Kinh tế Việt qua cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Thứ hai, 27/05/2019, 15:00 PM

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung một lần nữa lại “nóng” lên trong năm 2019 khiến nhà đầu tư lo lắng. Những lĩnh vực nhạy cảm nhất có thể kể đến như thị trường chứng khoán, tỷ giá và... chủ nhân của những chiếc điện thoại thông minh mang thương hiệu Huawei. Vì vậy, cuộc chiến này được đánh giá là sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít cơ hội. Làm thế nào để Việt Nam tránh được rủi ro và tận dụng cơ hội?

Những tác động đầu tiên tới kinh tế Việt Nam

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung manh nha từ nhiều tháng qua nhưng tới giữa tháng 5/2019 lại “nóng” lên rõ rệt. Hai động thái quyết liệt từ Mỹ chính là tăng thuế lên 25% với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc và đưa ra các biện pháp cứng rắn với một trong những hãng điện thoại thông minh lớn nhất thế giới của Trung Quốc - Huawei. Cả 2 động thái này đều tác động trực tiếp đến nền kinh tế và người tiêu dùng Việt Nam.

Tỷ giá nhạy cảm nhất với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tỷ giá nhạy cảm nhất với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tỷ giá “nhảy múa”

Trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế phân tích cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có 5 tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Đó là: Ngoại thương, đầu tư, tỷ giá, dòng vốn FDI và cạnh tranh ở thị trường trong nước. Trong đó, tỷ giá là yếu tố nhạy cảm. Theo ông Phong, việc các nước phá giá đồng nội tệ là điều có thể xảy ra.

Đúng như phân tích của ông Phong, ngay khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung “nóng” trở lại hồi đầu tháng 5, tỷ giá là một trong những yếu tố phản ứng sớm nhất khi đồng USD tăng chóng mặt. 7/5 là ngày “mở màn” cho chuỗi giao dịch đầy thăng trầm của đồng bạc xanh khi tỷ giá tăng tới 60 đồng/USD lên mức 23.395 đồng/USD. Tới ngày 9/5, USD lập “đỉnh” ở mức 23.460 đồng/USD (bán ra) và 23.300 đồng/USD (mua vào).

Sau đó, tùy vào từng diễn biến cụ thể của Mỹ và Trung Quốc, tỷ giá “nhảy múa” theo, có lúc giảm sâu, có lúc tăng mạnh. Tới ngày 23/5, tỷ giá đang đứng sát mức cao kỷ lục trong năm 2019: 23.320 đồng/USD (mua vào) - 23.440 đồng/USD (bán ra), giảm 10 đồng/USD so với phiên trước đó.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong những ngày tới đây, tỷ giá sẽ tiếp tục biến động mạnh, chủ yếu theo xu hướng đi lên.

Chứng khoán “ngược dòng” thành công

Thông thường, thị trường chứng khoán biến động nhanh nhất và mạnh nhất trước các thông tin kinh tế, chính trị. Lần này... cũng vậy. Ngay khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung “nóng” lên, chỉ số VN-Index nhanh chóng đi giật lùi. Trong phiên giao dịch 6/5, VN-Index giảm tới 16,17 điểm, tương ứng 1,7% xuống 957,97 điểm. Vốn hóa thị trường sàn TP.HCM giảm 67.343 tỷ đồng (khoảng 2,9 tỷ USD).

Tuy nhiên, khác với trước đây, hiện tại, tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mới ở giai đoạn đầu, nhà đầu tư Việt chỉ để diễn biến từ thị trường thế giới tác động mạnh trong duy nhất phiên 6/5. Sau đó, chỉ số VN-Index chuyển động theo hướng đi lên là chủ yếu.

Đóng cửa phiên giao dịch 22/5, VN-Index dừng ở mức 983,78 điểm, tăng 25,81 điểm, tương đương 2,7%. Vốn hóa thị trường sàn TP.HCM có thêm 144.119 tỷ đồng (khoảng 6,1 tỷ USD). Nhà đầu tư Việt thắng lớn trong khi “đồng nghiệp” tại Trung Quốc và Mỹ phải trải qua nhiều cảm xúc khác nhau, trong đó chủ yếu là “đau tim” vì thua lỗ.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, nếu cuộc chiến thương mại này “leo thang” căng thẳng, thị trường chứng khoán Việt cũng khó tránh được tổn thương.

Người dùng Việt đang lo lắng smartphone Huawei sẽ trở thành “cục gạch” sau khi Huawei bị Google “nghỉ chơi”.

Người dùng Việt đang lo lắng smartphone Huawei sẽ trở thành “cục gạch” sau khi Huawei bị Google “nghỉ chơi”.

Chủ sở hữu smartphone Huawei “chạy làng”

Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei là doanh nghiệp lớn nhất rơi vào “tâm bão”. Đầu tiên là sự kiện chấn động “Công chúa Huawei” bị bắt. Mới đây nhất, Mỹ gây chấn động khi đưa ra hàng loạt “cấm vận” với Huawei. Nhiều công ty Mỹ đã quay lưng lại với Huawei. Google ngừng cấp phép sử dụng Android với Huawei. Nhiều hãng cung cấp linh kiện cũng từ chối Huawei.

Dù ngày 21/5, một số “cấm vận” được dỡ nhưng khó khăn của Huawei vẫn còn rất nhiều. Người dùng dịch vụ của Google từ điện thoại Huawei vẫn tiếp tục được sử dụng Google Play và Google Play Protect nhưng thông tin này vẫn chưa đủ sức trấn an chủ smartphone Huawei, trong đó có người tiêu dùng Việt.

Tại Việt Nam, thị phần của Huawei không lớn, chỉ chiếm 4%. Thị phần 4% là nhỏ nhưng số lượng người dùng thì không phải con số khiêm tốn. Điều đó có nghĩa khi smartphone Huawei trở thành “máy ảnh” hoặc “máy nghe nhạc” thì không ít người điêu đứng.

Trên các diễn đàn công nghệ, hàng loạt topic công nghệ bàn về việc “chạy làng” smartphone Huawei liên tục xuất hiện. Người dùng lo lắng nguy cơ Huawei biến thành “cục gạch” khi không truy cập được Gmail, YouTube, Chrome...

Bảo Linh

Theo NTD

largeer