Lạc quan thương mại đưa S&P 500 lên mức kỷ lục

Thứ ba, 02/07/2019, 09:31 AM

Chất xúc tác cho phiên đi lên này của Phố Wall là hy vọng mới về đàm phán thương mại Mỹ-Trung...

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai với sự dẫn đầu của nhóm cổ phiếu công nghệ. Chất xúc tác cho phiên đi lên này của Phố Wall là hy vọng mới về đàm phán thương mại Mỹ-Trung và khả năng Washington nới trừng phạt Huawei.

Theo hãng tin Reuters, vào lúc đóng cửa, các chỉ số không giữ được mức cao thiết lập trong phiên. Tuy vậy, S&P 500 vẫn có mức chốt phiên cao chưa từng thấy.

Hôm thứ Bảy, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí không áp thêm thuế lên hàng hóa của nhau và nối lại đàm phán thương mại song phương. Nội dung của thỏa thuận hòa hoãn còn bao gồm Mỹ nới lỏng hạn chế đối với hãng công nghệ Trung Quốc Huawei và Trung Quốc tăng mua hàng nông sản Mỹ.

Nguyên nhân khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ không thể giữ được mức cao thiết lập trong phiên cho tới khi đóng cửa là do một số nhà đầu tư giảm đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nới lỏng chính sách tiền tệ.

"Nếu căng thẳng thương mại dịu đi, thì khả năng FED hạ lãi suất và mức độ giảm tiềm năng cũng thấp đi so với kỳ vọng cách đây khoảng 1 tuần rưỡi", chiến lược gia Willie Delwichie thuộc Robert W. Baird nhận xét.

Ngoài ra, thị trường cũng có phần thận trọng vì tuần này được dự báo sẽ là một tuần có khối lượng giao dịch thấp ở Phố Wall do kỳ nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ 4/7.

Cổ phiếu công nghệ là nhóm tăng mạnh nhất phiên này, với mức tăng 1,45%. Trong đó, cổ phiếu Apple tăng 1,83%, tạo cú huých mạnh nhất cho cả nhóm.

Cổ phiếu con chip, một thành viên của nhóm công nghệ, tăng gần 5% ở mức đỉnh của phiên, nhưng chốt phiên với mức tăng 2,65%. Cổ phiếu Micron, một nhà cung cấp chính của Huawei, tăng 3,9%.

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 0,44%, đạt 26.717,43 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,77%, đạt 2.964,33 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,06%, đạt 8.091,16 điểm.

Chứng khoán Mỹ đã trải qua một đợt bán tháo mạnh trong tháng 5, với mức giảm 6,6%, khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung rơi vào bế tắc khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Sang tháng 6, khả năng FED hạ lãi suất để duy trì tăng trưởng kinh tế Mỹ, cùng lập trường trở nên mềm mỏng của các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, đã giúp chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh. S&P 500 và Dow Jones cùng chốt tháng 6 tăng tốt nhất nhiều thập kỷ.

Sau những diễn biến mới nhất, giới giao dịch ở Phố Wall hiện vẫn tin FED sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 30-31/7, với mức cắt giảm ít nhất 0,25 điểm phần trăm. Trước đó, thị trường đặt khả năng cao FED sẽ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này.

Dữ liệu công bố gần đây cho thấy ngành sản xuất đang tăng trưởng chậm lại ở Mỹ, thậm chí suy giảm ở nhiều nước châu Âu và châu Á, nên khả năng FED hạ lãi suất vẫn đang ở mức cao.

Tuy nhiên, nếu triển vọng kinh tế Mỹ tốt lên nhờ tình hình thương mại có tiến bộ, FED có thể sẽ không hạ lãi suất nhanh, nhiều như kỳ vọng thời gian qua.

Cổ phiếu Boeing giảm 2,1% trong phiên đầu tuần, sau khi có thông tin nói rằng cơ quan công tố liên bang đã yêu cầu hãng sản xuất máy bay này xuất trình tài liệu liên quan đến hoạt động sản xuất máy bay 787 Dreamliner ở South Carolina.

Cổ phiếu công ty sòng bạc Wynn Resorts tăng 5,9% nhờ doanh thu casino của Macau trong tháng 6 tăng mạnh hơn dự kiến.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,57 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,5 lần.

Có tổng cộng khoảng 7,04 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,15 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất. 

Bình Minh

Theo vneconomy.vn

largeer