Không sợ hãi, 1,4 triệu bà chủ tiệm tạp hoá vào cuộc đua sống còn

Thứ năm, 17/09/2020, 10:14 AM

Tạp hóa bà Nga, bà Hải đang trong cuộc đua với các cửa hàng tiện ích, siêu thị,... nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ.

Các chuỗi cửa hàng tiện lợi như VinMart, Circle K, FamilyMart, Co.op Smile, Satrafoods hay gần đây là Bách Hóa Xanh... đã len lỏi vào mọi khu dân cư, đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân từ cây kim, sợi chỉ, cho đến mớ rau, con cá. Trong sự cạnh tranh đó, cửa hàng tạp hóa truyền thống còn sống khỏe. Đây là loại hình kinh doanh dường như bất chấp quy luật phát triển của thị trường.

Cửa hàng của bà Nga nằm ở một tổ dân phố thuộc quận Long Biên, Hà Nội. Mặc dù sát ngay cạnh là một cửa hàng tiện lợi, song đại lý của bà khách chẳng vơi đi là bao. Từ chục năm nay, bà bán đủ loại từ thực phẩm, đồ dùng thiết yếu hàng ngày đến cả cục pin, thẻ nạp thẻ điện thoại,... Những ngày lễ, Tết, khách chật kín bà vẫn bán đến nửa đêm mới đóng cửa. Để đáp ứng nhu cầu của khách, mới đây, bà còn nhận thanh toán online hoặc ứng dụng thanh toán rất tiện lợi. Điều quan trọng, vì bán hàng lâu năm, lại là hàng xóm trong tổ dân phố, khách quen thậm chí có thể mua chịu, nợ tiền vài bữa rồi trả cũng được.

Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tiệm tạp hóa cạnh tranh với bán lẻ hiện đại 

Tiệm tạp hóa cạnh tranh với bán lẻ hiện đại 

Có đến 9/10 người được hỏi (92%) cho biết, họ thích mua nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa hơn. Đó là do thói quen đã có từ lâu và vì cửa hàng tạp hóa có quy mô nhỏ, chi phí vận hành thấp nên giá hàng hóa rẻ.

Theo bà Nguyễn Ngọc Trâm, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường, JLL Việt Nam, mạng lưới chợ truyền thống dày đặc và vẫn là nơi lựa chọn của rất nhiều người. Thói quen và quan niệm lâu đời có thể thay đổi được nhưng vẫn cần có thời gian và trải nghiệm thực tế.

Các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn chiếm tỷ lệ rất lớn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là những nơi không thuộc Hà Nội và TP.HCM. Các nhà bán lẻ vẫn còn nhiều cơ hội để phát huy năng lực cạnh tranh của mình.

Đến thời lên đời

Xu hướng bán hàng, phân phối đã dịch chuyển mạnh mẽ đòi hỏi những mô hình truyền thống như tạp hóa cũng phải thay đổi cơ bản. Theo đó, cửa hàng tạp hóa không chỉ bán lẻ từ vài ngàn đồng mỗi món hàng, mà còn nâng cấp làm đầu mối cung cấp sỉ mặt hàng gạo, nước giải khát bánh kẹo, sữa... của những nhà sản xuất lớn cho cả khu vực dân cư tại chỗ. Kéo theo là nhu cầu quản lý bán hàng, kho vận... không khác gì những doanh nghiệp bán lẻ hiện đại.

 Bà Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, bán lẻ truyền thống cũng đã phải vượt qua chính mình để phù hợp hơn trong thời đại mới.

"Các nhà bán lẻ truyền thống đã chấp nhận cạnh tranh thay vì sợ hãi trước bán lẻ hiện đại. Họ biết những hạn chế, nhược điểm của mình, hiểu được nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam thời hội nhập để mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng mà kênh bán lẻ hiện đại chưa làm được".

Bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế

Bán lẻ truyền thống vẫn chiếm ưu thế

Theo bà Loan, kênh bán lẻ truyền thống đã có những thay đổi ngoạn mục như sử dụng thanh toán điện tử, kết hợp cả bán hàng online với offline qua nhiều kênh, cố gắng tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất.

Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp cung cấp các phần mềm quản lý bán hàng cho các tiệm tạp hóa. Sapo X cung cấp phần mềm bán tại cửa hàng và chuỗi. KiotViet sử dụng công nghệ đám mây còn cho phép bạn có thể truy cập dữ liệu bán hàng mọi lúc mọi nơi. Chủ cửa hàng có thể cập nhật giá bán, xác nhận đơn hàng bán ra nhanh chóng và thuận tiện...

Ở kênh phân phối từ nhà cung cấp tới tiệm tạp hóa, một ứng dụng mới đang được nhiều người quan tâm. Theo đó, các cửa hàng tạp hóa có thể liên kết trực tiếp tới các nhà sản xuất không qua kênh trung gian phân phối, điều này giúp họ giảm được chi phí tối đa. Đặc biệt, tạp hóa được nâng đời qua các công cụ thanh toán như ví điện tử, quét QR code không thua kém gì các cửa hàng tiện lợi.

Hồi cuối năm 2019, Telio - một nền tảng kết nối giữa các hộ kinh doanh gia đình với các nhà bán buôn - gọi vốn thành công 25 triệu USD từ các quỹ đầu tư Tiger Global, Sequoia India, GGV Capital và RTP Global.

Những cửa hàng tạp hóa mới vẫn đang tiếp tục mọc lên, len lỏi từng ngõ ngách, phục vụ hơn 90 triệu người dân Việt. Cùng với những công cụ hỗ trợ mới, những cửa hàng tạp hóa như của bà Nga, bà Hải đã chính thức bước ra đối đầu với siêu thị hay cửa hàng tiện ích.

Bảo Anh

Theo Vietnamnet.vn

largeer