hiệp định này.

“Hiện nay ở Việt Nam số lượng công ty đăng ký chưa nhiều, một khi các đơn vị vận tải Việt Nam đã được cấp giấy phép, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp hỗ trợ cho các công ty Việt Nam gặp gỡ với các công ty Thái Lan để mở rộng kinh doanh”, ông David Martin nhấn mạnh.

Hiệp định GMS-CBTA ra đời năm 1996 gồm 6 nước (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar), rất quan trọng đối với Việt Nam và các nước GMS trong việc thúc đẩy hợp tác các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng cả về vận tải và thương mại. Mục đích của hiệp định là tạo ra một hệ thống vận tải xuyên biên giới của tiểu vùng (trên cơ sở có đi có lại) để việc vận chuyển người và hàng hóa giữa các nước thành viên diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và với chi phí thấp hơn.

Tham gia hiệp định, mỗi quốc gia thành viên có thể cấp tối đa 500 giấy phép vận tải đường bộ GMS đi lại nhiều lần và Sổ theo dõi tạm nhập (TAD) cho các doanh nghiệp vận tải của nước mình.

Không giới hạn về số lần phương tiện có thể nhập – xuất, nhưng mỗi chuyến đi phương tiện không được lưu trú tại nước chủ nhà quá 30 ngày. Phương tiện có thể nhập cảnh qua một cửa khẩu và xuất cảnh ở một cửa khẩu khác, nhưng chỉ được phép sử dụng các tuyến đường đã được quy định trong hiệp định CBTA.

Minh Nghĩa

Theo thesaigontimes.vn

largeer