Lãi suất 650%/tháng khó khuyến khích giao dịch “phi tiền mặt”

Thứ hai, 27/05/2019, 15:58 PM

Một chuyên gia tài chính - chứng khoán choáng váng với lãi suất lên đến 650%/tháng. Đây được coi là lãi suất “cắt cổ” không thua kém “tín dụng đen”. Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ ngân hàng lại... không sai. Câu chuyện này cho thấy chính sách giao dịch “phi tiền mặt” của Ngân hàng Nhà nước xem ra vẫn tiền hậu bất nhất và còn nhiều lực cản.

Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa bị tố tính lãi suất 650%/tháng.

Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa bị tố tính lãi suất 650%/tháng.

Choáng váng lãi suất 650%/tháng

Mới đây, ông Phan Dũng Khánh gây chú ý khi “đăng đàn” chia sẻ câu chuyện bị Ngân hàng HSBC tính lãi suất tới 650%/tháng. Câu chuyện của ông Khánh nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận vì mức lãi 650%/tháng được coi là tương đương lãi suất “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, ông Khánh vốn là một chuyên gia tài chính, chứng khoán nổi tiếng có tới gần 20 năm kinh nghiệm nên cộng đồng mạng càng xôn xao hơn.

Ông Khánh chia sẻ tháng trước, ông chuyển nhà nên mua thêm một ít vật dụng. Ông thanh toán thẻ hơn 100.400.000 đồng bằng thẻ tín dụng. Kỳ hạn trả trước là 16/5. Ngày 7/5, ông mang tiền nộp qua ATM của HSBC để trả nợ nhưng do hạn mức tối đa chỉ là 100.000.000 đồng nên ông tính hôm sau sẽ nộp nốt 400.000 đồng.

Tuy nhiên, do bận rộn và chủ quan nghĩ 400.000 đồng không phải con số lớn nên nếu bị tính lãi thì cùng lắm là vài chục ngàn đồng do vậy ông quyết định để luôn đến kỳ sao kê tháng 5. Đến ngày 21/5, ông nhận sao kê từ ngâng hàng thì tá hỏa vì phát hiện lãi đến gần 3 triệu đồng, nghĩa là gấp 7,5 lần số tiền gốc mà ông còn nợ là hơn 400.000 đồng. Ông Khánh tính mức lãi suất lên đến gần 650%/tháng.

Ông Khánh tới ngân hàng khiếu nại thì HSBC giải thích là tiền lãi được tính trên dư nợ gốc hơn 100.400.000 đồng tháng trước cộng với 27 triệu đồng tiền quẹt thẻ sau đó. Tuy nhiên, ông Khánh cho biết thêm kỳ hạn của 27 triệu đồng này đến tận giữa tháng 6 mới phải trả.

Ông Khánh cho biết ông đã hỏi một số ngân hàng thương mại thì được biết một số ngân hàng cũng tính như HSBC, một số đơn vị khác lại không. Họ chỉ tính lãi suất dựa trên số tiền 400.000 đồng chưa trả, còn số tiền trả rồi thì không bị tính lãi suất nữa.

Với mức tính như vậy, ông Khánh tin rằng ngân hàng đã “thua” trong lòng khách hàng và chắc chắn ngân hàng sẽ mất đi khách hàng hiện tại và cả khách hàng tiềm năng.

Với mức tính như vậy, ông Khánh tin rằng ngân hàng đã “thua” trong lòng khách hàng và chắc chắn ngân hàng sẽ mất đi khách hàng hiện tại và cả khách hàng tiềm năng.

Tính theo dư nợ gốc

Trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, đại diện HSBC từ chối bình luận về trường hợp cụ thể của khách hàng Phan Dũng Khánh và chỉ cung cấp cách tính lãi suất mà ngân hàng này áp dụng.

HSBC cho biết để tận dụng được tất cả những tiện ích của thẻ tín dụng và phục vụ nhu cầu của bản thân một cách hiệu quả, người dùng thẻ nên lưu ý tất cả những tiện ích cũng như chính sách mà các tổ chức phát hành thẻ cung cấp, bao gồm chính sách thanh toán.

Ngân hàng này khẳng định các chính sách thanh toán thẻ tín dụng của ngân hàng HSBC Việt Nam được công bố minh bạch và công khai tới người dùng trên trang web của ngân hàng và trên hợp đồng dịch vụ giữa người dùng thẻ và ngân hàng. Hàng tháng, người dùng thẻ cũng nhận được bảng sao kê, trong đó in rõ những ghi chú quan trọng và tầm quan trọng của việc thanh toán dư nợ đầy đủ.

Một trong những lợi ích mà người dùng thẻ tín dụng nên biết là thời gian miễn lãi tối đa được hưởng khi thực hiện giao dịch mua hàng. Đối với thẻ tín dụng của HSBC, tùy thuộc vào từng loại thẻ, thời gian miễn lãi tối đa là 45-55 ngày kể từ ngày giao dịch phát sinh. Người dùng thẻ tín dụng chỉ có thể được hưởng thời gian miễn lãi này khi số dư  cuối kỳ được nêu trên bảng sao kê đã được thanh toán đầy đủ và được ngân hàng ghi nhận trước hoặc đúng ngày đến hạn thanh toán.

Tóm lại, trong trường hợp người dùng thẻ tín dụng không thanh toán đầy đủ tổng số dư nợ cuối kỳ trước hoặc đúng ngày đến hạn thanh toán, tiền lãi sẽ được tính trên toàn bộ số dư kể từ ngày giao dịch phát sinh và trên tất cả các giao dịch mới (kể từ ngày giao dịch phát sinh) cho đến khi toàn bộ số dư chưa thanh toán được thanh toán đầy đủ.

“Nói chung, giống như bất kỳ các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác, người dùng thẻ tín dụng nên dành thời gian đọc và hiểu tất cả các chính sách của các tổ chức phát hành thẻ. Đặc biệt đối với việc thanh toán thẻ tín dụng, để tránh mọi khoản tiền lãi không mong muốn, người dùng thẻ tín dụng nên thanh toán số dư trước hoặc đúng ngày đến hạn thanh toán” - đại diện HSBC Việt Nam đưa ra lời khuyên cho khách hàng.

Lực cản giao dịch “phi tiền mặt”

Có thể thấy, HSBC thực hiện đúng những chính sách mà ngân hàng đã công bố công khai trước đó. Đây là điều mà ông Khánh đã dự báo trước đó khi tin rằng khả năng lấy lại tiền là rất thấp vì: “Pháp chế ngân hàng hùng hậu như thế đã soi từng câu chữ nên ngân hàng có thể dễ dàng thắng về quy định, quy trình”.

Nhưng ông Khánh tin rằng ngân hàng đã “thua” trong lòng khách hàng và chắc chắn ngân hàng sẽ mất đi khách hàng hiện tại và cả khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, ông Khánh cũng bàn tới chính sách lớn được Ngân hàng Nhà nước quyết tâm thực hiện và truyền thông rộng rãi tới người dân suốt nhiều năm qua đó là giao dịch “phi tiền mặt”. Câu chuyện này cho thấy, chính sách “giao dịch phi tiền mặt” đang gặp không ít lực cản. Vì vậy, người dân vẫn yêu thích thanh toán bằng tiền mặt.

Ông Khánh đưa ra số liệu thống kê của Standard Chartered. Theo đó, người dân Việt Nam sử dụng tiền mặt nhiều hàng đầu thế giới (hơn 90%) và số lượng người dân tiếp cận dịch vụ tài chính cũng thấp nhất. Do vậy, theo ông Khánh, những quy định như thế phải nên bỏ bớt để giúp mọi người dễ tiếp cận đến dịch vụ ngân hàng hơn. Và lớn hơn nữa là có niềm tin vào ngân hàng chứ không phải lâu lâu bị mất tiền oan như vậy.

“Dù sao vẫn là người làm tài chính đầu tư nhiều năm nên tôi luôn mong ngân hàng và khách hàng vẫn còn duy trì được niềm tin với nhau thì mọi người mới ít xài tiền mặt hơn và sẽ sử dụng dịch vụ tài chính nhiều hơn nữa” - ông Khánh chia sẻ.

Quang Hải

Theo NTD

largeer